Sản lượng lượng tôm nội địa Mỹ chỉ đáp ứng 10% nhu cầu; 90% còn lại đến từ nguồn nhập khẩu của các nước Trung Mỹ, Nam Á và Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Đây là thông tin được ông Phạm Quang Huy, Tham tán nông nghiệp - Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ chia sẻ tại “Diễn đàn trực tuyến kết nối sản xuất, chế biến, xuất khẩu tôm nước lợ Việt Nam”.
Hiện tại, Mỹ cũng là thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất Việt Nam, với các sản phẩm chủ yếu là tôm thẻ chân trắng và tôm sú. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường Mỹ đạt 298 triệu USD, giảm 38,2% so với cùng kỳ 2022, theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn.
Mỹ là thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam. |
Ông Phạm Quang Huy cho biết có cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan dẫn đến sự sụt giảm này.
Về mặt khách quan, tình hình lạm phát tại Mỹ khiến người dân thắt chặt chi tiêu, chuyển sang các mặt hàng có giá rẻ hơn. Ngoài ra, các nhà nhập khẩu còn nhiều hàng tồn kho sau giai đoạn tích trữ vì đại dịch Covid-19. Đồng thời, nguồn cung vào thị trường tôm giá rẻ của Mỹ từ các nước như Ấn Độ, Ecuador, Indonesia tăng lên.
Về mặt chủ quan, ông Huy cho biết giá thành nuôi tôm của Việt Nam cao so với các đối thủ cạnh tranh do diện tích nuôi nhỏ lẻ, chất lượng giống chưa đảm bảo, mật độ cao, chi phí thức ăn vào đầu vào gia tăng. Tại hội chợ thủy sản Bắc Mỹ diễn ra tháng 3 vừa qua, giá tôm của các nước khác đang rẻ hơn Việt Nam 1,5-2 USD/kg, gây khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam trong tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu.
Tuy vậy, từ nay đến cuối năm, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ được dự đoán sẽ hồi phục với nhiều điểm sáng từ thị trường. Ông Huy đánh giá nửa cuối năm 2023, lãi suất được dự đoán không tăng và kỳ vọng lạm phát dần được kiểm soát. Sức mua tại thị trường Mỹ cũng đang dần hồi phục trở lại và sẽ sớm khởi sắc. Ngoài ra, ưu điểm của thị trường Mỹ là thông tin và chính sách minh bạch, ổn định. Uy tín doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cũng đã được khẳng định sau nhiều năm xuất khẩu sang Mỹ.
Để đẩy mạnh xuất khẩu tôm vào thị trường Mỹ, ông Phạm Quang Huy khuyến nghị các doanh nghiệp trong nước cần tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị từ khâu ươm giống, sản xuất, chế biến, phân phối và tiêu thụ sản phẩm; phát triển các mô hình nuôi tôm giúp hạ giá thành sản phẩm, tiệm cận với giá của các đối thủ cạnh tranh,….
Trong bối cảnh giá tôm Việt Nam đang cao hơn nhiều quốc gia khác, ông Huy gợi ý Việt Nam nên tập trung phát triển các loài tôm bản địa có tính đặc trưng mà đối thủ cạnh tranh không có; đồng thời nâng cao hàm lượng chế biến, đa dạng hóa sản phẩm (tôm bao bột, ăn liền, tempura…) hướng tới đáp ứng sự tiện dụng trong quá trình sử dụng.
Đặc biệt, tham tán nông nghiệp của thương vụ Việt Nam tại Mỹ lưu ý doanh nghiệp về vấn đề phòng vệ thương mại khi xuất khẩu tôm sang Mỹ. Kể từ năm 2004, tôm Việt Nam bị Bộ Thương Mại Hoa Kỳ khởi xướng điều tra và kết luận áp thuế chống bán phá giá từ 4,3% đến 25,76%. Tuy nhiên mức thuế áp với từng doanh nghiệp sẽ được rà soát và điều chỉnh theo thời gian.
Trong trường hợp không may vướng vào các vụ kiện/tranh chấp pháp lý, ông Phạm Quang Huy khuyến nghị doanh nghiệp cần tích cực hợp tác với cơ quan thẩm quyền Hoa Kỳ nhẳm cung cấp tài liệu chứng minh hoạt động của doanh nghiệp; thường xuyên trao đổi với các cơ quan chức năng của Việt Nam để nắm bắt thông tin cần thiết và được hướng dẫn cụ thể. Đồng thời, doanh nghiệp cần chủ động xây dựng hệ thống truy xuất dây chuyền sản xuất từ tôm nguyên liệu đến thành phẩm; lưu giữ tài liệu, hệ thống kế toán minh bạch, thuận tiện để có thể cung cấp trong thời gian ngắn, đáp ứng yêu cầu của phía Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt hơn 1,5 tỷ USD, giảm 31,9% so với cùng kỳ năm 2022. Các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam đều ghi nhận mức giảm 2 con số, với nguyên nhân chủ yếu là do lạm phát và suy giảm sức mua, cộng thêm lượng hàng tồn kho lớn.