Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), trong năm nay, tình hình thương mại thuỷ sản vẫn sẽ bị tác động mạnh bởi đại dịch Covid-19.
Thậm chí, đây vẫn là yếu tố chính chi phối xu hướng xuất nhập khẩu thuỷ sản của Việt Nam.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có thể duy trì thế mạnh cạnh tranh về nguồn cung nguyên liệu so với các nước khác. Ngoài ra, các Hiệp định thương mại tự do sẽ tiếp tục là đòn bẩy cho xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam phục hồi ở một số thị trường.
Các doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam cũng có không ít kinh nghiệm và sự linh hoạt trong thích ứng với biến động, thay đổi nhu cầu, thị hiếu của thị trường sau một năm nhiều biến động như 2020.
Do vậy, VASEP dự báo xuất khẩu thuỷ sản năm 2021 sẽ có kết quả khả quan hơn năm 2020, ước đạt 8,8 tỷ USD, tăng gần 5%.
Nhìn lại kết quả năm vừa qua, sản lượng thuỷ sản của cả nước đạt 8,4 triệu tấn, tăng 3% so với năm 2019. Trong đó, nuôi trồng chiếm 54% với gần 4,6 triệu tấn, khai thác chiếm 46% với trên 3,8 triệu tấn.
Xuất khẩu thuỷ sản đạt 8,4 tỷ USD, giảm gần 2% so với năm 2019, trong đó, thuỷ sản nuôi như tôm và cá tra chiếm 62% với 5,2 tỷ SD, thuỷ sản khai thác chiếm 38% với 3,2 tỷ USD.
Đại dịch Covid-19 kéo dài cả năm 2020 làm gián đoạn hoạt động thương mại thuỷ sản toàn cầu cũng như thay đổi xu hướng tiêu thụ các sản phẩm thuỷ sản.
Theo đó, các sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam cũng biến động theo xu hướng thị trường, dẫn đến xuất khẩu tôm chân trắng, tôm biển, cá biển, cua ghẹ và nhuyễn thể hai mảnh vỏ gia tăng, trong khi xuất khẩu cá tra giảm sâu còn cá ngừ, mực và bạch tuộc giảm nhẹ.
Chế biến tôm tại Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (Ảnh: Lê Toàn). |
Đại dịch cũng kéo giảm nhu cầu nhập khẩu thuỷ sản trên các thị trường nhưng các nước nhập khẩu chính thuỷ sản từ Việt Nam như EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản thì chỉ giảm nhẹ (từ 3-6%).
Trong khi thị trường lớn nhất là Hoa Kỳ vẫn tăng 10% hay các thị trường khác như Nga, Anh, Úc, Canada thậm chí tăng mạnh lượng nhập khẩu từ Việt Nam (từ 10-32%).
Nhìn chung, xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam bắt đầu hồi phục từ tháng 07/2020 và tăng trong quý III (với mức tăng trưởng từ 10-30%). Sang quý cuối năm 2020, dù nhu cầu nhập khẩu của các thị trường vẫn tốt nhưng thương mại thuỷ sản lại rơi vào bế tắc vì thiếu container rỗng để xếp hàng xuất đi các nước.
Kéo theo đó là cước phí vận tải đội lên nhiều, khiến hoạt động xuất khẩu bị đình trệ.
Trong Tờ trình về phê duyệt chiến lược phát triển thuỷ sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045 được gửi đến Thủ tướng Chính phủ hồi giữa tháng 01/2021, Bộ NN & PTNT đặt mục tiêu, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia sản xuất, xuất khẩu thuỷ sản hàng đầu thế giới.
Theo đó, giá trị xuất khẩu thuỷ sản đạt từ 14-16 tỷ USD vào năm 2030.
Dù vậy, còn nhiều thách thức trong việc khai thác tiềm năng ngành thuỷ sản Việt Nam như quy mô sản xuất còn nhỏ, hệ thống hạ tầng thuỷ sản còn lạc hậu, thiếu gắn kết giữa các thành tố trong hệ sinh thái,…