“Xuống vốn” hàng loạt dự án
Tổng công ty cổ phần Dệt May Hà Nội (Hanosimex) cho biết, trong kế hoạch đầu tư mở rộng năm 2018, Hanosimex sẽ triển khai Dự án Nhà máy may tại Nghi Lộc (Nghệ An) với tổng vốn đầu tư 110 tỷ đồng, quy mô 24 chuyền may, sản lượng 5,4 triệu sản phẩm/năm.
Dự án sẽ được khởi công vào quý IV năm nay và dự kiến hoàn thành, đi vào vận hành trong tháng 3/2019, góp phần tăng năng lực tiếp nhận đơn hàng, tăng kim ngạch xuất khẩu cho toàn Tổng công ty.
Ngành dệt may Việt Nam còn nhiều dư địa tăng trưởng. Ảnh: Đức Thanh |
Công ty con của Hanosimex là Công ty cổ phần May Halotexco cũng đang chuẩn bị đầu tư Dự án Nhà máy may số 1 tại xã Phúc Thọ (Nghi Lộc, Nghệ An) với số vốn đầu tư giai đoạn I hơn 40 tỷ đồng. Nhà máy có quy mô 18 chuyền may, công suất hơn 3,7 triệu sản phẩm/năm, khởi công trong năm 2018 và dự kiến đưa vào hoạt động ngay trong quý I/2019.
Ông Nguyễn Song Hải, Tổng giám đốc Hanosimex cho biết, đơn hàng may của Tổng công ty đến giữa năm nay khá tốt, do dệt may Việt Nam vẫn là điểm đến trong sự dịch chuyển đơn hàng từ các quốc gia khác đổ về. Đặc biệt, ngoài 3 thị trường chủ lực là Mỹ, EU và Nhật Bản, có thêm Hàn Quốc đang gia tăng lượng đơn hàng. Bởi vậy, việc đầu tư thêm các nhà máy để khai thác xuất khẩu vẫn được Tổng công ty và các đơn vị thành viên triển khai.
Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu của Hanosimex đạt 81,3 triệu USD và kế hoạch năm 2018 sẽ tăng trưởng xuất khẩu từ 10 - 12%.
Trong khi đó, Tổng công ty cổ phần Dệt May Hòa Thọ (Đà Nẵng) - một trong những doanh nghiệp có quy mô xuất khẩu lớn, cũng lên kế hoạch đầu tư đậm cho năm 2018, khi công bố tổng mức đầu tư 253 tỷ đồng để thực hiện các dự án mở rộng năng lực sản xuất phục vụ xuất khẩu. Trong đó, khoảng 100 tỷ đồng sẽ được rót vào các dự án đầu tư chiều sâu cho các đơn vị may với các thiết bị may điện tử tự động đời mới và hợp tác đầu tư thí điểm dây chuyền thông minh cho Nhà máy May 1.
Dệt May Hòa Thọ tham vọng, với sự đầu tư này, kim ngạch xuất khẩu năm 2018 của Tổng công ty trong năm 2018 sẽ đạt 220 triệu USD, cao hơn so với con số 201 triệu USD của năm 2017.
Đích ngắm 34 tỷ USD không quá xa
Theo dự báo của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), năm 2018, tình hình xuất khẩu toàn ngành khả quan, dự kiến tăng trưởng ít nhất 10% so với năm 2017. Tại thời điểm này, đơn hàng từ nhiều doanh nghiệp đã chốt đến quý III/2018.
Sản xuất những mặt hàng mang tính chất thiết yếu, nên trong dài hạn, ngành dệt may Việt Nam còn nhiều dư địa tăng trưởng. Tất nhiên, để đón đầu xu thế tiêu dùng, việc đầu tư của các doanh nghiệp cũng phải bắt nhịp được với sự thay đổi thị hiếu của từng thị trường.
Nhà máy Việt Long Hưng tại thị xã Gò Công (tỉnh Tiền Giang) của Tổng công ty cổ phần May Việt Tiến là một ví dụ về sự đón đầu xu thế đó. Giai đoạn I của Nhà máy có vốn đầu tư 126 tỷ đồng, quy mô 2.000 lao động, đã được đưa vào hoạt động trong nửa đầu năm 2018. Dự kiến, giai đoạn II sẽ tiếp tục được đầu tư với quy mô 6.000 - 7.000 lao động.
Ông Bùi Văn Tiến, Tổng giám đốc May Việt Tiến cho biết, Việt Long Hưng là dự án điển hình cho sự phát triển bền vững, đạt tiêu chuẩn quốc tế cao nhất của Mỹ về kiến trúc xanh - Leed Platinum. Bên cạnh Việt Long Hưng, các dự án khác trong toàn hệ thống May Việt Tiến giai đoạn này đều được áp dụng khoa học - công nghệ 4.0 và điều hành hệ 2.0, khi đi vào khai thác sẽ gia tăng khả năng tiếp nhận đơn hàng xuất khẩu cho Tổng công ty để đạt mục tiêu doanh thu xuất khẩu 1 tỷ USD vào năm 2020.
Theo VITAS, khả năng có thể xảy ra chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc là một trong những nhân tố chính ảnh hưởng tới bức tranh thương mại dệt may thế giới trong năm 2018. Nếu sắp tới, hàng dệt may từ Trung Quốc bị đưa vào “tầm ngắm” của Mỹ, thì những nước có sản phẩm đang trực tiếp cạnh tranh với Trung Quốc trên thị trường Mỹ, như Việt Nam, Campuchia… sẽ được hưởng lợi. VITAS dự báo, xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ trong năm 2018 có thể mang về 13,838 tỷ USD.
Ngoài ra, khi xuất khẩu dệt may Trung Quốc bị đe dọa, không loại trừ khả năng Chính phủ nước này sẽ đẩy mạnh việc luân chuyển sản xuất sang các nước láng giềng nhằm tận dụng lợi thế cạnh tranh về chi phí nhân công, thương mại. Khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam có thể sẽ đón thêm làn sóng đầu tư đến từ các doanh nghiệp Trung Quốc, trong đó có cả Hồng Kông, Đài Loan. n
4 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam duy trì mức tăng trưởng 14,5%, đạt kim ngạch 8,6 tỷ USD, trong đó, Hoa Kỳ vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất với 4,06 tỷ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 47,6% tổng kim ngạch xuất khẩu; tiếp theo, thị trường Nhật Bản đã tiêu thụ 1,12 tỷ USD, tăng 19,2%; thị trường EU tiêu thụ 1,11 tỷ USD, tăng 19,2%.
Đây là những kết quả quan trọng, là cơ sở để xuất khẩu dệt may kỳ vọng đạt mốc 34 - 35 tỷ USD trong cả năm 2018.