Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên thảo luận. |
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã thông tin như trên tại cuộc tiếp xúc với cử tri Hải Phòng, ngày 29/9.
Tại cuộc tiếp xúc, cử tri Hải Phòng đã nêu nhiều kiến nghị cụ thể về cơ chế định giá thuốc; chế độ, chính sách cho đội ngũ y bác sĩ, cán bộ ngành y tế. Cử tri cũng mong muốn Quốc hội tăng cường giám sát về bảo vệ môi trường; giảm thủ tục hành chính; tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp...
Hồi âm kiến nghị của cử tri về cơ chế định giá thuốc và đấu thầu thuốc, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ, Bộ Y tế tiếp tục rà soát lại các quy định để công khai minh bạch vấn đề quản lý giá thuốc, đấu thầu thuốc.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại kỳ họp thứ 4 (khai mạc ngày 20/10 tới), Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến lần đầu đối với dự án Luật Giá (sửa đổi) và dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Trong đó, Chính phủ đang đề xuất đưa thuốc vào mặt hàng Nhà nước định giá (trước đây, thuốc chỉ là mặt hàng kê khai giá).
Quốc hội cũng đang yêu cầu Chính phủ tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 30 của Quốc hội về một số biện pháp đặc biệt, đặc cách, đặc thù phòng, chống dịch Covid-19 để xem xét khả năng tiếp tục gia hạn một số chính sách, trong đó có chính sách liên quan đến thuốc.
Theo chương trình xây dựng pháp luật, năm 2023, Quốc hội sẽ sửa đổi Luật Dược và sẽ nghiên cứu, xây dựng luật về trang thiết bị y tế…
“Chúng ta mong muốn có thuốc rẻ cho nhân dân, nhưng cũng phải tuân theo quy luật thị trường. Đấu thầu thuốc chữa bệnh thì không thể cứ năm sau thấp hơn năm trước, mà phải bảo đảm 3 yếu tố: chất lượng, giá cả, nguồn cung”, ông Vương Đình Huệ trao đổi với cử tri.
Hồi âm đề nghị tăng tiền lương, chế độ phụ cấp cho y bác sĩ, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc dịch chuyển lao động từ bộ phận công sang tư, tư sang công, lao động gia nhập hay rời bỏ thị trường là câu chuyện bình thường của thị trường lao động, nhưng khi cán bộ, công chức bỏ việc tăng lên bất thường thì phải nghiên cứu, đánh giá thận trọng, bao gồm cả vấn đề thu nhập.
Riêng với y tế cơ sở, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Chính phủ trình Bộ Chính trị xem xét việc tăng phụ cấp từ 40 - 70% nhưng Bộ Chính trị đã quyết định tăng lên 100%. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định để thực hiện.
Sang năm, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao về hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng để đánh giá kỹ lưỡng tình hình này. Khi ban hành Nghị quyết số 43 về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ phục hồi kinh tế, xã hội Quốc hôi cũng đã dành 14 nghìn tỷ đồng cho việc tăng cường năng lực y tế cơ sở.
Về chính sách tiền lương đối với khu vực công, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, trong 3 năm gần đây, do các nguyên nhân khách quan, nhất là tác động của dịch bệnh Covid – 19 đã khiến cho lộ trình cải cách tiền lương bị chậm lại. Tuy nhiên, “đây là vấn đề cấp thiết”, do đó, tại Kỳ họp thứ Tư sắp tới, Quốc hội sẽ bàn vấn đề này.
Trong điều kiện chưa thể cải cách căn bản tiền lương được, theo Chủ tịch Quốc hội, nên chăng cũng cần điều chỉnh, tăng lương cơ sở. Mức độ, liều lượng, thời gian điều chỉnh cụ thể như thế nào Quốc hội sẽ bàn kỹ với Chính phủ để báo cáo Trung ương có quyết sách về vấn đề này.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhất trí với đề nghị của cử tri về việc tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, tăng cường phân công, phân cấp, phân quyền.
Vừa qua, Quốc hội đã sử dụng nhiều biện pháp, trong đó đã sử dụng trí tuệ nhân tạo để rà soát, bảo đảm tính thống nhất, tránh chồng chéo, vướng mắc giữa các văn bản quy phạm pháp luật. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH15 hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội và tới đây, sẽ tăng cường hơn nữa công tác giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đối với hệ thống pháp luật, Chủ tịch Vương Đình Huệ thông tin với cử tri.