Cơ quan điều tra thuộc Ủy ban quản lý cạnh tranh Ấn Độ cáo buộc Google đã hạn chế “khả năng và mong muốn của các nhà sản xuất thiết bị trong việc phát triển và bán các thiết bị hoạt động trên các phiên bản thay thế Android”. Ảnh: AFP |
Phát hiện trên được Cơ quan điều tra thuộc Ủy ban quản lý cạnh tranh Ấn Độ (CCI) nêu trong một báo cáo về cuộc điều tra kéo dài 2 năm qua, theo Reuters.
Theo đó, Google, công ty con của Tập đoàn Alphabet, bị cáo buộc đã hạn chế "khả năng và mong muốn của các nhà sản xuất thiết bị trong việc phát triển và bán các thiết bị hoạt động trên các phiên bản thay thế Android".
Phía Google vẫn khẳng định với Reuters trong một tuyên bố gần đây rằng họ mong muốn hợp tác với Cơ quan quản lý cạnh tranh Ấn Độ để "chứng minh cách Android đã thúc đẩy sự cạnh tranh và đổi mới sáng tạo nhiều hơn, chứ không phải hạn chế".
Cơ quan quản lý cạnh tranh Ấn Độ vẫn chưa có bình luận chính thức về báo cáo trên. Nguồn thạo tin của Reuters cho biết, các thành viên cấp cao của cơ quan này sẽ xem xét lại báo cáo và cho Google thêm một cơ hội để tự bảo vệ mình, trước khi ra quyết định cuối cùng, có thể bao gồm các hình phạt.
Google có thể kháng nghị bất kỳ quyết định nào tại tòa án Ấn Độ.
Cáo buộc trên đánh dấu bước lùi của Google tại thị trường Ấn Độ nơi mà họ phải đối mặt với một số cuộc điều tra đối với thị trường ứng dụng thanh toán và truyền hình thông minh.
Tuy vậy, Ấn Độ vẫn là thị trường tăng trưởng quan trọng của Google. Năm ngoái, "gã khổng lồ" công nghệ Mỹ cho biết họ sẽ đầu tư 10 tỷ USD tại thị trường này trong vòng 5 - 7 năm tới thông qua hình thức mua cổ phần và đầu tư liên kết. Đây là cam kết lớn nhất của Google đối với một thị trường tăng trưởng quan trọng.
Google gần đây liên tiếp bị điều tra ở châu Âu, Mỹ, và nhiều nơi khác. Mới đây nhất, Ủy ban thương mại công bằng Hàn Quốc hôm 14/9 tuyên bố sẽ xử phạt "gã khổng lồ" công nghệ Mỹ 207,4 tỷ won (176,9 triệu USD) với cáo buộc lợi dụng vị trí thống lĩnh thị trường hệ điều hành di động để "đàn áp" cạnh tranh.
Phía Hàn Quốc cáo buộc Google lợi dụng vị thế thị trường của mình để ngăn chặn các nhà sản xuất điện thoại thông minh như Samsung sử dụng hệ điều hành do các đối thủ phát triển. Cụ thể, Google bị cáo buộc đã yêu cầu các nhà sản xuất điện thoại thông minh đồng ý với "thỏa thuận chống phân mảnh (AFA)" khi ký các hợp đồng quan trọng với hãng này về giấy phép cửa hàng ứng dụng và quyền truy cập sớm vào hệ điều hành.
Thỏa thuận AFA đã ngăn cản các nhà sản xuất thiết bị thông minh cài đặt các phiên bản thay thế hệ điều hành Android (được gọi là "Android fork") trên thiết bị cầm tay của họ, theo Yonhap News.
Ủy ban thương mại công bằng Hàn Quốc đánh giá rằng hành động trên của Google đã kìm hãm sự đổi mới sáng tạo trong việc phát triển hệ điều hành mới cho điện thoại thông minh. Cơ quan này đã yêu cầu Google ngừng ép buộc các đối tác ký thỏa thuận AFA và yêu cầu "gã khổng lồ" công nghệ Mỹ thực hiện các bước khắc phục.
Trong tháng 6, Ủy ban châu Âu đã tuyên bố mở cuộc điều tra mới để xác định liệu Google có ưu ái dịch vụ công nghệ quảng cáo trực tuyến của mình và vi phạm các quy định chống độc quyền không.
"Google thu thập dữ liệu để dùng cho các mục đích quảng cáo được xác định trước, doanh nghiệp này bán không gian quảng cáo và cũng hoạt động như một trung gian quảng cáo trực tuyến", Phó chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu Margrethe Vestager cho biết.
Trước đó, Google bị Pháp xử phạt 267 triệu USD vì lạm dụng vị thế thống lĩnh trong lĩnh vực quảng cáo trực tuyến.Cơ quan giám sát cạnh tranh Pháp kết luận Google đã kinh doanh các dịch vụ không công bằng và phân biệt đối xử đối với các đối thủ. Cơ quan này cho biết Google đã đồng ý nộp mức phạt trên và chấm dứt một số hoạt động ưu ái của họ.