Đầu tư
Y tế cơ sở: Cần nguồn đầu tư từ đối tác quốc tế
Như Loan - 31/12/2020 15:45
Y tế cơ sở cần nhiều hơn nguồn đầu tư từ đối tác quốc tế về tài chính, kỹ thuật để nâng cao chất lượng và đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới.

Trạm y tế đóng vai trò như "người gác cổng", bởi đây là nơi đầu tiên người dân có thể tiếp cận khi ốm đau, dịch bệnh. Trong các chính sách của Đảng, Nhà nước... đều khẳng định tầm quan trọng của y tế cơ sở và nhất quán quan điểm về vai trò chức năng của y tế cơ sở.

Cả nước hiện có hơn 11.000 trạm y tế, tuy nhiên trong số đó gần 1 nửa số trạm phải nâng cấp, sửa chữa. Nhiều trạm thiếu thốn cơ sở vật chất và thiếu các loại thuốc thiết yếu.

Trạm y tế xã Hát Lìu, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái

Đầu tư để nâng cao hơn nữa vai trò "người gác cổng"

GS.TS Nguyễn Thanh Long- Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: Y tế cơ sở như nền tảng, bàn đạp của ngành y tế từ đó xây dựng lên những công trình “kiến trúc thượng tầng”, trên thực tế công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân ở nước ta trong thời gian qua cho thấy y tế cơ sở đã phát huy hiệu quả.

Trong thời gian qua ngành y tế đã dành nhiều quan tâm đến y tế cơ sở, tuy nhiên để nâng cao vai trò của y tế cơ sở cũng cần phải quan tâm hơn bởi hiện vẫn còn nhiều mục tiêu về phát triển y tế cơ sở chưa thực hiện đạt chỉ tiêu đề ra... Do đó, chúng ta phải cùng nhau phấn đấu để hoàn thành mục tiêu chăm sóc sức khoẻ, để người dân ngày càng được chăm sóc sức khoẻ tại cơ sở tốt hơn.

Theo PGS.TS Phan Lê Thu Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế), quá trình chuyển đổi việc cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu (CSSKBĐ) từ mô hình truyền thống sang mô hình mới (với nguyên tắc đảm bảo chăm sóc sức khỏe lồng ghép, liên tục suốt vòng đời, lấy người dân làm trung tâm và dựa trên nguyên lý y học gia đình) đòi hỏi yêu cầu cao hơn về hạ tầng kỹ thuật, chất lượng nhân lực y tế cũng như sự linh hoạt hơn của mô thức quản trị.

Mới đây, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến khởi động và ký kết thỏa thuận triển khai Dự án Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống y tế tuyến cơ sở. Dự án có nguồn vốn hơn 126 triệu USD. Trong đó vốn vay Ngân hàng thế giới là 80 triệu USD; vốn viện trợ không hoàn lại là 25 triệu USD, còn lại là vốn đối ứng. Dự án được triển khai trong 5 năm tại 13 tỉnh gồm: Hậu Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh, Long An, Hà Giang, Bắc Kạn, Sơn La, Yên Bái, Hoà Bình, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Quảng Trị và Ninh Thuận.

Theo đó, dự án sẽ xây mới 138 trạm y tế xã và cải tạo nâng cấp 325 trạm y tế khác, cải tạo nâng cấp 12 trung tâm y tế huyện của 13 tỉnh; cung cấp trang thiết bị cần thiết nhằm góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ; đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế cho cán bộ y tế cơ sở về các nội dung: truyền thông giáo dục sức khỏe; bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân gắn với chăm sóc sức khỏe ban đầu; phòng, chống dịch bệnh; kiểm tra, phát hiện sớm, quản lý một số bệnh không lây nhiễm.

Mục tiêu chung của Dự án là nâng cao chất lượng và hiệu suất sử dụng dịch vụ y tế của mạng lưới y tế cơ sở tại các tỉnh dự án. Hỗ trợ cải thiện các dịch vụ dự phòng, chăm sóc sức khoẻ ban đầu, nâng cao sức khỏe, khám chữa bệnh ban đầu; ưu tiên các đối tượng là bà mẹ trẻ em, người cao tuổi, người dân ở vùng khó khăn, dân tộc thiểu số góp phần đảm bảo sức khỏe, nâng cao tuổi thọ, và cải thiện chất lượng sống của người dân.

Ngoài các trạm y tế này, vẫn còn nhiều trạm y tế khác vẫn đang cần nâng cấp, sửa chữa. Vì vậy những dự án và nguồn vốn như thế này có vai trò quan trọng góp phần nâng cấp trạm y tế cơ sở. Bởi đầu tư cho y tế cơ sở, không chỉ là giải pháp hữu nhất, tiết kiệm nhất mà là công vệc nhân văn nhất trong chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Tin liên quan