TIN LIÊN QUAN | |
Hơn 500.000 hộ kinh doanh, 1.400 DN sẽ được xóa nợ thuế | |
Thu thuế từng đồng, gian lận tiền tỷ | |
Hàng loạt trường hợp sắp được xóa nợ thuế | |
Ngoài quốc doanh chưa được xem xét xóa nợ thuế |
Theo quy định hiện hành, chủ tịch UBND cấp tỉnh có thẩm quyền xóa tiền nợ thuế đối với doanh nghiệp phá sản; cá nhân được coi là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự không có tài sản để nộp tiền thuế còn nợ.
Quy trình xóa nợ tiền thuế, tiền phạt chậm nộp và tiền xử phạt vi phạm hành chính thuế còn phức tạp (ảnh minh họa) |
Ngoài những trường hợp trên, các khoản nợ thuế quá thời hạn 10 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế, nhưng không có khả năng thu hồi, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định xóa nợ đối số tiền nợ thuế từ 10 tỷ đồng trở lên.
Thẩm quyền xóa tiền nợ thuế từ 5 đến dưới 10 tỷ đồng được giao Bộ trưởng Bộ Tài chính; xóa tiền nợ thuế dưới 5 tỷ đồng được giao cho Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế và Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan. Với các trường hợp này, muốn xóa nợ thuế, trước đó, cơ quan quản lý thuế phải áp dụng tất cả các biện pháp cưỡng chế thu hồi.
Quy định trên xem ra rất đơn giản, nhưng trên thực tế, để xóa được một đồng tiền nợ thuế, cơ quan quản lý thuế phải “chạy” hàng loạt giấy tờ, trong đó có loại giấy tờ “tìm đỏ mắt” cũng không ra, như quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền tuyên bố doanh nghiệp phá sản, vì trong 10 năm gần đây, cả nước có chưa đến... 100 doanh nghiệp phá sản.
Ngay cả việc cơ quan quản lý thuế lấy được quyết định tuyên bố cá nhân nợ thuế mất tích, mất năng lực hành vi dân sự của tòa án hoặc các văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứng minh một người đã chết, mất tích, mất khả năng hành vi dân sự để trình chủ tịch UBND cấp tỉnh xóa tiền nợ thuế cũng không hề đơn giản. Hệ quả là, hàng chục ngàn tỷ đồng tiền thuế môn bài, thuế doanh thu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, thuế nhà đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tài nguyên… không có khả năng thu hồi hiện bị treo và cơ quan quản lý thuế vẫn phải tổ chức theo dõi.
Đối với các khoản tiền nợ thuế khác, để xóa nợ, cục trưởng cục thuế/hải quan phải lập hồ sơ gửi Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan kiểm tra, nếu đủ điều kiện thì ra quyết định xóa nợ (nợ dưới 5 tỷ đồng) hoặc trình Bộ Tài chính kiểm tra lại, nếu đủ điều kiện thì ra quyết định xóa nợ (nợ từ 5 đến dưới 10 tỷ đồng) hoặc Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét xóa nợ.
Quy định này sẽ không quá phức tạp nếu không yêu cầu trong hồ sơ đề nghị xóa nợ thuế phải có đầy đủ văn bản, tài liệu chứng minh cơ quan quản lý thuế đã thực hiện đầy đủ các biện pháp cưỡng chế… đến thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề. Lý do là việc việc cơ quan quản lý thuế kê biên và bán đấu giá tài sản của doanh nghiệp nợ thuế hầu như không thể thực hiện. Ngay cả việc thu hồi các loại giấy chứng nhận, giấy phép của doanh nghiệp đã giải thể, phá sản cũng vô cùng khó khăn. Thiếu các loại giấy tờ này, cơ quan quản lý thuế không thể xóa nợ thuế hoặc trình Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ xóa nợ thuế, mặc dù các khoản nợ này phát sinh từ 10 năm trước và không có khả năng thu hồi.
Mỗi năm, cả nước có 50.000 - 70.000 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động do gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chỉ tính riêng 11 tháng đầu năm 2014, cả nước có 60.340 doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể. Vì thế, nợ thuế, trong đó có cả nợ thuế không thể thu hồi, là chuyện bình thường trong cơ chế thị trường. Vấn đề đặt ra là Bộ Tài chính phải làm thế nào có được cơ chế xóa nợ thuế phù hợp, để vừa tránh thất thu ngân sách, vừa tạo điều kiện cho chủ doanh nghiệp bị giải thể, phá sản có nợ thuế có cơ hội quay lại tham gia sản xuất, kinh doanh, đồng thời giảm áp lực, thời gian, công sức cho chính cơ quan quản lý thuế.
Mạnh Bôn