Tân Chuyên gia Kinh tế Trưởng Yasuyki Sawada |
Theo thông báo vừa được Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) phát đi ngày 23/11, ngân hàng này đã bổ nhiệm ông Yasuyuki Sawada, giáo sư Khoa Kinh tế, Đại học Tokyo - làm Chuyên gia Kinh tế Trưởng. Ông Sawada sẽ chính thức nhậm chức vào đầu năm 2017 sau khi hoàn tất các thủ tục bàn giao tại ĐH Tokyo.
Trên cương vị Chuyên gia Kinh tế Trưởng, ông Sawada sẽ đảm nhiệm vai trò người phát ngôn của ADB trong các vấn đề kinh tế, và đứng đầu Vụ Nghiên cứu Kinh tế và Hợp tác khu vực - đơn vị tiến hành các nghiên cứu chính sách về những thách thức phát triển mà Châu Á và Thái Bình Dương đang phải đối mặt. Vụ này cũng phối hợp chặt chẽ với cộng đồng nghiên cứu quốc tế và chịu trách nhiệm xây dựng báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á - báo cáo kinh tế hàng đầu của ADB.
Ông Sawada quốc tịch Nhật Bản, có học vị Tiến sĩ Kinh tế và Thạc sĩ Chính sách Phát triển quốc tế tại Đại học Stanford. Ông cũng có bằng Thạc sĩ Quan hệ quốc tế của Đại học Tokyo, Thạc sĩ Kinh tế của Đại học Osaka, và Cử nhân Kinh tế tại Đại học Keio.
Ông Sawada có hơn 20 năm kinh nghiệm trên cương vị chuyên gia kinh tế, nhà nghiên cứu và học giả. Ông đã làm việc tại Viện ADB ở Tokyo và làm tư vấn cho rất nhiều dự án của Nhóm Ngân hàng Thế giới. Là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế học phát triển và kinh tế lượng vi mô ứng dụng, ông cũng là giáo sư thỉnh giảng tại Trung tâm Phát triển quốc tế Stanford, Đại học Stanford, và giáo sư kiêm nhiệm về kinh tế học tại Đại học Hàn Quốc.
Ông Sawada đã tiến hành rất nhiều nghiên cứu thực địa tại các quốc gia đang phát triển và có hiểu biết sâu sắc về các vấn đề phát triển. Nghiên cứu của ông đã đóng góp vào các công trình của nhiều thể chế phát triển, bao gồm Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Phát triển Bangladesh, Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản - Australia thuộc Trường Chính sách công Crawford, Đại học Quốc gia Australia, và Viện Nghiên cứu Phát triển Pakistan. Ông cũng xuất bản và thẩm định rất nhiều sách, báo cáo và bài viết trên tạp chí, nhất là trong các chủ đề kinh tế học, thích ứng và phục hồi sau thảm họa, viện trợ nước ngoài, và phân tích động năng nghèo.