Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet |
Tòa đã tuyên phạt hai bị cáo trong vụ án này gồm Thái Lương Trí (sinh năm 1940, trú tại phường Hà Huy Tập, thành phố Vinh, Nghệ An) lĩnh án 18 năm tù và Dương Minh Hải (sinh năm 1958, trú tại phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) lĩnh án 15 năm tù về cùng 2 tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.”
Thái Lương Trí nguyên là Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thái Dương Nghệ An, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty trách nhiệm hữu hạn cổ phần khoáng sản Lào- Việt. Còn Dương Minh Hải nguyên là Phó Giám đốc Công ty liên doanh khoáng sản Lào-Việt.
Công ty trách nhiệm hữu hạn Thái Dương Nghệ An của Trí tiến hành liên doanh hợp tác với Công ty khai thác khoáng sản Thảo Oong Khăm, Lào (do ông Oong Khăm Sivilay làm giám đốc).
Quá trình liên doanh, hợp tác đầu tư, khai thác mỏ Huổi Chừn, huyện Xăm Tạy, tỉnh Houaphan (Lào), Thái Lương Trí đã sử dụng Hợp đồng liên doanh có chữ ký giả của ông Oong Khăm Sivilay để trình nộp cho Bộ Kế hoạch và đầu tư Việt Nam xin cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài.
Trí còn làm giả Biên bản họp hội đồng thành viên của Công ty trách nhiệm hữu hạn Thái Dương ngày 19/3/2008 nộp cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam đề nghị điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài.
Từ tháng 4/2008 đến khi bị bắt (27/5/2009), Thái Lương Trí và Dương Minh Hải đã sử dụng con dấu giả mang tên Công ty trách nhiệm hữu hạn cổ phần khoáng sản Lào-Việt đóng vào 38 văn bản gửi đến các cơ quan chức năng của Lào và Việt Nam.
Những hành vi này của các bị can đã ảnh hưởng đặc biệt xấu đến quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa 2 nước Lào-Việt Nam và uy tín doanh nghiệp Việt Nam trong việc đầu tư ra nước ngoài, trực tiếp ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư, lợi ích kinh tế của các doanh nghiệp Việt Nam và Lào trong dự án khai thác, chế biến mỏ Huổi Chừn (Lào).
Bằng các hợp đồng kinh doanh với Công ty trách nhiệm hữu hạn Thái Dương do Thái Lương Trí làm giám đốc, các Công ty cổ phần dịch vụ dạy nghề Thái Dương (do ông Đoàn Văn Huấn làm giám đốc đại diện) và Công ty trách nhiệm hữu hạn Thiên Phú (do bà Chu Thị Thành làm Giám đốc đại diện) đã đầu tư, góp vốn trực tiếp vào việc đầu tư khai thác, chế biến khoáng sản tại mỏ Huổi Chừn.
Ngày 18/1/2008, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào cấp Giấy phép đầu tư nước ngoài cho phép thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn cổ phần khoáng sản Lào-Việt, với các cổ đông Oong Khăm Sivilay giữ 35% cổ phần, Thái Lương Trí giữ 37% cổ phần, Đoàn Văn Huấn giữ 18% cổ phần và Chu Thị Thành giữ 10% cổ phần.
Nhưng ngay sau khi các cổ đông họp, thống nhất các chức danh, xác định số tiền đã góp vốn của mỗi cổ đông là số tiền đã chi phí thực tế đầu tư vào mỏ Huổi Chừn tính đến ngày 31/12/2007, Thái Lương Trí đã bàn bạc và cùng Dương Minh Hải thực hiện thủ tục để được các cơ quan chức năng của Lào cấp giấy đăng ký doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh, đăng ký khắc dấu, ký kết hợp đồng với Chính phủ Lào, điều lệ công ty… đồng thời xin phép Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào cấp Giấy phép đầu tư nước ngoài để thành lập công ty mới, loại bỏ quyền sở hữu cổ phần của các cổ đông Đoàn Văn Huấn và Chu Thị Thành, chiếm đoạt phần vốn góp thực tế của các cổ đông này với tổng số tiền là 6,7 tỷ đồng.
Ông Đoàn Văn Huấn có 27.000 cổ phần (tỷ lệ sở hữu là 18% vốn điều lệ) có giá trị là 4,3 tỷ đồng; bà Chu Thị Thành có 15.000 cổ phần (tỷ lệ sở hữu là 10% vốn điều lệ) có giá trị 2,4 tỷ đồng.
Hội đồng xét xử xác định trong vụ án này, Thái Lương Trí đóng vai trò chủ mưu, trực tiếp bàn bạc, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm. Dương Minh Hải giữ vai trò đồng phạm giúp sức tích cực cho bị cáo Thái Lương Trí.