Doanh nghiệp
3 ví dụ về cách “cổ điển” giúp giảm phụ thuộc vào Trung Quốc
Nguyễn Đình Bích - 05/07/2014 08:47
Để thoát khỏi tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc, đã từng có rất nhiều ý kiến được đề xuất.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Lợi thế nào để Việt Nam giảm nhập siêu từ Trung Quốc - Bài 2
Lợi thế nào để Việt Nam giảm nhập siêu từ Trung Quốc - Bài 1
Tự chủ kinh tế trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau
Kinh tế Việt Nam làm gì để giảm tình trạng lệ thuộc

Tuy nhiên, thực tế giao thương Việt -Trung hơn 20 năm trở lại đây cho thấy, cách “cổ điển” nhất lại chính là giải pháp có thể giúp Việt Nam thành công. Ba thí dụ sau đủ chứng minh điều đó.

   
  Một số sản phẩm gốm sứ Việt Nam hiện đã cạnh tranh được với sản phẩm nhập ngoại  

Thứ nhất, nếu trở lại những năm đầu thực hiện đường lối đổi mới, khi thương mại với Trung Quốc mới được khai thông trở lại, Bia Vạn lực được đóng trong chai 0,75 lít là mặt hàng tiêu dùng ngay lập tức đổ bộ vào thị trường Việt Nam.

Có thể nói, từ mục Nam Quan tới mũi Cà Mau, từ vùng đồng bằng tới miền núi, từ nông thôn tới đô thị, kể cả Hà Nội và TP.HCM, đâu đâu cũng tràn ngập Bia Vạn lực “Made in China”.

Việc Bia Vạn lực tràn ngập thị trường Việt Nam, đẩy ngành công nghiệp bia Việt Nam vào tình thế hết sức khó khăn. Chất lượng không có gì đặc sắc, thậm chí Bia Vạn lực còn bị đánh giá là vừa đắng, vừa chua, nhưng với giá cả “bình dân”, Bia Vạn lực đã đánh bại các loại bia “Made in Vietnam” tuy ngon hơn, chất lượng tốt hơn, nhưng giá cả lại quá cao so với túi tiền của đa số người tiêu dùng Việt Nam vẫn còn rất eo hẹp trong những năm đầu đổi mới. 

Trước áp lực cạnh tranh đó, ngành công nghiệp bia Việt Nam đã thực hiện những bước đi thích hợp. Đó là, đầu tư các dây chuyền sản xuất, đồng thời nhắm vào hai mục tiêu: nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. Và khi bia “Made in Vietnam” vừa có chất lượng cao hơn, vừa có giá cả phù hợp hơn với túi tiền của đại đa số người dân, thì Bia Vạn lực của Trung Quốc buộc phải rút lui khỏi thị trường Việt Nam.

Thứ hai, muộn hơn ít năm, khi thu nhập của một bộ phận đáng kể dân cư nước ta được cải thiện, nhu cầu cải thiện nhà ở bắt đầu xuất hiện, tiêu dùng vật liệu xây dựng bắt đầu gia tăng, đó cũng chính là lúc gạch ốp lát Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt Nam.

Việc ngành công nghiệp gốm sứ của nước ta hoàn toàn lép vế trong cuộc cạnh tranh với các sản phẩm “Made in China” ngay trên “sân nhà” là bởi sự yếu kém hơn hẳn trên cả hai phương diện. Với lợi thế của người đi trước khá xa và lợi thế về quy mô khổng lồ, các sản phẩm gốm sứ của Trung Quốc không chỉ rẻ hơn hẳn, mà mẫu mã còn rất đa dạng, phù hợp với túi tiền còn rất hạn hẹp của người tiêu dùng Việt Nam.

Do vậy, cuộc chiến đầy cam go với hàng gốm sứ “Made in China” của ngành công nghiệp gốm sứ nước ta kéo dài từ khoảng giữa thập kỷ 90 của thế kỷ trước đến nay diễn ra trên cả hai mặt trận.

Yếu tố cốt lõi đầu tiên là đầu tư công nghệ nguồn với quy mô đủ lớn để có thể cho ra lò những sản phẩm không chỉ có chất lượng cao hơn hẳn, mà còn có giá cả tương đối phải chăng, hợp túi tiền của đa số người tiêu dùng ở những phân khúc khác nhau.

Không những vậy, để có thể làm người tiêu dùng nói không với sản phẩm gốm sứ “Made in China” còn là cuộc chạy đua không ngừng nghỉ về cải tiến mẫu mã.

Chính vì vậy, không chỉ hàng gốm sứ “Made in China” phải nhanh chóng rút lui khỏi thị trường nội địa, mà Việt Nam còn có thể giành lại thị phần từ đối thủ rất mạnh khác là Thái Lan, thậm chí có thể cạnh tranh với cả các sản phẩm trứ danh của những quốc gia khai sinh ra công nghệ nguồn như Italy, Tây Ban Nha.

Với sức cạnh tranh đã được khẳng định, từ năm 2005 đến nay, các sản phẩm gốm sứ “Made in Vietnam” đã vinh dự có mặt trong danh mục các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu chủ yếu của nước ta, cho dù quy mô và nhịp độ tăng trưởng vẫn còn khá khiêm tốn (năm 2013 đạt 472 triệu USD, tăng bình quân 8%/năm).

Thứ ba, dù không dễ dàng, nhưng rõ ràng, những khó khăn phải vượt qua để thoát khỏi cuộc xâm lấn của các sản phẩm “Made in China” đó không thấm gì so với thách thức mà Việt Nam phải vượt qua khi tránh “bỏ tất cả trứng vào một giỏ” ở không ít mặt hàng nông sản đang đặt ra cho chúng ta hiện nay.

Gạo xuất khẩu chắc chắn là thí dụ “kinh điển” nhất. Sở dĩ nói như vậy là bởi, đây là mặt hàng nông sản chiến lược có tầm ảnh hưởng rất sâu rộng đến đời sống kinh tế - xã hội của Việt Nam. Trong khi đó, do tác động của nhiều yếu tố chủ quan và khách quan khác nhau, trong hơn 2,7 triệu tấn gạo xuất khẩu 5 tháng đầu năm nay, đã có gần 1,2 triệu tấn được đổ vào thị trường Trung Quốc (chiếm 42,8%), còn nếu kể cả khối lượng gạo xuất khẩu theo đường tiểu ngạch vào thị trường này, thì tỷ trọng còn lớn hơn rất nhiều.

Các số liệu thống kê khác cũng cho thấy, kể từ khi trở thành thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam năm 2012 đến nay, bao giờ giá gạo xuất sang Trung Quốc cũng “bèo” hơn các thị trường còn lại (năm 2012 và năm 2013 đều thấp hơn 37 USD/tấn; 5 tháng đầu năm nay thấp hơn 42 USD/tấn).

Thế nhưng, để thoát khỏi tình trạng lệ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc, cũng như để thoát khỏi tình trạng phụ thuộc vào chỉ một vài thị trường truyền thống châu Á khác như Philippines, Indonesia và Malaysia như những năm gần đây, tiền đề không thể thiếu đối với nền nông nghiệp lúa nước hướng vào xuất khẩu của Việt Nam là phải nâng cao chất lượng và tiến tới xuất khẩu gạo có thương hiệu giống như Thái Lan. Chỉ làm được như vậy, Việt Nam mới có thể rải gạo khắp thị trường thế giới như người láng giềng này và do vậy, không phụ thuộc vào sự thăng giáng của một, hoặc một vài thị trường nào đó.

Đó là con đường đầy chông gai. Việc hơn 300 tấn gạo đầu tiên của Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang vượt qua hàng rào kiểm định với 593 chỉ tiêu về chất lượng để vào được thị trường Nhật Bản năm 2012 với mức giá cao hơn 40 - 50 USD/tấn đủ cho thấy những khó khăn trong việc chuyển sang sản xuất và xuất khẩu gạo có thương hiệu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long những năm tới lớn tới mức nào.

Tất cả những điều nói trên cho thấy, để thoát khỏi “cái bóng của người khổng lồ phương Bắc”, vấn đề chung đặt ra là, phải tập trung đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất để nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm.

Tin liên quan
Tin khác