Sau 2 ngày xét xử và nghị án, tối 23/1, Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã tuyên án đối với 18 bị cáo có đơn kháng cáo trong vụ án sản xuất, buôn bán sách giả liên quan tới Công ty Phú Hưng Phát.
Theo Hội đồng xét xử, với vai trò là Tổ trưởng Tổ 304, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), bị cáo Trần Hùng được xác định có chức vụ, quyền hạn trong việc kiểm tra sách giáo khoa giả ở Công ty Phú Hưng Phát do Cao Thị Minh Thuận làm Giám đốc.
Dù lời khai của Nguyễn Duy Hải (lao động tự do) trong quá trình điều tra có một số mâu thuẫn về thời điểm, nhưng quá trình truy tố, xét xử, bị cáo này đều thừa nhận giúp Thuận đưa tiền cho Trần Hùng.
Bị cáo Trần Hùng bị tòa phúc thẩm tuyên y án 9 năm tù về tội "Nhận hối lộ". |
Hội đồng xét xử đánh giá, lời khai của bị cáo Hải phù hợp với lời khai của Thuận; của các nhân chứng là đồng nghiệp với Trần Hùng và những người liên quan khác. Hải khai khớp với kết quả thực nghiệm điều tra, cũng như sơ đồ hiện trường được vẽ lại.
Liên quan tới một số căn cứ, chứng cứ luật sư của bị cáo Trần Hùng đưa ra, Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp thuận vì cho rằng không có giá trị pháp lý, không được thu thập theo đúng trình tự, thủ tục, do đó không chấp thuận.
Thêm vào đó, tòa cùng bác bỏ căn cứ luật sư đưa ra về dữ liệu điện thoại cho rằng thời điểm bị cáo buộc nhận 300 triệu đồng, Trần Hùng không có mặt ở cơ quan, mà thể hiện điện thoại đang ở nhà.
Theo tòa phúc thẩm, dữ liệu luật sư đưa ra chỉ có giá trị chứng minh cột sóng và điện thoại của Trần Hùng nhận dữ liệu, mà không có giá trị chứng minh vị trí chính xác của chiếc điện thoại, càng không có giá trị chứng minh vị trí của bị cáo Hùng đang ở đâu, nên cũng không có giá trị chứng minh bị cáo ngoại phạm như luật sư đề cập.
Bản án phúc thẩm cũng thể hiện, việc Trần Hùng bị quy kết nhận hối lộ số tiền 300 triệu đồng và can thiệp, hướng dẫn Cao Thị Minh Thuận thay đổi lời khai trong hồ sơ theo hướng xử lý nhẹ, là có căn cứ, đúng quy định.
Do đó, tòa bác kháng cáo kêu oan, tuyên phạt y án sơ thẩm mức 9 năm tù đối với cựu Cục phó Cục Quản lý thị trường về tội “Nhận hối lộ”.
Bị cáo Cao Thị Minh Thuận được tòa phúc thẩm tuyên giảm 2 năm tù, xuống còn 8 năm tù về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả”, do đã tích cực khắc phục toàn bộ hậu quả đã gây ra.
Bị cáo Lê Việt Phương, cựu Đội phó Đội Quản lý thị trường số 17 Hà Nội được chuyển hình phạt 30 tháng tù giam sang 30 tháng tù cho hưởng án treo về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Trước đó, tại tòa sơ thẩm, bị cáo Trần Hùng bị tuyên án 9 năm tù, buộc nộp lại 300 triệu đồng là số tiền nhận hối lộ; đồng thời phạt bổ sung 80 triệu đồng.
Bị cáo này cho rằng, tại thời điểm bị cáo buộc phạm tội, đang giữ chức vụ Tổ trưởng Tổ công tác 304, thuộc Tổng cục Quản lý thị trường Bộ Công thương, do đó không có quyền hạn chỉ đạo Cục Quản lý thị trường Hà Nội hoặc Đội Quản lý thị trường số 17 để tha cho hành vi vi phạm của Cao Thị Minh Thuận, Giám đốc Công ty Phú Hưng Phát.
Tuy nhiên, lời khai của Thuận và của Nguyễn Duy Hải (lao động tự do) đều khẳng định, sau khi bị Đội Quản lý thị trường số 17 kiểm tra, thu giữ hơn 27.300 cuốn sách “lậu”, đã liên hệ tới Trần Hùng để nhờ và được hướng dẫn thay đổi theo hướng đây là sách ký gửi.
Cùng với đó, Lê Việt Phương, cựu Đội phó Đội Quản lý thị trường số 17 – Cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng khai nhận, sau khi tiếp nhận thông tin số sách lậu trên từ Trần Hùng và đại diện Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, đã tổ chức kiểm tra, thu giữ số sách trên. Sau đó, Trần Hùng đã gọi điện can thiệp, đề nghị theo hướng xử lý hành chính, thay vì xử lý hình sự theo quy định, do đó đã thay đổi hồ sơ, lời khai của một số người liên quan về nguồn gốc số sách lậu này.