Lực lượng chức năng kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại cơ sở kinh doanh |
Nguy cơ hiện hữu
Đền Đức Thánh Cả (Ứng Hòa, Hà Nội) những ngày đầu năm mới luôn tấp nập du khách đến lễ, cầu may, du xuân. Khu vực phía ngoài Đền, hàng quán mọc lên như nấm, từ những quán khang trang đến những gánh hàng rong tạm bợ. Đặc điểm chung của những quán ăn ở khu vực này là thực phẩm không được che đậy hay bảo quản kỹ càng, tất cả đều được “phơi” ra để mời gọi du khách.
Mục sở thị một quán bún ốc nằm cạnh cổng Đền Đức Thánh Cả, phóng viên nhận thấy, cơ sở không bảo quản thực phẩm tươi sống trong tủ chuyên dụng. Tại khu vực vệ sinh, rau xanh, củ quả để dưới đất; hàng trăm chiếc bát, đũa, thìa chưa rửa... Ở khu vực bàn ăn, thực khách “vô tư” xả thức ăn thừa, giấy ăn xuống nền đất, do nhà hàng không bố trí thùng rác tiện dụng.
Cá biệt, tại một số cửa hàng, người bán hông đeo găng tay khi lấy đồ ăn, vừa bốc thực phẩm sống để chế biến món ăn, rồi lại bốc sang thực phẩm chín, rất mất vệ sinh, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa có công văn gửi Sở Y tế một số tỉnh, thành phố về việc tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm mùa lễ hội xuân 2022.
Theo yêu cầu của Bộ Y tế, các địa phương tăng cường kiểm tra bảo đảm an toàn thực phẩm tại các lễ hội, sự kiện lớn trên địa bàn, bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố phục vụ nhân dân, du khách; thực hiện xử lý vi phạm và công khai cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm theo quy định.
Còn tại các khu vực gần đền Quán Thánh, phủ Tây Hồ (Hà Nội) xuất hiện nhiều quán ăn vặt bán rong hai bên đường như kẹo bông, bò bía, bánh tráng trộn, bánh mì… bày bán ngay trên vỉa hè, trước cổng đền, chùa…
Theo bà Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, việc thực phẩm được bày bán “lộ thiên”, dụng cụ ăn uống không được vệ sinh sạch có thể khiến thực khách mắc bệnh tiêu chảy, nhiễm khuẩn E.coli, lao phổi, viêm gan… Do vậy, những người kinh doanh, buôn bán thực phẩm ăn uống tại các lễ hội cần nhận thức được tầm quan trọng của việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm với sức khỏe người tiêu dùng và kinh doanh có đạo đức.
PGS-TS. Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (Trường đại học Bách khoa Hà Nội) lưu ý, những thực phẩm có nguồn gốc động vật, giàu đạm, dầu như thịt, hải sản, sữa rất dễ bị ôi thiu, chỉ cần sơ suất nhỏ trong chế biến, bảo quản là vi khuẩn phát triển. Bởi vậy, ý thức của người bán cần được nâng cao để tránh cho du khách các nguy cơ ngộ độ thực phẩm.
Khó bảo đảm ý thức nếu thiếu chế tài
Đề cập vấn đề kiểm soát an toàn thực phẩm tại các lễ hội, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho hay, qua công tác thanh tra, kiểm tra, nhìn chung, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm tại các lễ hội năm nay đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, do tính chất thời vụ, nên việc kinh doanh mặt hàng ăn uống tại các lễ hội vẫn thể hiện sự tạm bợ, lộn xộn, công tác vệ sinh chưa đảm bảo.
Do vậy, Bộ Y tế đã yêu cầu các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ sở bán hàng ăn trong mùa lễ hội phải ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm và đáp ứng những điều kiện bắt buộc, đó là khu vực chế biến và dụng cụ chế biến thực phẩm phải sạch sẽ; có nguồn nước hợp vệ sinh để rửa bát đũa; có tủ bảo quản thực phẩm; thực phẩm phải chứng minh được nguồn gốc.
Ngoài ra, theo lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm, cơ quan này sẽ tập trung kiểm tra, giám sát các cơ sở cung cấp thực phẩm, chế biến phục vụ ăn uống, kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, nguồn nước, dụng cụ, trang thiết bị, lưu mẫu thức ăn, lấy mẫu thực phẩm phân tích các yếu tố nguy cơ gây bệnh đường tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm và công tác vệ sinh của các nhân viên phục vụ.
Bên cạnh việc giám sát, theo ông Phong, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm các tỉnh, thành phố cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân biết về cách chọn mua, chế biến, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm an toàn.
Một số chuyên gia chỉ ra rằng, không chỉ ở các lễ hội, mà nói chung, khi sử dụng thực phẩm, người dân vẫn chưa thực sự giám sát được việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm, trong khi sự minh bạch thông tin là “xương sống”, “thước đo” chất lượng.
PGS-TS. Nguyễn Duy Thịnh nhấn mạnh, đã đến lúc người dân cần có thêm quyền tham gia giám sát nguồn gốc thực phẩm, nhưng chỉ giám sát thôi thì chưa đủ. Người tiêu dùng cần có thêm các kênh mạnh mẽ hơn để sử dụng quyền lựa chọn, hay tẩy chay sản phẩm, hơn là chỉ phản ứng giận dữ trên mạng xã hội.
Theo chuyên gia, nên công khai thường xuyên tên của các cơ sở và tên các chủ cơ sở vi phạm để người dân không sử dụng sản phẩm của các cơ sở này nữa. Đặc biệt, cần đưa vào hồ sơ quản lý cơ sở vi phạm và hồ sơ này phải liên thông rộng rãi, để tránh tình trạng cơ sở bị phạt ở quận này có thể dễ dàng đổi tên, “chạy” sang quận khác.
Về phía người dân, theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), người dân nên hạn chế sử dụng thức ăn đường phố bởi những thức ăn này thường không được bảo quản tốt, mầm bệnh dễ sinh sôi.
“Người bị ngộ độc thực phẩm với các triệu chứng như buồn nôn, đau bụng cần đến cơ sở y tế sớm, không nên tự ý dùng thuốc. Nếu đến muộn, cơ thể mất nước, nhiễm độc nặng có thể dẫn tới suy đa tạng, nguy hiểm tới tính mạng”, bác sĩ Trung Nguyên khuyến cáo.
Mùa lễ hội đầu năm đang diễn ra, những bất cập về an toàn thực phẩm rất cần được các cấp, ngành liên quan chỉ đạo, kiên quyết xử lý để khắc phục, thiết thực tạo ra những lễ hội vui tươi, an toàn.