1. Khuyến nghị mua cổ phiếu DGW với giá mục tiêu 27.400 đồng/CP
CTCK BIDV (BSC)
Kết quả kinh doanh năm 2018 của Công ty cổ phần Thế giới số (mã DGW) ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng. Doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 5.943 tỷ đồng (tăng trưởng 55,6% so với năm trước) và 109 tỷ đồng (tăng trưởng 39,4%) chủ yếu nhờ vào tăng trưởng chính từ mảng (1) Điện thoại di động và (2) Thiết bị văn phòng. Biên lợi nhuận gộp 2018 giảm xuống mức 6.1% so với mức 7.1% năm 2017.
DGW tiếp tục đặt kế hoạch kinh doanh duy trì mức tăng trưởng mạnh với doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2019 lần lượt đạt 7.150 tỷ đồng (tăng 20% so với năm ngoái) và 137 tỷ đồng (tăng 25%).
Kết quả kinh doanh 2 tháng đầu năm 2019, DGW ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt ước đạt 839 tỷ đồng (tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái) và 16,9 tỷ đồng (tăng 33% cùng kỳ).
BSC dự báo doanh thu và lợi nhuận sau thuế của DGW năm 2019 lần lượt đạt 7.135 tỷ đồng (tăng trưởng 20% so với kết quả năm ngoái) và 136 tỷ đồng (tăng trưởng 25%), EPS 2019FW = 3,225 đồng/cp, PE FW 2019 = 7.13 lần.
Chúng tôi khuyến nghị mua cổ phiếu DGW với giá mục tiêu 27.400 đồng/CP (tăng 18,4% so với mức giá đóng cửa ngày 28/03/2019) dựa trên phương pháp PE với mức PE mục tiêu là 9.0 lần.
2. Khuyến nghị tích cực đối với cổ phiếu HBC
CTCK Bảo Việt (BVSC)
Vào ngày 27/03/2019, cổ phiếu của Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (mã HBC) đóng cửa tại mức 18.450 đồng/ cổ phần, giao dịch tại mức P/E forward 2019 là 5,5 lần, khá hấp dẫn so với mức P/E trượt trung bình của các công ty cùng ngành là 8,0 lần.
Chúng tôi duy trì khuyến nghị OUTPERFORM đối với cổ phiếu HBC với giá mục tiêu một năm ở kịch bản cơ sở là 24.100 đồng/ cổ phần, theo đó mức P/E mục tiêu năm 2019 của cổ phiếu này là 7,1x với dự phóng EPS pha loãng là 3.382 đồng/ cổ phần.
Những điểm tích cực: (1) Nguồn backlog cuối năm 2018 dồi dào đảm bảo tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của Công ty; (2) Tăng vốn thành công sẽ giúp Công ty giảm bớt gánh nặng lãi vay, tăng cường tiềm lực tài chính để triển khai nhiều dự án hơn, và đẩy mạnh tính minh bạch của Công ty; (3) Kết quả kinh doanh của dự án Long Thới và lợi nhuận ghi nhận từ thoái vốn tại các dự án bất động sản 1C Tôn Thất Thuyết và Phúc Lộc Thọ vẫn là yếu tố có tính đột biến của cổ phiếu này về trung hạn.
3. EPS năm 2019 của FRT ước tính 6.068 đồng/CP
CTCK Bảo Việt (BVSC)
Vào ngày 28/03/2019, cổ phiếu của Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (mã FRT) đóng cửa tại mức giá 48.000 đồng/ cổ phần, giảm mạnh 36% từ mức giá 75.000 đồng vào tháng 1/2019 trong bối cảnh thị trường (1) điện thoại di động gia tăng bão hòa cùng với (2) dòng sản phẩm của iPhone đang gặp thách thức tại Việt Nam và (3) chuỗi nhà thuốc Long Châu vẫn đang trong giai đoạn non trẻ.
Mặc dù chúng tôi nhận thấy kế hoạch kinh doanh 2019 có vẻ thách thức cho Công ty, chúng tôi nhận thấy nỗ lực và chiến lược rõ ràng cho từng mảng kinh doanh của FRT năm 2019.
Dựa vào kế hoạch kinh doanh 2019, ESP 2019 của Công ty được ước tính là 6.068 đồng/ cổ phần, theo đó FRT giao dịch tại mức P/E forward 2019 là 7,9 lần so với mức P/E trượt trung bình của FRT từ lúc lên sàn tới nay là 15,4 lần.
4. Khuyến nghị khả quan dành cho MSN với giá mục tiêu 100.300 đồng/CP
CTCK Bản Việt (VCSC)
Chúng tôi đã tham dự buổi gặp gỡ nhà đầu tư của CTCP Tập đoàn Masan (MSN) vừa qua, trong đó ban lãnh đạo công ty đã cập nhật về thị trường thịt heo trong bối cảnh ASF xuất hiện ở Việt Nam cũng như kế hoạch hành động của công ty cho mảng kinh doanh này cho phần còn lại của năm 2019.
Quan điểm chung của chúng tôi là tích cực, khi diễn biến dịch ASF sẽ tạo cơ hội để MSN đẩy mạnh triển khai mảng kinh doanh thịt mát, khi ngày càng có nhiều người tiêu dùng tìm kiếm các sản phẩm thịt heo an toàn, chất lượng cao. Mặt khác, chúng tôi ghi nhận khả năng điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng doanh thu 10% hiện tại cho mảng thức ăn chăn nuôi trong năm 2019 do ASF.
Tuy nhiên, vì đóng góp từ mảng thức ăn chăn nuôi trong tổng lợi nhuận của MSN là khá nhỏ, chúng tôi ước tính diễn biến này có tác động không đáng kể lên dự báo lợi nhuận ròng 5,1 nghìn tỷ đồng cho năm 2019 của chúng tôi (+46% so với LN ròng cốt lõi 2018) cho MSN.
Chúng tôi hiện đang có khuyến nghị khả quan dành cho MSN với giá mục tiêu 100.300 đồng/CP, tương ứng với tổng mức sinh lời 19% dựa theo giá đóng cửa hôm nay
Cơ hội tăng trưởng ngành dệt may vẫn tiếp tục trong năm 2019
CTCK Phú Hưng (PHS)
Theo Tổng cục thống kê, ngành dệt may năm 2018 ghi nhận doanh thu toàn ngành đạt 30.4 tỷ USD (tăng 16,6% so với năm trước), trong đó chủ yếu xuất khẩu hàng may mặc (chiếm 80%), theo sau là xuất khẩu vải (chiếm 6%) và xuất khẩu xơ, sợi (chiếm 11%).
Sự tăng trưởng tích cực này còn được thể hiện ở việc giá trị xuất khẩu đến các thị trường chủ lực cũng lần lượt tăng tích cực. Cụ thể, trong năm qua, giá trị xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng 14% và tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của hàng dệt may Việt Nam (chiếm 47% giá trị xuất khẩu toàn ngành). Trong khi đó, hàng dệt may Việt nam đang tiến dần đến vị trí dẫn đầu tại 2 thị trường tiềm năng là Hàn Quốc và Nhật Bản.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung diễn ra đem lại cơ hội dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam: Hàng dệt may Việt Nam đứng thứ 2 thị phần nhập khẩu tại Mỹ, chỉ sau Trung Quốc. Vì vậy, ngành dệt may Việt nam được kì vọng sẽ hưởng lợi từ sự dịch chuyển đơn hàng khi hàng dệt may Trung Quốc đang bị áp thuế 25%.
Nhiều cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTAs): Theo chúng tôi ước tính, các đối tác trong hiệp định CPTPP đóng góp vào tổng giá trị xuất – nhập khẩu hàng dệt may của Việt nam khoảng 25%. Vì vậy, việc CPTPP chính thức có hiệu lực kì vọng sẽ hỗ trợ gia tăng xuất khẩu. Bên cạnh đó, hiệp định RCEP hiện đang trong giai đoạn đàm phán cũng được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi thế cho Việt Nam không chỉ ở xuất khẩu mà còn ở khâu nhập khẩu nguyên liệu.
Ngành dệt may Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên vật liệu (chiếm 38% giá trị XNK dệt may). Trong khi đó, hiệp định CPTPP yêu cầu khắt khe về quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi”, vì vậy, các doanh nghiệp dệt may vẫn chưa thể vội mừng với CPTPP.