- Ai “hô biến” tài sản khủng của cựu tử tù Liên Khui Thìn? - Bài 1: “Ngồi trên lửa” trước lá đơn của cựu tử tù
- Ai “hô biến” tài sản khủng của cựu tử tù Liên Khui Thìn? - Bài 2: Xóa thành viên, rồi xóa luôn quyền lợi tài sản
- Ai “hô biến” tài sản khủng của cựu tử tù Liên Khui Thìn? - Bài 3: Khi đích đến là “núi” tài sản
- Ai “hô biến” tài sản khủng của cựu tử tù Liên Khui Thìn? - Bài 4: Lập “sân sau”, tẩu tán tài sản, trốn thi hành án
Một góc khu đất dự án dân cư mà ông Liên Khui Thìn tố cáo bị tẩu tán. |
Bài 5: Liệu còn… “phút 89”?
Một số cán bộ liên quan đã bị xử lý, nhưng có người liên quan lại thoát được ở… “phút 89”. Bởi vậy, việc Bộ Công an khởi tố vụ án, yêu cầu ngăn chặn dịch chuyển hàng loạt lô đất khiến không ít người thấp thỏm.
Tuồn đất vàng cho “sân sau”
Hồ sơ mà phóng viên Báo Đầu tư thu thập được thể hiện, năm 1991, Công ty Epco của Liên Khui Thìn được giao làm chủ Dự án Khu dân cư tại xã An Phú, huyện Thủ Đức (nay là phường An Phú, TP. Thủ Đức) với diện tích hơn 10 ha. Sau khi hoàn thành đền bù giải phóng mặt bằng, tháng 9/1995, Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt giai đoạn I (hơn 3,8 ha), còn lại 6,2 ha để triển khai giai đoạn II.
Khi xảy ra vụ án Epco - Minh Phụng, Bản án hình sự phúc thẩm số 05/HSPT, ngày 12/1/2000 tuyên giao hơn 3,8 ha cho ngân hàng phát mãi thu nợ. Công ty Phát triển nhà Phú Nhuận đã được mua lô này và xây dựng thành dự án dân cư số 280 - Lương Định Của (phường An Phú, TP. Thủ Đức).
Phần diện tích 6,2 ha giai đoạn II chưa được phê duyệt, nên không đưa vào cân đối nợ, mà nằm trong nhóm tài sản các khoản tiền đầu tư của Liên Khui Thìn trên các sở đất tại quận 2, quận 9 cần thu hồi để thanh toán nợ cho Liên Khui Thìn tại ngân hàng. Theo đó, Công ty Epco sẽ là người thực hiện việc thu hồi này và Cục Thi hành án TP.HCM là người giám sát việc thi hành nêu trên.
Do được giao theo dõi việc thi hành án đối với lô đất hơn 3,8 ha, nên Bùi Liên Hiệp (chấp hành viên Cục Thi hành án dân sự TP.HCM) biết rất rõ về diện tích đất còn lại chưa đưa vào thế chấp.
UBND TP. Thủ Đức đã yêu cầu kiểm tra, xử lý các công trình xây dựng, san lấp trái phép tại phường An Phú và giao UBND phường phối hợp với các đơn vị có thẩm quyền kiểm tra, rà soát, xử lý các vị trí đã san lấp, công trình xây dựng vi phạm (nếu có) tại các khu đất trên.
Hiệp cùng với T.N.T. (xin chưa nêu tên) thành lập Công ty T.L, giao cho người nhà của T.N.T đứng tên giám đốc và đặt trụ sở tại tỉnh Bình Dương để tránh việc lộ “chân rết”.
Tiếp theo, Bùi Liên Hiệp dò tìm danh sách những người đã bàn giao đất và nhận tiền đền bù từ 10 năm trước, rồi đến năm 2003, lập danh sách thu hồi với giá của… 11 năm trước, chỉ 40.000 đồng/m2.
Bùi Liên Hiệp lập tờ trình đề xuất Trưởng phòng Thi hành án TP.HCM (lúc đó là Lương Vĩnh Phúc) phê duyệt cho thu tiền và được chấp thuận.
Sau đó, Bùi Liên Hiệp gửi văn bản tác động chính quyền địa phương tạo điều kiện cho các hộ dân hoàn tất đăng ký quyền sử dụng đất và người đảm đương đứng ra hỗ trợ cho các hộ dân là T.N.T.
Khi hoàn tất, theo thỏa thuận từ đầu, nhóm người do T.N.T chỉ định đã đứng ra mua lại đất của các hộ dân trên, rồi làm thủ tục chuyển nhượng cho Công ty T.L.
Như vậy, thay vì phải mua theo giá thị trường (khoảng hơn 640.000 đồng/m2), Công ty T.L chỉ tốn… 250.000 đồng/m2 mua lại đất từ 3 hộ dân và 40.000 đồng/m2 mua lại đất của 2 hộ khác.
Vụ việc vỡ lở, năm 2008, với hành vi nêu trên (không chỉ vi phạm pháp luật, mà còn gây thiệt hại cho Công ty Epco hơn 3,6 tỷ đồng và một số thiệt hại), Bùi Liên Hiệp đã bị Tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao tại TP.HCM tuyên phạt hơn 20 tháng tù giam. Còn Lương Vĩnh Phúc bị phạt cảnh cáo. Tuy nhiên, người và tổ chức liên quan còn lại không thấy bị xử lý và đặc biệt, tài sản thu không đủ thi hành án, nên mới dẫn tới tố cáo bức xức của cựu tử tù Liên Khui Thìn hiện nay.
Epco bán “đất vàng” rẻ như bèo
Ông Thìn tố, ông N.L.Ri (được giao điều hành Công ty Epco sau khi xảy ra vụ án Epco - Minh Phụng) đã ký bán trái luật lô đất 3 ha và lô hơn 5.000 m2 (đều tại phường Thảo Điền, quận 2, nay là TP. Thủ Đức) cho 2 cá nhân khác mà không bị xử lý.
Cụ thể, năm 1992, Công ty Epco liên doanh với 2 công ty để lập dự án trên diện tích 10 ha, sau đó tách ra 3 ha để lập dự án riêng và đã đền bù cho dân với giá 30.000 đồng/m2.
Khi xảy ra vụ án Epco - Minh Phụng, do chưa được cấp sổ đỏ, nên 3 ha này không được Tòa công nhận làm tài sản cân đối nợ, mà xếp vào nhóm tài sản các khoản tiền đầu tư của Liên Khui Thìn trên các sở đất tại quận 2, quận 9 cần thu hồi để thanh toán nợ cho Liên Khui Thìn tại ngân hàng.
Tháng 5/2003, với phương thức chuyển nhượng để thu hồi tiền đầu tư, ông N.L.Ri ký hợp đồng bán lô đất này cho Công ty TNHH V.T do ông V.Đ.Đạt làm giám đốc, giá 21 tỷ đồng, mục đích làm dự án nhà ở.
Hơn 1 năm sau, tháng 8/2004, Công ty Epco có văn bản hỏi và nhận được trả lời từ Viện Quy hoạch xây dựng TP.HCM. Viện này cho hay, 3 ha đất trên nằm trong khu vực dự kiến quy hoạch xây dựng cầu và đường nối quận 2 với quận Bình Thạnh.
Thế nên, tháng 9/2004, Công ty Epco và Công ty TNHH V.T thỏa thuận thay đổi nội dung hợp đồng mua bán từ mục đích làm nhà ở trước đó sang mục đích chờ đền bù giải phóng mặt bằng. Tháng 11/2004, 2 bên thanh lý hợp đồng cũ và Công ty Epco cùng cá nhân ông V.Đ.Đạt ký “hợp đồng đền bù và chuyển quyền sử dụng đất” đối với lô đất 3 ha với giá chỉ 150.000 đồng/m2, tức ông V.Đ.Đạt chỉ còn phải trả hơn 4 tỷ đồng, thay vì 21 tỷ đồng như trước.
Năm 2006, UBND quận 2 lúc bấy giờ đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông V.Đ.Đạt là loại đất trồng cây “thời hạn sử dụng 20 năm”.
Cũng với phương thức xử lý là chuyển nhượng để thu hồi tiền đầu tư, tháng 6/2003, ông N.L.Ri đại diện Công ty Epco ký hợp đồng “đền bù và chuyển nhượng quyền sử dụng đất” đối với lô đất 5.000 m2 khác cũng tại phường Thảo Điền cho ông H.A.Kiệt với giá hơn 2,7 tỷ đồng. Tới tháng 12/2003, UBND quận 2 cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông H.A.Kiệt.
Liệu còn “phút 89”?
Việc chuyển nhượng 2 lô “đất vàng” 3 ha và 5.000 m2 với “giá bèo” đã gây bức xúc dư luận. Năm 2006, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Thường trực Ban Chỉ đạo thi hành án phần tài sản vụ án Epco - Minh Phụng (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) vào cuộc.
Sau xác minh, Ban Chỉ đạo cho rằng, toàn bộ lô đất tại các khu vực quận 2, quận 9 (gồm cả 2 lô đất 3 ha và 5.000 m2) không phải là tài sản của Công ty Epco, vì nếu có đủ căn cứ, thì Tòa án đã đưa vào tài sản thế chấp để xử lý. Công ty Epco chỉ có quyền thu hồi số tiền đã đầu tư vào lô đất và muốn thu hồi thì phải xác định được số tiền Liên Khui Thìn đã đầu tư và thỏa thuận với người đã chuyển nhượng để thu lại, nếu không, thì 2 bên có thể ra Tòa. Vì vậy, việc Công ty Epco thu hồi bằng cách chuyển nhượng đất là trái bản án đã tuyên.
Với lô đất 5.000 m2, Công ty Epco bán cho ông H.A.Kiệt, hợp đồng không có công chứng, không có xác nhận của bất kỳ cơ quan nhà nước nào.
Lô đất 3 ha Công ty Epco bán cho ông V.Đ.Đạt cũng trái với bản án đã tuyên và trái với quy định của Luật Đất đai (chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nên chưa được phép chuyển nhượng).
Việc ông N.L.Ri cho rằng đã xin ý kiến giải thích bản án của Tòa về tính pháp lý và được chấp thuận thực ra chỉ nhằm mục đích hợp thức hóa việc chuyển nhượng đã thực hiện. Bởi sau gần 1 tháng kể từ khi ký hợp đồng bán 2 lô đất, Công ty Epco mới có văn bản hỏi.
Đáng chú ý, các lô đất nêu trên có vị trí tốt, giá chuyển nhượng trên thị trường tại khu vực này đều từ 10 triệu đồng/m2 trở lên, trong khi đó, giá chuyển nhượng theo hợp đồng ký giữa hai bên chỉ 150.000 đồng/m2.
Từ đó, Ban Chỉ đạo đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao cơ quan liên quan làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật; giao UBND TP.HCM kiểm điểm, xử lý sai phạm của UBND quận 2; có hình thức kỷ luật thích đáng đối với các cán bộ sai phạm, nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, cần giao cho cơ quan điều tra xử lý, đồng thời xem xét, hủy bỏ giấy chứng nhận quyền sử dụng 2 lô đất đã chuyển nhượng trái pháp luật trên.
Thủ tướng đã giao cơ quan chức năng vào cuộc. Đến ngày 24/12/2010, Bộ Công an có văn bản báo cáo về vụ việc.
Theo đó, với lô đất 3 ha, báo cáo này cho rằng, việc chuyển nhượng theo giá bồi thường hỗ trợ đất nông nghiệp không có đủ căn cứ kết luận bán giá thấp, bất minh, gây thiệt hại cho Nhà nước.
Với lô đất 5.000 m2, báo cáo này cho rằng, việc Công ty Epco bán giá cao hay thấp là do bên mua và bên bán tự thỏa thuận. Đây không phải là tài sản đã thế chấp ngân hàng, nên không có sự ràng buộc về giá khi chuyển nhượng, không đủ căn cứ kết luận là bán giá thấp, bất minh và gây thiệt hại cho Nhà nước.
Báo cáo này được chấp nhận. Hơn 10 năm qua, vụ việc tưởng đã “im ắng”.
Nhưng tới ngày 16/4/2021, sau xác minh tố cáo của cựu tử tù Liên Khui Thìn, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự số 25/QĐ-CSKT-P10 về “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Công ty Epco và một số đơn vị liên quan”. Trước đó, C03 có Công văn số 198/CV-CSKT-P10 đề nghị chính quyền địa phương ngăn chặn, không cho thực hiện các giao dịch mua bán, tặng cho, thế chấp, bảo lãnh đối với nhiều khu đất nằm tại TP. Thủ Đức hiện nay.
Động thái này khiến nhiều người lại thấp thỏm. Báo Đầu tư sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc khi có kết luận của cơ quan chức năng.