Nhiều doanh nghiệp sẽ tiếp tục bị hạn chế giao dịch và rơi vào bảng cảnh báo nhà đầu tư trên UPCoM |
Công ty cổ phần DAP-VINACHEM (DDV) kết thúc quý cuối cùng trong năm 2016 với khoản lỗ 146 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 17,25 tỷ đồng. Giống như 3 quý trước, quý IV/2016, tình hình kinh doanh khó khăn của DDV vẫn chưa được cải thiện.
Lũy kế cả năm, DDV đạt doanh thu thuần 1.259 tỷ đồng, bằng một nửa doanh thu cùng kỳ năm 2015 (2.540 tỷ đồng) và lỗ sau thuế 470,3 tỷ đồng, trong khi năm trước lãi 49,2 tỷ đồng. Tính đến 31/12/2016, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của DDV là âm 466,8 tỷ đồng.
Đối với doanh nghiệp vận tải biển, Công ty cổ phần Vận tải biển bắc (NOS), theo BCTC hợp nhất, ghi nhận lỗ ròng gần 335 tỷ đồng năm 2016. Số lỗ này tuy đã giảm so với cùng kỳ năm 2015 (578 tỷ đồng), nhưng cũng đẩy lỗ lũy kế của NOS đạt con số trên 3.400 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 3.151 tỷ đồng.
Công ty cổ phần Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (VST) báo lỗ 109 tỷ đồng trong quý IV/2016, nhiều hơn 81 tỷ đồng so với khoản lỗ năm trước (28 tỷ đồng). Lũy kế cả năm, VST lỗ sau thuế 262,6 tỷ đồng, đưa lỗ lũy kế lên 1.072 tỷ đồng, trên vốn điều lệ 590 tỷ đồng.
Theo VST, kết thúc năm 2016, Công ty vẫn tiếp tục tái cơ cấu tài chính theo thỏa thuận với từng ngân hàng nên chưa ghi nhận kết quả xử lý nợ trong năm.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Vận tải biển Việt Nam (VOS) công bố trong quý IV/2016, doanh thu chỉ đạt 312 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2015, kinh doanh dưới giá vốn khiến lợi nhuận gộp âm tới 57,3 tỷ đồng. Kết quả, VOS lỗ ròng 122,4 tỷ đồng, cao gấp 6 lần khoản lỗ của quý IV/2015.
Theo giải trình từ phía VOS, mặc dù trong kỳ Công ty đã tiếp tục áp dụng nhiều biện pháp để tăng doanh thu, kiểm soát chi phí nhưng do thị trường duy trì ở mức kém quá lâu, lượng cung tàu vẫn tăng khiến giá cước tiếp tục sụt giảm, trong khi giá nhiên liệu và tỷ giá đồng USD lại tăng nên kết quả kinh doanh của Công ty bị ảnh hưởng rất lớn. Với việc thua lỗ suốt cả 4 quý, lũy kế cả năm 2016, VOS lỗ ròng hơn 359 tỷ đồng.
Công ty cổ phần Lilama 3 (LM3) ghi nhận lỗ tới 184,9 tỷ đồng trong quý IV/2016. Theo LM3, nguyên nhân bởi chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 2,88 lần, lên tới 28,17 tỷ đồng, trong đó phải trích lập dự phòng phải thu khó đòi đã quá hạn thanh toán nhưng chưa thu hồi được. Chưa kể, các chi phí khác quý IV lên tới hơn 157 tỷ đồng (cùng kỳ là 1,6 tỷ đồng) do sau khi kiểm kê rà soát khối lượng các công trình, một số công trình dừng hoặc tạm dừng thi công kéo dài đến nay chưa được nghiệm thu quyết toán, một số công trình chủ đầu tư không bố trí được nguồn vốn, thời gian thi công kéo dài dẫn đến chênh lệch giá vật tư, tăng chi phí lưu kho, bảo vệ…
Lũy kế cả năm, LM3 lỗ sau thuế hợp nhất 229,8 tỷ đồng, gấp 4 lần số lỗ cùng kỳ năm trước (55 tỷ đồng,) khiến Công ty chịu lỗ lũy kế đến cuối kỳ là 345 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 271 tỷ đồng.
Dù không ghi nhận lỗ “khủng” năm 2016, Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Miền Trung (PXM) vẫn rơi vào tình cảnh khá bi đát, nhiều khả năng sẽ phải tiến hành giải thể trong thời gian tới.
Quý IV/2016, PXM báo lỗ 42 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ lỗ 5,7 tỷ đồng. Nguyên nhân là doanh thu trong kỳ giảm do không tìm được việc làm mới, các công trình Công ty tham gia bị ảnh hưởng do thời tiết mưa lũ ở miền trung. Chi phí tài chính tăng cao do không thanh toán được nợ gốc. Đặc biệt, trong kỳ, PXM phải trích lập dự phòng các khoản phải thu quá hạn với giá trị lớn 35,9 tỷ đồng.
Tính đến 31/12/2016, PXM lỗ lũy kế 452 tỷ đồng trên vốn điều lệ chỉ 150 tỷ đồng, ghi nhận vốn chủ sở hữu bị âm gần 300 tỷ đồng. Với việc thua lỗ triền miên, hiện PXM nằm trong nhóm các doanh nghiệp không có khả năng hoạt động liên tục và sẽ phải tiến hành giải thể, phá sản trong thời gian tới theo chỉ đạo của Công ty mẹ - Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí – PVC (PVX).
Trên sàn UPCoM, ngoại trừ cổ phiếu DDV, các doanh nghiệp còn lại đều thuộc diện bị hạn chế giao dịch (chỉ được giao dịch vào ngày thứ 6 hàng tuần) do âm vốn chủ sở hữu. Với kết quả cập nhật mới này, các doanh nghiệp này sẽ tiếp tục bị hạn chế giao dịch và rơi vào bảng cảnh báo nhà đầu tư trên UPCoM. Riêng cổ phiếu DDV hiện đang giao dịch quanh mức giá 5.000 - 6.000 đồng/cổ phiếu, giảm mạnh so với hồi đầu năm 2016 và giao dịch chỉ vài nghìn cổ phiếu/phiên so với 146 triệu đơn vị đăng ký giao dịch.