Bà VINCY Nguyễn. |
Chào bà, bà đánh giá gì về xu hướng dịch chuyển nhà máy từ một số thị trường tới Việt Nam hiện nay?
Thị trường phía Bắc nói chung vốn dĩ đã đang vẫn là trung tâm điểm đến của các doanh nghiệp trong ngành điện tử. Sau đại dịch Covid-19, nhu cầu đa dạng hóa sản xuất tới Việt Nam và các nước khác vốn bị hạn chế trong suốt thời gian dịch bệnh thì gần đây càng phát triển .
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài lớn trong lĩnh vực công nghệ, điện tử đã đầu tư tại Việt Nam như Foxconn, Luxshare, Goertek, Samsung, LG… và các nhà cung ứng khác cũng đã và đang dịch chuyển đến Việt Nam để hoàn thiện chuỗi cung ứng. Việc này sẽ tạo thêm đà phát triển cho ngành công nghiệp nói chung và bất động sản công nghiệp nói riêng bao gồm nhà xưởng xây sẵn cũng sẽ có nhiều cơ hội phát triển trong thời gian tới.
Bản thân KCN Việt Nam cũng đang nhận được khá nhiều yêu cầu thuê kho xưởng từ khách hàng là nhà cung cấp của các công ty thuộc ngành điện tử và ngành linh kiện ô tô (đến từ khách hàng mới và khách hàng cũ có nhu cầu mở rộng). Nắm bắt được nhu cầu khách hàng, bên cạnh những dự án sẵn có ở khu vực phía Bắc, chúng tôi vừa hoàn thành việc mở rộng thêm quỹ đất 14 ha tại Thuận Thành, Bắc Ninh.
Vậy theo bà Việt Nam cần làm gì để khai thác triệt để lợi thế trên?
Về chính sách, chúng tôi cho rằng, Chính phủ và các chính quyền địa phương đã và đang tạo điều kiện để phát triển kinh tế, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các chủ đầu tư so với trước kia như: Việc ban hành Nghị định 35 quy định về phân kỳ đầu tư khu công nghiệp, bãi bỏ thủ tục thành lập khu công nghiệp, đơn giản hóa quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục đầu tư hạ tầng, thành lập khu công nghiệp và mở rộng khu công nghiệp. Việc đơn giản hóa các thủ tục pháp lý, phân quyền nhiều hơn cho các địa phương có thể giúp giảm thủ tục cấp phép đầu tư tại các khu công nghiệp.
Hơn nữa, việc tập trung hoàn thiện hệ thống cao tốc, kết nối hạ tầng cũng là một trong những điểm sáng giúp nâng cao uy tín của Việt Nam dưới góc nhìn là một tâm điểm đầu tư, tăng cường sức thu hút của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Điều chúng tôi không quá lạc quan chính là kinh tế thế giới hiện nay có nhiều chuyển động và thay đổi nhanh chóng, rất nhiều ngành nghề và doanh nghiệp đang đối đầu với các khó khăn kể từ thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn ra. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang có dấu hiệu chững lại, lạm phát gia tăng, chính sách tiền tệ thắt chặt ở nhiều nước. Điều này dẫn đến quyết định đầu tư, dịch chuyển chuỗi cung ứng sẽ bị chậm lại.
Về ngắn hạn, trong năm 2023, thị trường bất động sản công nghiệp sẽ đối mặt với lượng nguồn cung đã và đang được xây dựng trong giai đoạn 2021-2022, áp lực về việc lấp đầy nguồn cung sẽ đặt nặng lên vai các chủ đầu tư như KCN Việt Nam.
Khu công nghiệp Việt Nam đã tích luỹ được nhiều quỹ đất để phát triển dự án chuẩn bị đón làn sóng đầu tư mới. |
Là đơn vị khá trẻ trong lĩnh vực này, KCN Việt Nam đã chuẩn bị gì khi tham gia thị trường này?
Bất động sản công nghiệp là sân chơi dài hạn, phân khúc này vẫn đang là điểm sáng vì nội lực của Việt Nam như: nền kinh tế ổn định, tăng trưởng GDP hàng năm ổn định so với các quốc gia trong khu vực, nguồn vốn FDI ổn định. KCN Việt Nam đã chuẩn bị rất kỹ vì nhận thức được đây sẽ là cuộc đua sức bền.
KCN Việt Nam đã tận dụng thời gian giãn cách do dịch Covid-19 để làm giàu quỹ đất, xây dựng đội ngũ, trang bị kinh nghiệm toàn diện để khi Việt Nam mở cửa trở lại, KCN Việt Nam bắt tay ngay vào công tác phát triển dự án và tìm khách thuê.
Hiện tại KCN Việt Nam đã có 4 dự án gần đưa vào hoạt động tại Hải Phòng, Đồng Nai và Long An. Ngay trong năm nay, chúng tôi sẽ tăng cường công tác bán hàng, lấp đầy 4 dự án này và khởi công các dự án còn lại trong quỹ đất. Tiếp đến là mở rộng danh mục đầu tư và tăng cường quan hệ đối tác, một trong những lý do hàng đầu để khách hàng lựa chọn thuê các dự án của KCN Việt Nam. Phần lớn vị trí dự án chúng tôi ở các nơi có hạ tầng vận tải hoàn thiện, giao dịch xuất nhập khẩu thuận tiện vì gần cầu cảng và sân bay. Các doanh nghiệp phụ trợ cũng tập trung gần đó nên việc mua bán cũng dễ dàng hơn.
Điều chúng tôi tự hào và tự tin nhất là về quy trình làm việc và dịch vụ khách hàng của KCN Việt Nam. Từng có một thời gian sống và làm việc ở Trung Quốc - công xưởng thế giới nơi năng động và cạnh tranh bậc nhất trong lĩnh vực công nghiệp nên tôi hiểu rõ điều mà một quốc gia như Việt Nam cần để đón các doanh nghiệp muốn đầu tư ngoài Trung Quốc. Vì thế, chúng tôi đã xây dựng một quy trình chuẩn để nhân viên KCN Việt Nam luôn chủ động xử lý vấn đề của khách hàng trước khi họ yêu cầu.
Có cơ hội trải nghiệm ngành bất động sản công nghiệp ở quốc gia hàng đầu thế giới, lý do gì khiến bà quay về Việt Nam và chọn KCN Việt Nam để phát triển sự nghiệp?
KCN Việt Nam là một doanh nghiệp nội địa, và vì bản thân là người Việt Nam, nên tôi muốn dùng năng lực để ủng hộ cũng như cống hiến và chứng minh cho các doanh nghiệp đa quốc gia thấy rằng, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng để cạnh tranh với đối thủ quốc tế.
Lý do thứ hai là theo tôi, mỗi doanh nghiệp sẽ có cách làm việc riêng và một văn hóa công ty khác nhau. Tại KCN Việt Nam, tôi có thêm cơ hội để được thử sức mình với nhiều vai trò và thử thách mới, đồng thời tôi có được sự hỗ trợ rất nhiều từ cộng sự cũng như từ các anh chị lãnh đạo của KCN Việt Nam.