Động thái mới của Zalo
Trong thông báo mới nhất gửi tới người dùng, ứng dụng tin nhắn Zalo cho biết, kể từ ngày 1/8/2022, Zalo sẽ có 6 thay đổi quan trọng.
Thứ nhất, người lạ (không có trong danh bạ) sẽ không thể xem, bình luận vào nhật ký của người dùng.
Thứ hai, mỗi tài khoản Zalo sẽ chỉ có 40 lần hiển thị/tháng khi người lạ tìm kiếm qua số điện thoại.
Thứ ba, mỗi tài khoản cũng chỉ được phản hồi 40 hội thoại/tháng từ người lạ; vượt hạn mức sẽ chỉ được đọc, chứ không thể tiếp tục trả lời.
Thứ tư, người dùng sẽ chỉ có tối đa 1.000 bạn bè, vượt mức sẽ không thể thêm bạn mới hay chấp nhận yêu cầu kết bạn từ người lạ.
Thứ năm, sẽ không còn dùng tính năng username, áp dụng với toàn bộ tài khoản Zalo cá nhân.
Thứ sáu, mỗi tài khoản được mặc định có 5 tin nhắn nhanh, nếu muốn thêm tin nhắn nhanh mới, người dùng cần xóa bớt những tin nhắn nhanh cũ.
Trước đó, ngày 22/6, Zalo đã triển khai Gói dịch vụ trả phí với Zalo OA doanh nghiệp.
Theo đó, các loại tài khoản OA xác thực sẽ có 4 gói sử dụng, gồm cơ bản (miễn phí), dùng thử (10.000 đồng/tháng), nâng cao (59.000 đồng/tháng) và Premium (399.000 đồng/tháng). Các tính năng hỗ trợ công việc kinh doanh gồm nhận diện thương hiệu, Chatbot, tích hợp API, lượt tương tác nâng cao...
Thông báo này ngay lập tức được cộng đồng người dùng đặt câu hỏi rằng, sau việc thu phí doanh nghiệp, Zalo đang “dọn đường” để thu phí người dùng cá nhân, giống như ứng dụng Telegram vừa thực hiện.
Theo đó, vào ngày 20/6, Telegram đã ra mắt gói đăng ký có tên là Telegram Premium cho phép người dùng gửi các tệp có dung lượng lên tới 4 GB và hỗ trợ tải xuống nhanh hơn.
Liên quan vấn đề này, đại diện Zalo cho biết, thông báo trên chỉ đề cập những thay đổi quan trọng về quyền riêng tư trong thời gian tới, nhằm giúp người dùng an toàn hơn.
Bước đi mạo hiểm hay cú đặt cược mới của Zalo?
Zalo hiện là nền tảng tin nhắn miễn phí có lượng người dùng thường xuyên lớn nhất Việt Nam với 74,7 triệu (số liệu vào tháng 2/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông). Zalo chính thức giữ ngôi đầu bảng vào năm 2021 khi chuyển đi 620 tỷ tin nhắn, 52 tỷ phút gọi video và 14 tỷ thông báo khẩn về Covid-19.
Nếu Zalo tiếp bước Telegram sẽ là một bước đi đột phá lớn trên thị trường, do hiện tại, các ứng dụng tin nhắn đối thủ của Zalo vẫn đang cho người dùng sử dụng miễn phí. Nhiều khả năng sẽ diễn ra sự dịch chuyển người dùng sang các ứng dụng khác. Bởi theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, tổng lượng dữ liệu trung bình mỗi người dùng Việt Nam tạo ra, trao đổi hàng tháng với nhau trên Zalo và Mocha (của Viettel) xấp xỉ 591 MB, chiếm 58,84% toàn thị trường, nhiều hơn 1,43 lần so với tổng lượng dữ liệu trao đổi trên Top 3 nền tảng nước ngoài phổ biến ở Việt Nam (Messenger, Viber và Telegram là 413,3 MB, chiếm 41,16%).
“Với thói quen sử dụng miễn phí nhiều năm nay, nếu Zalo thu phí sẽ có cuộc dịch chuyển người dùng sang các ứng dụng miễn phí khác”, chuyên gia viễn thông Nguyễn Ngọc Minh bình luận.
Có thể, Zalo sẽ mất đi một lượng người dùng không nhỏ, nhưng ứng dụng này sẽ thu được doanh thu từ người dùng sau 10 năm đầu tư.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) bình luận rằng, việc thu phí người dùng mà được cung cấp dịch vụ tốt, có nhiều tính năng hơn, chăm sóc khách hàng tốt hơn, bên cạnh bản miễn phí với các dịch vụ miễn phí cơ bản cũng là điều hợp lý.
Với 74,7 triệu người dùng thường xuyên, có thể thấy rằng, Zalo đã đủ lớn để đi nước cờ thu phí. Hiện người dùng Zalo chia làm nhiều nhóm khách hàng. Nhóm khách hàng là các chủ shop, cửa hàng nhỏ, buôn bán online có nhu cầu sử dụng Zalo để giao dịch, bán hàng có thể chấp nhận trả một khoản phí hợp lý để không mất đi lượng khách hàng hiện hữu. Nhóm còn lại là học sinh, sinh viên, người già với nhu cầu liên lạc, trao đổi thông tin bình thường có thể không chấp nhận trả phí, mà sẽ chuyển sang dùng các ứng dụng miễn phí khác.
Sau 10 năm đầu tư lớn, Zalo đã đạt được một số mục tiêu như kỳ vọng. Đó là việc Zalo tham gia cung cấp dịch vụ hành chính công tại khoảng 40 tỉnh, thành phố trên cả nước và trở thành ứng dụng tin nhắn phục vụ kinh doanh cho rất nhiều người kinh doanh nhỏ lẻ và doanh nghiệp với hệ sinh thái, tính năng ngày càng mở rộng.
Rất có thể, thành công của Zalo đã giúp VNG thu hút Temasek, GIC và Goldman Sachs cũng như hai quỹ thuộc Tencent, thúc đẩy định giá VNG lên 2 tỷ USD.
Ở chiều ngược lại, sau 10 năm đầu tư vào Zalo, ứng dụng tin nhắn này cùng với mảng thanh toán (ZaloPay), thương mại điện tử (Tiki) là 3 “cỗ máy tiêu tiền” của VNG. Vì thế, áp lực kiếm tiền với Zalo là hiện hữu. Do vậy, việc Zalo có bước sang giai đoạn khai thác mới để tạo ra doanh thu là hoàn toàn có thể xảy ra. Rất có thể, thị trường Internet sẽ có thay đổi lớn sau động thái này.