Thời sự
Yên tâm hơn với lạm phát, tập trung hơn cho tăng trưởng
Minh Nhung - 29/01/2015 07:52
() Mục tiêu năm 2015 là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 5%, GDP tăng 6,2%. CPI tháng khởi đầu năm 2015 giảm xuống thấp nhất trong 17 năm qua, cho thấy, có thể yên tâm với lạm phát, tập trung hơn cho tăng trưởng.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Chỉ số giá tiêu dùng tiếp tục giảm
Nền kinh tế hưởng lợi từ giá xăng dầu giảm
Điểm nhấn CPI năm 2014
Lạm phát 2014 chỉ 1,84%, thấp nhất 15 năm qua

Nói yên tâm hơn với lạm phát là bởi diễn biến CPI tháng 1/2015 là sự tiếp nối sự khác thường của CPI cuối năm 2014. Sự khác thường của cuối năm 2014 là sự giảm giá trong 2 tháng cuối năm - hiện tượng rất hiếm hoi trong nhiều năm trước đây. Theo thông lệ của Việt Nam, CPI tháng 1 là tháng chuẩn bị gom hàng để phục vụ Tết Nguyên đán, với nhu cầu tiêu dùng cao hơn gấp nhiều lần so với các tháng khác trong năm.

Lần giảm mới đây của giá xăng dầu sẽ trực tiếp tác động đến CPI tháng 2/2015

Sự khác thường của CPI tháng 1/2015 còn được nhận diện ở sự biến động trái chiều so với CPI cùng kỳ của mấy chục năm qua. Đáng lưu ý, CPI tháng 1 năm nay còn trái chiều với CPI tháng 1 cùng kỳ trong các năm được coi là thiểu phát hiếm hoi của Việt Nam (năm 1999 cả năm chỉ tăng 0,1%, nhưng tháng 1 tăng 1,7%, năm 2000 cả năm giảm 0,6%, nhưng tháng 1 tăng 0,4%, năm 2001 cả năm chỉ tăng 0,8%, nhưng tháng 1 tăng 0,3%).

Theo nhóm hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng, giá giảm tập trung vào nhóm dịch vụ giao thông sau 12 lần liên tục giảm giá xăng dầu, kéo giá ga giảm và giá vận tải gần đây cũng bắt đầu giảm theo. Lần giảm mới đây của giá xăng dầu sẽ trực tiếp tác động đến CPI tháng 2/2015, trong khi từ tháng 2/2015, việc đi lại trong dịp Tết Nguyên đán, lễ hội đầu năm tăng cao.

Ngoài tác động của giá xăng dầu, CPI tháng 1/2015 còn có tác động bởi nhiều yếu tố khác. Giá nhập khẩu tính bằng USD đã giảm liên tiếp trong 3 năm trước đó (năm 2012 giảm 0,33%, năm 2013 giảm 2,36%, năm 2014 giảm 1,02%) và tháng 1/2015 vẫn tiếp tục giảm; trong khi tỷ giá VND/USD tăng thấp trong 3 năm đó (năm 2012 tăng 0,18%, năm 2013 tăng 0,66%, năm 2014 tăng 0,56%), tháng 1 năm nay tăng nhưng đã chậm lại; do vậy sức ép về chi phí đẩy không lớn, mà còn giảm. Đầu tư theo thông lệ vào đầu năm thường triển khai và thực hiện chậm, nhất là đầu tư công. Tiêu dùng của một bộ phận dân cư, nhất là người nghèo, người gặp rủi ro, người bị thất nghiệp, thiếu việc làm vẫn trong trạng thái “thắt lưng buộc bụng”, “tích cốc phòng cơ”; một bộ phận khác tuy có thu nhập, sức mua có khả năng thanh toán cao, nhưng nhu cầu thông thường thì đã khá đầy đủ, chỉ tập trung vào hàng cao cấp, đắt tiền nhập khẩu. Theo đó, tổng cầu vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi. Tăng trưởng tín dụng tăng cao vào cuối năm trước, nhưng có một phần là mua trái phiếu chính phủ và theo thông lệ vẫn không tăng vào đầu năm.

Nếu năm 2013 trở về trước, trong mục tiêu tổng quát có nội dung “kiềm chế lạm phát”, năm 2014 đã “nhẹ hơn” là “kiểm soát lạm phát”; thì mục tiêu tổng quát năm nay không đề cập (cũng tức là “nhẹ hơn” cả năm trước), nhưng chỉ tiêu cụ thể đề ra ở mức thấp hơn tốc độ tăng GDP- một trạng thái hiếm gặp trong các năm 2007 - 2014. Mặc dù chưa rơi vào thiểu phát như một số ý kiến đã đề cập, nhưng kết quả tháng 1/2015 là tín hiệu cho thấy Việt Nam có thể yên tâm hơn với lạm phát, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung hơn cho tăng trưởng cao hơn để tiến tới phục hồi.

Tập trung hơn cho tăng trưởng cao hơn để tiến tới phục hồi có nhiều và còn lâu dài trong cả năm, nhưng vào thời gian trước mắt, cần đặc biệt quan tâm đến các nhóm giải pháp sau đây.

Thứ nhất, triển khai nhanh việc thực hiện kế hoạch đầu tư công, khắc phục tình trạng “đầu năm đủng đỉnh, cuối năm khẩu trương” của thời kỳ bao cấp vẫn còn rơi rớt lại.

Thứ hai, xem xét kế hoạch tốc độ tăng trưởng tín dụng năm nay cần cao hơn (hệ số giữa tốc độ tăng trưởng tín dụng và tốc độ tăng GDP năm 2013 là 2,31 lần, năm 2014 chỉ còn 2 lần và dự kiến 2015 còn trên 1,9 lần). Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm, tránh dồn vào cuối năm. Các ngân hàng thương mại cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn vay, hạ thấp hơn nữa lãi suất cho vay, khẩu trương giảm tỷ lệ nợ xấu…

Thứ ba, Nhà nước cần có các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, trong đó có các giải pháp về tài chính, các giải pháp về xuất khẩu…

Hai mặt của lạm phát thấp

() Lạm phát đang ở mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Đây là kết quả đáng mừng của nỗ lực kiểm soát lạm phát của Chính phủ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Song ở khía cạnh khác, CPI giảm cũng làm dấy lên lo ngại về sự phục hồi của nền kinh tế. 

Tin liên quan
Tin khác