Việt Nam được đánh giá là nền kinh tế thị trường mới nổi với rất nhiều cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực tiêu dùng và bán lẻ với tầng lớp trung lưu thuộc nhóm tăng mạnh nhất khu vực Đông Nam Á. Trong đó, thị trường bán lẻ thời trang ngày càng sôi động với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn theo phương thức kinh doanh nhượng quyền (franchise).
Nhưng thực tế, kinh doanh nhượng quyền thương hiệu trong lĩnh vực thời trang không bao giờ là việc dễ dàng. Đã có những doanh nghiệp lớn với nguồn lực tài chính hùng hậu muốn thâm nhập thị trường nhưng rồi lặng lẽ rút lui sau giai đoạn thử nghiệm, số doanh nghiệp thành công chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Thành lập 2009, ACFC – Công ty TNHH Thời trang & Mỹ phẩm Âu Châu - thành viên thuộc Tập đoàn IPPG đã trở thành tên tuổi hàng đầu trong giới kinh doanh nhượng quyền thời trang tại Việt Nam, vượt mặt các đối thủ khác trên thị trường để đem về những thương hiệu lớn trên thế giới.
ACFC hiện phân phối hơn 21 brands nổi tiếng thế giới và có hệ thống hơn 250 cửa hàng bán lẻ thời trang tại các trung tâm thành phố lớn toàn quốc.
ACFC với sự điều hành của Louis Nguyễn - con trai của tỷ phú Johnathan Hạnh Nguyễn đã tăng trưởng mạnh lên 100 triệu USD trong năm 2019.
Hai năm COVID-19 đã có ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh doanh, nhưng ACFC đã bật dậy mạnh mẽ với doanh thu dự kiến đạt 150 triệu USD năm nay, gấp rưỡi so với trước dịch và đặt mục tiêu trở thành doanh nghiệp 500 triệu USD trong 5 năm tới.
Đại diện doanh nghiệp có bề dày 13 năm trong lĩnh vực này cho biết đã phải trải qua nhiều khó khăn và thử thách trước khi trở thành đơn vị luôn được hãng tìm đến đầu tiên khi họ muốn thâm nhập hoặc phát triển thị trường Việt Nam.
“Các hãng càng lớn thì càng đòi hỏi cao và rất khó trong việc chọn lựa đối tác để giao phó thương hiệu. Với họ, không phải cứ có tiền là có thể làm được, hãng chỉ giao nhãn cho nhà bán lẻ khi họ thấy và tin rằng mình kinh doanh minh bạch, thực lực mạnh và tăng trưởng bền vững”, bà Võ Thị Phi Phương, Giám đốc điều hành ACFC chia sẻ.
Các nhà nhượng quyền của ACFC đều là những thương hiệu lớn, đặc biệt các brands đến từ Mỹ như Nike, Levi’s, Calvin Klein, Tommy Hilfiger, Gap, Old Navy…đều có những tiêu chuẩn nổi tiếng là khắt khe.
Đầu tiên, họ sẽ xem xét kỹ lưỡng về tính tuân thủ của doanh nghiệp (Good Governance), thể hiện qua việc chấp hành luật pháp nghiêm ngặt, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đối với nhà nước và người lao động, hệ thống quản lý vận hành tốt.
Tiếp theo đó là các yếu tố toàn diện từ Kinh nghiệm – Năng lực – Uy tín – Chuyên nghiệp mà rất ít doanh nghiệp tại Việt Nam có thể đồng thời đáp ứng nhưng ACFC đã minh chứng điều ấy bằng thực lực, đem đến sức thuyết phục cho hầu hết các nhãn hãng thời trang lớn trên thế giới.
Nếu như tính tuân thủ đảm bảo cho các nhãn hàng yên tâm trong việc giao thương hiệu thì năng lực vận hành cùng đội ngũ nhân sự giỏi nhất trong ngành đã tạo ra một vị thế đặc biệt của ACFC.
Đại diện ACFC cho biết: “Nhân sự của ACFC được săn đón lớn nhất của toàn ngành bán lẻ thời trang. Nhiều ông lớn muốn nhập ngành đã thu hút nhân sự của ACFC bằng các khoản lương thưởng hậu hĩnh. Nhưng rất ít người ra đi vì họ tin vào năng lực kinh doanh bền vững dựa trên triết lý kinh doanh chính trực và nhân văn của ACFC và ông Louis Nguyễn – Tổng Giám đốc”.
Ông Louis Nguyễn |
Nói về triết lý kinh doanh, ông Louis Nguyễn cho biết: “Ở ACFC, chúng tôi tập trung vào con người và tạo ra một nền văn hóa thu hút tài năng, đào tạo, phát triển và giữ chân họ, đồng thời dẫn dắt họ trở thành những nhà lãnh đạo tương lai”.
Triết lý này cũng thể hiện rõ nét trong cách thức mà ACFC vượt qua đại dịch.
Cũng như nhiều doanh nghiệp khác, ACFC đã trải qua một giai đoạn cam go giữa đỉnh điểm Covid-19. Hệ thống cửa hàng phải đóng cửa nhiều tháng, hàng đã đặt giao tại cảng vẫn phải nhập về, không có doanh thu nhưng công ty vẫn nỗ lực duy trì đội ngũ và bền bỉ trả lương cho hơn 3.000 nhân viên. Điều đó đã tạo nên một đội ngũ thấu hiểu, kiên cường vượt khó và gắn kết hơn bao giờ hết.
Nhờ vậy, khi ban điều hành quyết tâm sau dịch phải tăng tốc, phải nỗ lực 200 - 300% để vực dậy Công ty thì nhân viên chủ chốt đã ở lại, đồng lòng cùng công ty từng bước phục hồi, vững vàng, kiên tâm vượt qua và nhanh chóng bắt nhịp tăng trưởng trở lại.
“Với nền tảng kinh doanh, đội ngũ và hệ thống vững mạnh đang có, ACFC sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh, đem thêm những thương hiệu thời trang mới vào thị trường Việt Nam, không ngừng nâng cấp chất lượng đội ngũ và hệ thống quản trị, hướng tới hoàn thiện tối đa chất lượng dịch vụ bán hàng và chăm sóc khách hàng để đem đến trải nghiệm mua sắm trọn vẹn nhất cho người Việt tương đương với quốc tế cũng là sứ mệnh của ACFC”, đại diện ACFC chia sẻ.
Để nâng cao trải nghiệm khách hàng, ACFC đã trở thành nhà bán lẻ thời trang tiên phong mạnh tay đầu tư vào chiến lực chuyển đổi số lên đến gần 5 triệu USD trong giai đoạn nền tảng, trong đó phải kể đến nền tảng thương mại điện tử đón đầu xu hướng mua sắm hàng hiệu online và đặc biệt là giải pháp toàn diện của Salesforces - nền tảng chăm sóc khách hàng số 1 thế giới, đồng thời ACFC cũng thực hiện một loạt các dự án khác như tăng cường trải nghiệm khách hàng tại cửa hàng bằng công nghệ dựa vào dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI)…
Không dừng ở đó, ACFC đang mạnh mẽ khai phá các thị trường tiềm năng, mới đây nhất Công ty đã mở rộng thị trường sang Cambodia cùng các thương hiệu quốc tế đình đám với mục tiêu đầy hứa hẹn dự kiến sẽ đem về doanh thu 100-150 triệu USD trong 5 năm tới.
Lựa chọn ngành ngách - bán lẻ thời trang hàng hiệu là việc không hề dễ dàng nhưng ACFC ngày càng khẳng định vị thế dẫn đầu và bứt tốc dẫn đầu đường đua cùng tham vọng lớn “đưa Việt Nam trở thành thiên đường mua sắm mới tại châu Á”.