Khó khăn đến từ nhiều phía
Bộ Công thương vừa thu hồi thêm 2 giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu của Công ty cổ phần Thương mại nhiên liệu Cửu Long (TP.HCM) và Công ty TNHH Đầu tư phát triển xăng dầu Việt Nhật (Ninh Bình).
Nguyên nhân thu hồi là do các thương nhân đã chủ động trả lại giấy chứng nhận khi không còn duy trì được điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu theo quy định.
Như vậy, tính riêng từ đầu năm đến nay, đã có khoảng 20 thương nhân phân phối xăng dầu trả lại giấy phép.
Được biết, số lượng thương nhân phân phối xăng dầu đã giảm từ 330 doanh nghiệp vào năm 2023, xuống còn dưới 300 doanh nghiệp. Có nghĩa, hơn 30 doanh nghiệp đã không còn tham gia vào sân chơi phân phối xăng dầu.
Việc trả lại giấy phép gia tăng, diễn ra trong bối cảnh Bộ Công thương đề nghị các thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối báo cáo việc duy trì điều kiện làm thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối xăng dầu theo quy định. Theo đó, nhiều thương nhân không duy trì điều kiện đã chủ động nộp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu.
Ngoài ra, việc gia tăng số doanh nghiệp trả giấy phép còn là do gặp khó khăn bởi những biến động của thị trường xăng dầu thời gian qua, cùng việc siết chặt hoạt động của cơ quan quản lý, trong đó có việc siết hóa đơn khi bán xăng dầu, lợi nhuận kinh doanh cũng không còn hấp dẫn. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp ngấp nghé bờ vực phá sản.
Thêm vào đó, việc Bộ Công thương xây dựng Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu, với quy định mới được cho sẽ tạo thêm khó khăn cho thương nhân phân phối.
Theo ông Văn Tấn Phụng, Chủ tịch HĐQT Công ty Dầu khí Đồng Nai: “Chuỗi cung ứng xăng dầu cần được đảm bảo bởi cộng đồng doanh nghiệp nội địa lớn mạnh, thông qua mạng lưới phân phối từ nhập khẩu đến bán lẻ. Nhưng cơ chế quản lý thời gian qua và quy định của Dự thảo Nghị định mới tiếp tục duy trì tình trạng lấn át và chèn ép ngày càng tăng của các doanh nghiệp lớn đang thống lĩnh thị trường, dẫn đến khâu phân phối, bán lẻ không có lãi”.
Được biết, tại Dự thảo Nghị định đang xây dựng, Ban Soạn thảo đề xuất quy định mới là, thương nhân phân phối xăng dầu chỉ được mua xăng dầu từ thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, mà không được mua từ các nhà cung cấp khác. Trong khi quy định hiện hành, thương nhân phân phối được lấy xăng dầu từ nhiều nguồn.
Đề xuất này gây bức xúc cho một bộ phận doanh nghiệp phân phối, họ cho rằng, quy định mới này sẽ trao quyền quá lớn cho thương nhân đầu mối, khiến hệ thống phân phối phụ thuộc vào thương nhân đầu mối về cả nguồn cung lẫn lợi ích kinh doanh. Tiếp tục kinh doanh thì nguy cơ bị sụt giảm mạnh về doanh thu cũng như lợi nhuận.
Ông Hoàng Trung Dũng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ (APP) thẳng thắn: “Quy định thương nhân phân phối không được mua hàng từ nhiều nguồn là siết lại điều kiện kinh doanh, bó buộc và hạn chế tự do thị trường”.
Còn nhớ, thời điểm khan hàng vào giữa năm 2022, các doanh nghiệp đầu mối lo đảm bảo nguồn hàng trong hệ thống của mình mà “bỏ rơi” hệ thống các thương nhân phân phối.
Cho rằng, các thương nhân không được mua hàng của nhau thì lúc đó hệ thống của họ sẽ không có xăng dầu bán cho dân, vì thế, các thương nhân phân phối xăng dầu nhiều lần đề nghị tiếp tục quy định cho thương nhân phân phối xăng dầu được quyền mua bán xăng dầu từ nhiều nguồn, bao gồm cả nhà sản xuất xăng dầu. Ngoài ra, với doanh nghiệp đang thống lĩnh thị trường, nên chia tách thành 2 đơn vị độc lập (nhập khẩu và phân phối, bán lẻ), tránh thao túng và lũng đoạn.
Doanh nghiệp rời thị trường có thể còn tăng
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện một doanh nghiệp phân phối dự báo, nếu Bộ Công thương vẫn giữ quy định về hạn chế quyền kinh doanh của doanh nghiệp phân phối, không cho phép mua bán xăng dầu lẫn nhau, thì sẽ có thêm các thương nhân phân phối xăng dầu tiếp tục trả giấy phép kinh doanh, rời bỏ thị trường.
Trong đơn kiến nghị gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các bộ, ngành liên quan mới đây, các thương nhân phân phối xăng dầu chỉ ra thực tế là hàng ngàn doanh nghiệp phân phối, bán lẻ trong lĩnh vực này đang bị lệ thuộc vào các thương nhân đầu mối.
Bên cạnh đó, quy định chỉ cho phép thương nhân phân phối mua hàng từ thương nhân đầu mối có thể tạo thêm lợi thế cho doanh nghiệp lớn, tạo nên những đặc quyền thương mại và triệt tiêu khả năng cạnh tranh công bằng giữa các thành phần trong chuỗi cung ứng phân phối xăng dầu.
Giải thích về việc không cho phép doanh nghiệp phân phối mua xăng dầu từ nhiều nguồn, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, theo ý kiến của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, việc cho phép thương nhân phân phối xăng dầu được mua xăng dầu của nhau tạo ra trung gian trong khâu phân phối (thị trường thứ cấp), làm tăng thêm chi phí trong khâu này, khó kiểm soát nguồn cung. Do vậy, Dự thảo Nghị định quy định thương nhân phân phối xăng dầu chỉ được mua xăng dầu từ thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, không được mua bán xăng dầu lẫn nhau.