1. P/E forward 2019 của HBC là 5,6 lần, hấp dẫn so với các công ty cùng ngành
CTCK Bảo Việt (BVSC)
Với kế hoạch 2019, EPS pha loãng năm 2019 của cổ phiếu CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã HBC) được ước tính là 3.237 đồng/ cổ phần, theo đó HBC đang giao dịch tại mức P/E forward 2019 là 5,6 lần, là khá hấp dẫn so với mức P/E trượt của các công ty cùng ngành là 7,3 lần.
Những điểm tích cực như: Nguồn backlog cuối năm 2018 dồi dào cùng với kỳ vọng thị trường bất động sản ở TP HCM ấm hơn trong thời gian tới hỗ trợ tăng trưởng doanh thu, theo đó phần nào hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận;
Tăng vốn thành công và quản lý khoản phải thu hiệu quả hơn tăng cường tiềm lực tài chính, giảm bớt gánh nặng lãi vay và tăng tính minh bạch và chiến lược hoạt động của Công ty;
Ghi nhận kết quả kinh doanh từ dự án Long Thới và lợi nhuận từ thoái vốn tại các dự án bất động sản đầu tư 1C Tôn Thất Thuyết và Phước Lộc Thọ vẫn là yếu tố trợ giá mạnh của cổ phiếu và tăng trưởng lợi nhuận về trung hạn;
Nỗ lực thay đổi phương pháp ghi nhận doanh thu là yếu tố thay đổi trọng yếu chất lượng khoản phải thu và bảng cân đối tài chính của Công ty, giảm thiểu quan ngại của các nhà đầu tư về vị thế tài chính của Công ty trong thời gian tới.
Rủi ro đầu tư bao gồm: Rủi ro pha loãng; Chi phí nguyên vật liệu tiếp tục gia tăng; Thị trường bất động sản kém khả quan hơn; và Phát hành riêng lẻ hoàn thành chậm hơn so với dự kiến.
2. Khuyến nghị tích cực đối với KSB
CTCK Bảo Việt (BVSC)
Chúng tôi cho rằng nhiều khả năng CTCP Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (mã KSB) sẽ hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2019.
Tuy việc không chia cổ tức có thể ảnh hưởng đến giá cổ phiếu trong ngắn hạn, thì doanh nghiệp vẫn còn câu chuyện lớn ở phía trước. Nếu việc sáp nhập một doanh nghiệp đá xây dựng có quy mô lớn được thực hiện thành công thì giá trị và tiềm năng tăng trưởng của KSB sẽ gia tăng đáng kể.
EPS kế hoạch 2019 đạt 5.950 đồng/cp. P/E forward 2019 tương ứng là 4,5 lần, khá hấp dẫn. Với những nhận định trên, BVSC khuyến nghị OUTPERFORM cho KSB cho năm 2019 với giá mục tiêu là 36.000 đồng/cp, dựa trên mức P/E bình quân các doanh nghiệp trong ngành là 6,1 lần.
Tuy nhiên, không loại trừ khả năng là kế hoạch M&A có thể kéo dài hơn so với dự định, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư theo dõi cổ phiếu KSB và lựa chọn thời điểm đầu tư phù hợp để đạt được mức sinh lợi tốt nhất.
3. Có thể sẽ điều chỉnh giảm 30% dự báo lợi nhuận của DPM
CTCK Bản Việt (VCSC)
ĐHCĐ của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM) đã được tổ chức ngày 17/04/2019. Cổ đông đã đặt ra nhiều câu hỏi về thời gian bảo dưỡng 80 ngày, mục tiêu quá thận trọng cho năm 2019, quá trình thoái vốn nhà nước và việc trả cổ tức bằng tiền mặt.
Ban lãnh đạo đề ra mục tiêu rất thận trong cho năm 2019 với doanh thu đạt 8,6 nghìn tỷ đồng, giảm 7% so với năm 2018 và LNST đạt 170 tỷ đồng, giảm 76,1%. Lý do là (1) nhà máy u-rê và NH3 thực hiện bảo dưỡng 80 ngày và (2) giả định cước vận chuyển khí thận trọng 1,4USD/MMBTU so với mức 1USD/MMBTU theo hợp đồng hiện nay.
Vì vậy, chúng tôi có thể sẽ điều chỉnh giảm 30% dự báo lợi nhuận 2019 do bảo dưỡng, và 15%- 20% dự báo 2019-2023 do khả năng cước vận chuyển khí có thể tăng, kéo theo khả năng điều chỉnh giảm giá mục tiêu 20%-25% so với hiện nay.
Về quá trình thoái vốn nhà nước, đại diện của PVN cho biết PVN sẽ đẩy nhanh tiến độ để giảm cổ phần xuống 51% trước cuối năm 2020, đặc biệt là phương án thoái vốn xuống 36% hiện nay đang được xem xét.
Đề xuất sáp nhập DPM và DCM được xem là một trong những lựa chọn trong kế hoạch thoái vốn nhà nước. Tuy nhiên, đại diện của PVN cho biết nhiều khả năng PVN sẽ thoái vốn độc lập từng đơn vị xuống 51% thay vì thoái vốn sau khi sáp nhập.