Doanh nhân
An toàn cho khách du lịch phải đặt lên hàng đầu
Hồ Hạ - 05/05/2021 07:08
Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch, Chủ tịch HĐQT, CEO Thiên Minh Group nhấn mạnh, yếu tố an toàn cho người làm du lịch và khách du lịch phải được đặt lên hàng đầu.
Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), Chủ tịch HĐQT, CEO Thiên Minh Group.

Thưa ông, bên cạnh khó khăn, đại dịch Covid-19 có mang đến cơ hội cho ngành du lịch Việt Nam không?

Hơn một năm qua, ảnh hưởng của Covid-19 đến ngành du lịch hết sức nặng nề. Dự báo, tình trạng này còn kéo dài 1 - 2 năm tới. Tuy nhiên, ngành du lịch Việt Nam khá may mắn khi Việt Nam phòng, chống dịch hiệu quả, người dân có thể đi lại và du lịch nội địa vẫn có thể hoạt động, dù có những giai đoạn bị hạn chế, gián đoạn.

Dù hàng triệu lao động mất việc làm khi du lịch nội địa chỉ đạt 20 - 50% công suất (tùy thời điểm), du lịch quốc tế đóng băng, nhưng trong bức tranh màu xám ấy, ngành du lịch đã có nhiều thay đổi tích cực. Chính phủ sớm đưa ra những quyết sách để đảm bảo sự vận hành an toàn cho ngành du lịch và toàn xã hội. Cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương năng động, kịp thời điều chỉnh hoạt động để đáp ứng những yêu cầu mới.

Thị trường nội địa được xem là “cứu cánh” trong bối cảnh hiện nay, nhưng dường như chúng ta vẫn chưa thực sự hiểu rõ thị trường gần 100 triệu dân đầy tiềm năng này, thưa ông?

Trước khi Covid-19 xuất hiện, du lịch Việt Nam tăng trưởng thần kỳ cả về số lượng và doanh thu từ khách quốc tế. Song, Covid-19 buộc chúng ta phải nhận diện rõ hơn về cách tiếp cận thị trường trong nước và các thị trường gần, đặc biệt, chúng ta cũng nhìn thấy những giá trị thực sự đối với sức mua của thị trường nội địa.

Tại Thiên Minh Group, trước đây, mảng khách quốc tế chiếm tới 85% tổng doanh thu, nhưng từ tháng 4/2020 đến nay, gần như 100% doanh thu phụ thuộc vào khách nội địa. Giai đoạn đầu khi Covid-19 xuất hiện, mỗi ngày chúng tôi lỗ 3 - 4 tỷ đồng, song nhờ điều chỉnh kịp thời, quản lý doanh nghiệp hiệu quả, hiện Tập đoàn đã có lãi, dù còn khiêm tốn. Những sản phẩm cao cấp của Thiên Minh Group trước đây hầu như chỉ phục vụ khách nước ngoài, như dịch vụ ngắm vịnh Hạ Long bằng thủy phi cơ, giờ xoay chuyển để phục vụ người Việt Nam.

Tôi cho rằng, thị trường nội địa chính là bệ đỡ cho doanh nghiệp và còn dư địa rất lớn để khai thác. Chúng ta hoàn toàn có thể khai thác được thị trường nội địa hiệu quả và kinh doanh có lãi dù đối diện nhiều thách thức do Covid-19 gây ra. Hàng không, cơ sở lưu trú, lữ hành phải bắt tay nhau thật chặt để tạo ra các tour, sản phẩm kích cầu nhằm tạo ra gam màu tươi sáng hơn cho bức tranh du lịch Việt Nam.

Covid-19 buộc du lịch phải chuyển mình, thậm chí tăng tốc chuyển đổi số. Minh chứng là, năm 2020, ngành kinh tế xanh bị ảnh hưởng, nhưng nền tảng du lịch trực tuyến ivivu.com của Thiên Minh tăng trưởng mạnh cả về lượng truy cập và sản phẩm bán ra.

Theo tôi, doanh nghiệp du lịch phải không ngừng đưa ra sản phẩm, dịch vụ mới phù hợp với nhu cầu thị trường nội địa. Không chỉ trước mắt, mà về lâu dài, doanh nghiệp cần biết cách tạo ra sản phẩm đặc thù, có giá phù hợp, định vị tốt thị trường nội địa và phải phát triển thành hệ thống sản phẩm.

Sau 3 lần Covid-19 bùng phát, các doanh nghiệp du lịch trong nước gần như cạn nguồn lực. Theo ông, Chính phủ cần tiếp tục có những chính sách thiết thực nào để giúp các doanh nghiệp du lịch “hồi sức”?

Việc giúp các doanh nghiệp du lịch “hồi sức” là vô cùng quan trọng. Chính phủ có thể đưa ra một số chính sách hỗ trợ khoản vay phù hợp cho doanh nghiệp lữ hành, khách sạn vừa và nhỏ. Bởi, vốn và tiềm lực của họ rất mỏng. Nếu có cơ chế để giữ những doanh nghiệp tốt, thì sẽ rất thuận lợi khi chúng ta mở cửa trở lại và phục hồi nhanh hơn khi đủ điều kiện đón khách du lịch quốc tế.

Theo tôi, Nhà nước cần có những khoản bảo lãnh cho vay để doanh nghiệp có thể trả lương, đầu tư chuyển đổi số, xây dựng sản phẩm, dịch vụ mới. Mặt khác, trong thời gian ít nhất là 2 năm tới, cần có một số chính sách thiết thực để đảm bảo doanh nghiệp có thể tồn tại. Bởi hiện các doanh nghiệp đã cạn kiệt nguồn lực trong khi sức mua hạn chế, thị trường chưa phục hồi hoàn toàn.

Đặc biệt, các cơ quan quản lý trong ngành cần có sự trao đổi thường xuyên với các doanh nghiệp để tạo ra những chính sách, giải pháp kịp thời, phù hợp với bối cảnh mới.

Nhiều người cho rằng, du lịch Việt Nam chỉ có thể phục hồi khi đón được du khách quốc tế. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Thành công của Việt Nam trong việc phòng, chống đại dịch Covid-19 thời gian qua là nền tảng, cơ sở rất tốt để chúng ta mở cửa thị trường quốc tế, nhưng yếu tố an toàn cho người làm du lịch và khách du lịch phải được đặt lên hàng đầu. Theo tôi, cách tốt nhất

là phải tạo ra một số mô hình thử nghiệm và đánh giá mức rủi ro về mặt y tế và cả kinh tế. Nếu hiệu quả thì mới nhân rộng mô hình và chính thức mở cửa du lịch quốc tế.

Khoảng 3 - 4 năm sau nhìn lại giai đoạn hiện nay, chúng ta sẽ thấy, quốc gia nào có những giải pháp căn cơ, cách thức tiếp cận hợp lý sẽ chiếm được lợi thế cạnh tranh so với với khu vực và thế giới. Tôi tin rằng, Việt Nam cũng có cơ hội trở thành một trong những nền du lịch đứng đầu Đông Nam Á và châu Á với những hành động quyết liệt hôm nay.

Tin liên quan
Tin khác