Ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) |
Ðược biết, trong Ðề án Cơ cấu lại thị trường chứng khoán được Thủ tướng Chính phủ ban hành mới đây, có nội dung nâng cao tính thanh khoản cho thị trường. Ông có thể nói rõ hơn về nội dung này?
Ngày 28/2/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Ðề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”; trong đó, nêu rõ mục tiêu, nguyên tắc và giải pháp cơ cấu lại thị trường chứng khoán đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.
Mục tiêu hàng đầu của Ðề án là tập trung cơ cấu lại toàn diện thị trường chứng khoán, nhằm đưa thị trường chứng khoán phát triển theo hướng cân đối, bền vững hỗ trợ thiết thực cho quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân và tăng cường mở cửa, hội nhập với khu vực và thế giới.
Ðể đạt được mục tiêu này, Chính phủ đã đưa ra 8 nhóm giải pháp khá toàn diện trong đó, tăng tính thanh khoản của thị trường được coi là một trong những giải pháp quan trọng nằm trong nhóm giải pháp cơ cấu lại tổ chức thị trường.
Là tổ chức đảm nhận vai trò bù trừ thanh toán cho toàn bộ các giao dịch trên thị trường chứng khoán, VSD sẽ có những giải pháp nào để hỗ trợ thị trường, nhằm thúc đẩy tính thanh khoản đối với thị trường chứng khoán cơ sở trong thời gian tới, thưa ông?
Với vai trò là tổ chức vận hành hệ thống hỗ trợ sau giao dịch của toàn thị trường, những năm qua, VSD đã tích cực hỗ trợ tính thanh khoản cho thị trường thông qua việc rút ngắn thời gian thanh toán xuống T+2 vào năm 2016, triển khai hoạt động vay và cho vay trái phiếu chính phủ để bán và triển khai hoạt động bù trừ thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh năm 2017... Trong giai đoạn tới, chúng tôi sẽ tập trung vào 4 nhóm giải pháp sau:
Một là, nghiên cứu triển khai thực hiện bù trừ, thanh toán cho các giao dịch chứng khoán trong ngày và thanh toán chứng khoán chờ về nhằm hỗ trợ tính thanh khoản cho thị trường trên nguyên tắc đảm bảo không để xảy ra rủi ro mất khả năng thanh toán cho thị trường.
Hai là, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hệ thống vay, cho vay chứng khoán của VSD để không chỉ đáp ứng nhu cầu vay, cho vay hỗ trợ thanh toán, hỗ trợ giao dịch ETF và vay, cho vay trái phiếu chính phủ để bán như hiện nay, mà còn tiếp tục mở rộng vay/cho vay chứng khoán trên cơ sở phù hợp với năng lực tài chính và khả năng quản trị rủi ro của tổ chức kinh doanh chứng khoán.
Ba là, tích cực phối hợp và hỗ trợ cho hoạt động phát hành bổ sung trái phiếu, hoán đổi trái phiếu, mua lại trái phiếu của tổ chức phát hành để hình thành các mã trái phiếu chuẩn nhằm tăng tính thanh khoản cho thị trường, tạo điều kiện ổn định thị trường và quản lý phòng ngừa rủi ro danh mục nợ trái phiếu chính phủ.
Bốn là, nghiên cứu triển khai áp dụng mô hình đối tác bù trừ thanh toán trung tâm (CCP) cho thị trường chứng khoán cơ sở. Với mô hình này, VSD sẽ tham gia vào giao dịch và thiết lập nhiều lớp phòng vệ rủi ro cho thị trường chứng khoản cơ sở, từ đó giúp bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư khi tham gia thị trường, tạo tâm lý yên tâm cho nhà đầu tư khi giao dịch, qua đó thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia thị trường và góp phần làm tăng tính thanh khoản cho toàn thị trường.
Ðược biết, VSD đang tập trung nghiên cứu để triển khai hệ thống đối với các sản phẩm được thị trường chờ đợi lâu nay, trong đó có giao dịch trong ngày (T+0). Ông có thể chia sẻ lộ trình cụ thể triển khai sản phẩm này?
Việc cho phép vừa mua vừa bán chứng khoán trong ngày là một trong những cơ chế giao dịch mới của thị trường được quy định tại Thông tư 203/2015/TT-BTC. Việc triển khai giao dịch này sẽ góp phần tăng tính thanh khoản của thị trường, đáp ứng kỳ vọng của nhà đầu tư, cũng như phù hợp với thông lệ quốc tế.
Như chúng ta đã biết, để triển khai thành công bất kỳ sản phẩm hay nghiệp vụ mới nào của thị trường chứng khoán thì bên cạnh sự sẵn sàng về chức năng hệ thống thì còn cần đến sự hoàn thiện đồng bộ về cơ chế, chính sách, đặc biệt là cơ chế khắc phục các rủi ro có thể phát sinh trong quá trình thực hiện.
Với giao dịch T+0, hiện nay về mặt pháp lý, đã có quy định tại Thông tư 203/2015/TT-BTC. Về mặt hệ thống, VSD hiện đang xây dựng hệ thống công nghệ thông tin trong tổng thể gói công nghệ thông tin cùng với 2 sở giao dịch chứng khoán để có thể sớm triển khai hoạt động.
Bên cạnh đó, VSD cũng đang nghiên cứu xây dựng các quy trình, quy chế hướng dẫn; lập kế hoạch tập huấn nghiệp vụ cho thành viên để có thể triển khai nghiệp vụ này sau khi hệ thống công nghệ thông tin mới của thị trường được đưa vào sử dụng. Do vậy, cơ chế giao dịch này có thể sẽ được triển khai vào cuối năm 2019 hoặc năm 2020.
Ðể triển khai T+0, đâu là vướng mắc lớn nhất cần giải quyết, theo ông?
Vấn đề chúng tôi đang quan tâm nhất hiện nay là khả năng quản lý rủi ro về phía thành viên thị trường, khi mà thống kê hàng năm cho thấy, vẫn có trường hợp phải sửa lỗi sau giao dịch, xử lý lỗi.
Thậm chí, có trường hợp công ty chứng khoán phải lùi thời hạn thanh toán hoặc loại bỏ thanh toán do kiểm soát không tốt ký quỹ của khách hàng (theo quy định hiện nay các công ty chứng khoán phải đảm bảo khách hàng đã có đủ tiền và chứng khoán trước khi nhận lệnh giao dịch). Những trường hợp trên không ngoại trừ cả các công ty chứng khoán hàng đầu Việt Nam.
Nghiệp vụ T+0 được kỳ vọng sẽ hỗ trợ tích cực cho tính thanh khoản trên TTCK |
Thực tế cho thấy, rủi ro mất khả năng thanh toán tiềm ẩn khi triển khai thực hiện giao dịch trong ngày là hiện hữu và cần được quan tâm, cân nhắc một cách thận trọng khi so sánh với lợi ích do giao dịch trong ngày mang lại.
Qua đó, đòi hỏi các thành viên thị trường phải xây dựng quy trình quản lý rủi ro một cách nghiêm túc, chặt chẽ cũng như đảm bảo nguồn lực để thực hiện nghĩa vụ thanh toán thay cho khách hàng trong trường hợp kiểm soát rủi ro không tốt.
Về phía cơ quan quản lý, đòi hỏi phải tiếp tục hoàn thiện cơ chế giám sát, xử lý các rủi ro có thể phát sinh và có chế tài đối với các công ty chứng khoán không tuân thủ hoặc tuân thủ không tốt các quy định về quản lý rủi ro đối với giao dịch trong ngày. Theo đó, việc triển khai hoạt động giao dịch trong ngày sẽ được triển khai sau khi hội tủ đủ các điều kiện cần thiết nêu trên.
Phí lưu ký cũng là một trong những vấn đề được giới đầu tư rất quan tâm, ông có thể chia sẻ thêm về lộ trình giảm phí lưu ký theo quyết định mới đây nhất của Bộ Tài chính?
Những năm gần đây, để khuyến khích nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia vào thị trường chứng khoán, Bộ Tài chính đã nhiều lần điều chỉnh giảm giá dịch vụ liên quan đến hoạt động chứng khoán, trong đó có giá dịch vụ lưu ký chứng khoán.
Hiện đối với hoạt động lưu ký chứng khoán, VSD đang thu theo mức giá quy định tại Thông tư 127/2018/TT-BTC ngày 27/12/2018 của Bộ Tài chính là 0,3 đồng/cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng quyền/tháng và 0,2 đồng/trái phiếu/tháng (tối đa không quá 2 triệu đồng/tháng/trái phiếu doanh nghiệp, công cụ nợ).
Mức giá này đã được điều chỉnh giảm 40% so với mức 0,5 đồng/cổ phiếu/chứng chỉ quỹ/tháng và giảm tương đối so với mức 0,2 đồng/trái phiếu/tháng của giai đoạn 2010 -2013. Phí lưu ký này để bù đắp một phần chi phí cho hoạt động lưu ký, bao gồm khấu hao hệ thống, chi phí bảo trì hệ thống, chi phí nhân công, đào tạo nhân lực...
Nhiều nhà đầu tư cho biết, họ nắm giữ cổ phiếu của doanh nghiệp dài hạn, không có nhu cầu giao dịch thường xuyên, nhưng theo quy định vẫn phải lưu ký chứng khoán và khoản phí lưu ký này trong thời gian là không nhỏ?
Ðể tạo điều kiện cho nhà đầu tư, theo quy định tại Quy chế hoạt động lưu ký chứng khoán của VSD, nhà đầu tư có thể lựa chọn rút lưu ký nếu không có nhu cầu mua, bán chứng khoán qua thành viên lưu ký nơi nhà đầu tư mở tài khoản, VSD không thu phí đối với hoạt động rút lưu ký này. Trong trường hợp có nhu cầu mua, bán chứng khoán, nhà đầu tư có thể tái lưu ký qua thành viên nơi nhà đầu tư mở tài khoản. Trên thực tế, có rất nhiều nhà đầu tư đã rút lưu ký do không có nhu cầu mua bán chứng khoán trong dài hạn.
Có thể nói, mức thu giá dịch vụ lưu ký chứng khoán của Việt Nam hiện nay là thấp so với mặt bằng chung của khu vực, vì giá lưu ký chứng khoán mà VSD đang thu không chỉ là giá lưu giữ chứng khoán đơn thuần mà đã được gộp cho tất cả các loại giá liên quan đến hoạt động lưu ký.
Theo thông lệ quốc tế, các Trung tâm lưu ký trên thế giới thu rất nhiều các khoản giá liên quan đến hoạt động lưu ký như đóng/mở tài khoản lưu ký, gửi, rút, lưu giữ chứng khoán, chuyển khoản, cầm cố, giải tỏa cầm cố, giá quản lý tài khoản, phí duy trì tài khoản.
Vì vậy, so mức giá này với các nội dung dịch vụ lưu ký mà các thị trường khác đang áp dụng như Nhật bản, Hồng Kông, Thái Lan, Ấn Ðộ, Indonesia..., mức giá dịch vụ lưu ký chứng khoán tại Việt Nam là tương đối phù hợp. Tuy nhiên, VSD cùng với 2 sở giao dịch chứng khoán sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng để nghiên cứu xem xét và trình cơ quan quản lý có điều chỉnh mức giá dịch vụ hợp lý khi việc sử dụng công nghệ thông tin có hiệu quả