Thời sự
Xuất khẩu sang Nhật Bản: Cửa lớn sắp mở
Hiếu Minh - 27/07/2015 19:19
Với nhiều cam kết cắt giảm thuế quan, Hiệp định Đối tác thương mại Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) được đánh giá là sẽ mang lại cơ hội lớn cho các ngành có tiềm năng của Việt Nam trong việc đẩy mạnh xuất khẩu sang Nhật trong thời gian tới.

Xuất khẩu tôm của Việt Nam vào Nhật Bản được hưởng thuế suất 0% ngay từ khi VJEPA có hiệu lực

Tại cuộc Tọa đàm “Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn 2015 - 2019 và cơ hội cho doanh nghiệp”, TS. Nguyễn Văn Du, Phó tổng giám đốc VietinBank cho biết, theo VJEPA, (có hiệu lực từ ngày 1/10/2009), trong vòng 10 năm kể từ khi thực hiện Hiệp định, Việt Nam cam kết tự do hoá đối với khoảng 87,66% kim ngạch thương mại và Nhật Bản cam kết tự do hoá đối với 94,53% kim ngạch thương mại. Vào năm cuối của lộ trình giảm thuế (2025), tức là sau 16 năm thực hiện Hiệp định, Việt Nam cam kết tự do hoá đối với 92,95% kim ngạch thương mại.

Với lộ trình cam kết này, ông Tạ Đức Minh, Phó trưởng phòng Đông Bắc Á, Vụ Thị trường Châu Á - Thái Bình Dương, Bộ Công thương cho biết, trong vòng 10 năm tới, rất nhiều lĩnh vực được coi là chủ lực xuất khẩu của Việt Nam sẽ được hưởng nhiều ưu đãi về thuế khi xuất khẩu sang Nhật Bản.

Cụ thể, sản phẩm công nghiệp vốn là lĩnh vực mà thuế suất thuế nhập khẩu vào Nhật Bản đã rất thấp được chính phủ nước này cam kết cắt giảm bình quân từ 6,51% năm 2008 xuống còn 0,4% vào năm 2019. Với sản phẩm dệt may, xuất khẩu sang Nhật Bản được hưởng mức thuế 0%, thay cho mức bình quân 7% ngay từ khi hiệp định có hiệu lực.

Đối với sản phẩm da giày được hưởng thuế nhập khẩu 0% trong vòng từ 5 - 10 năm. Còn sản phẩm nông sản là lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh, nhưng Nhật Bản bảo hộ mạnh mẽ, Nhật Bản cam kết cắt giảm thuế bình quân từ 8,1% năm 2008 xuống 4,74% vào năm 2019.

Cùng với đó, thủy sản, lĩnh vực được đánh giá là đem lại lợi ích xuất khẩu lớn nhất cho Việt Nam từ việc thực thi VJEPA, Nhật Bản giảm thuế từ mức bình quân 5,4% năm 2008 xuống 1,31% năm 2019. Đặc biệt, tôm, cua, ghẹ và một số sản phẩm cá sẽ được hưởng thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

“Là đối tác thương mại lớn thứ 4, đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam sau Hoa Kỳ, Trung Quốc và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 3 sau Trung Quốc và Hàn Quốc năm 2014, với những cam kết cắt giảm thuế quan ở mức cao, chắc chắn giai đoạn tới đây, Hiệp định VJEPA sẽ mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực có tiềm năng như dệt may, da giày, nông sản và đặc biệt là thủy hải sản”, ông Minh khẳng định.

Một thông tin đáng quan tâm mà ông Hà Duy Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính cho biết là đầu năm nay, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 25 kèm Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam theo VJEPA giai đoạn 2015 - 2019. Theo đó, kể từ ngày 1/4/2015, sẽ có thêm 150 dòng hàng được cắt giảm thuế quan về 0%, nâng tổng số dòng hàng được xóa bỏ thuế kể từ khi VJEPA có hiệu lực lên 3.234 dòng, tương đương 34,09% toàn biểu thuế nhập khẩu.

Cũng theo ông Tùng, thuế quan được cam kết cắt giảm dần theo từng giai đoạn. Các mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử; nguyên phụ liệu dệt may, da giày có lộ trình xóa bỏ thuế quan sớm do đây là các mặt hàng công nghệ cao, linh kiện lắp ráp, nguyên liệu phụ trợ cần nhập khẩu trong nước chưa đáp ứng được, trong đó nhiều mặt hàng cũng có thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) 0%. Trong các giai đoạn tiếp theo, thuế nhập khẩu của hầu hết các mặt hàng còn lại cũng sẽ giảm dần để tiến tới đưa về 0%.

Theo TS. Nguyễn Văn Du, với cam kết cắt giảm cả từ hai phía, một mặt Hiệp định VJEPA mở ra cơ hội lớn cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam vào Nhật Bản, mặt khác cũng đặt các doanh nghiệp Việt Nam trước những thách thức gay gắt khi phải cạnh tranh với các dòng sản phẩm của Nhật Bản với chất lượng cao và mức giá thấp hơn trước do giảm thuế nhập khẩu.

“Thuế suất nhập khẩu của hơn 3.200 dòng sản phẩm về 0% sẽ khiến cho hàng hóa từ Nhật Bản nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam. Tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng Việt Nam sẽ ảnh hưởng đến việc tiêu thụ của sản phẩm cùng loại sản xuất trong nước”, ông Du cảnh báo.

Để tận dụng cơ hội từ VJEPA mang lại, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp cần chú trọng chất lượng sản phẩm hơn là nhờ tăng năng suất để có thể đáp ứng yêu cầu rất cao từ phía Nhật Bản. Bên cạnh đó, cùng với việc tham gia chuỗi sản xuất của các tập đoàn Nhật trong lĩnh vực sản xuất điện thoại, ô tô, linh kiện điện tử và đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm chủ lực như dệt may, giày dép, thủy hải sản thì các doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung khai thác tốt các sản phẩm “đặc sản” của Việt Nam.

Ông Nguyễn Sơn, Phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế cũng đồng tình quan điểm này và cho rằng hiện nay, điểm cốt lõi để khai thác được lợi thế xuất khẩu từ VJEPA là doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng được quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm từ phía Nhật Bản.

“Các doanh nghiệp Nhật làm ăn rất bài bản. Trước khi đặt hàng, họ thường tìm hiểu về quy trình sản xuất, nuôi trồng từ phía đối tác Việt Nam. Vì vậy, nếu đáp ứng được điều này, Việt Nam sẽ có cơ hội lớn để xuất khẩu sang Nhật”, ông Sơn khẳng định.

Tin liên quan
Tin khác