- Sahra Nguyễn, nhà sáng lập Nguyen Coffee Supply: Đòi lại “công bằng” cho hạt cà phê Robusta Việt Nam
- Highlands Coffee chi gần 500 tỷ xây nhà máy cà phê rang xay mới tại Vũng Tàu
- Tú Vũ, nhà sáng lập refined. Coffee: Khát khao thay đổi định kiến về cà phê Robusta của Việt Nam
- The Coffee House mở lại chi nhánh Signature tại quận 7
Làm mới cái cũ
Sinh ra và lớn lên tại vùng đất cà phê, thế nhưng với Phạm Hoài Nguyên Anh, cái duyên với cà phê lại đến rất muộn, nhưng sự muộn ấy lại làm cho CEO Công ty TNHH MTV Anh Coffee có một cách làm cà phê khác biệt hơn những thương hiệu cà phê khác.
Vị CEO sinh năm 1990 kể, cũng như bao đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở vùng đất Tây Nguyên, anh gắn liền với cây cà phê. Nhưng thực sự, anh lại không mặn mà với cà phê. Chỉ tới khi bước chân vào giảng đường đại học, là một sinh viên chuyên ngành Luật Kinh tế (Trường Ðại học Tây Nguyên) khi đó phải thức học bài, cùng bạn bè đi uống cà phê anh mới bắt đầu thích thú với loại đồ uống đặc sản quê mình.
Để rồi, cứ cuối tuần được nghỉ học, theo bạn cùng phòng về nhà, cùng làm nương, rẫy hít hà mùi hương hoa cà phê, ngắm nhìn những quả cà phê bắt đầu chín mọng và thu hoạch. Tự tay làm cà phê để uống... anh bắt đầu yêu mến và quyết tâm khi ra trường sẽ chọn cà phê để khởi nghiệp.
Nhưng để thực hiện giấc mơ làm chủ một thương hiệu cà phê thì đâu có dễ, bởi năm 2012 khi chính thức ra trường, Phạm Hoài Nguyên Anh bắt đầu tìm hiểu thị trường, tìm hiểu các hãng cà phê, và nhận ra mỗi hãng cà phê, mỗi loại cà phê bán ở thị trường đều có một cái chung của mùa vụ và ít có sự đặc biệt riêng.
"Cộng thêm năm 2012, thị trường cà phê rang xay và cà phê mang đi bùng nổ khắp các tỉnh thành. Khi đó, các thương hiệu cà phê mới đua nhau xuất hiện ra thị trường, cuộc cạnh tranh khốc liệt tới độ doanh nghiệp ra đời nhiều và sau một thời gian mất đi cũng lớn", CEO Nguyên Anh nhớ lại.
Và rồi, cách Nguyên Anh chọn là đi học hỏi thị trường để có thể tạo ra một thương hiệu cà phê ra đời mà không mất đi. Đó là anh chọn đi các vùng cà phê khác nhau của Việt Nam như Lâm Đồng, hay cả phía Bắc. Rồi đi nước ngoài, xem cách làm cà phê, cách ủ cà phê, cách rang cà phê và cả máy móc để có một sản phẩm cà phê ngon.
Ông chủ thương hiệu Anh Coffee Phạm Hoài Nguyên Anh không chỉ chú trọng chất lượng, hình thức sản phẩm cà phê mà còn trau chuốt hình ảnh cá nhân mỗi khi xuất hiện. |
"Công cuộc rong chơi học nghề của tôi kéo dài tới 4 năm, khi đã thử sản xuất ra loại cà phê của mình, nhiều lần thất bại, đổ bỏ, làm lại rồi tới khi cảm thấy đã mãn nguyện với dòng cà phê của mình thì cũng là lúc tôi quyết định thành lập Công ty TNHH MTV Anh Coffee vào năm 2016. Và Anh Coffee sẽ sản xuất và kinh doanh các sản phẩm cà phê nguyên chất 100%", CEO Nguyên Anh nói.
Nhiệm vụ của thương hiệu Anh Coffee khi ra mắt thị trường đó là chinh phục khách hàng trong và ngoài nước. Anh Coffee định hướng phát triển theo một tư duy cà phê vì sức khỏe. Chính vì vậy những sản phẩm của Anh Coffee được chế biến và sản xuất theo tiêu chuẩn khắt khe cùng với công nghệ tiên tiến, với mong muốn mang những giá trị mới về chất lượng và sức khỏe đến với người tiêu dùng.
Và rồi thương hiệu Anh Coffee bắt đầu có mặt trên thị trường từ TP.HCM, Tây Nguyên tới các thành phố lớn nhỏ khác nhau ở cả nước. Sau đó, Nguyên Anh bắt đầu hướng tới thị trường xuất khẩu. Tiếp đó, Phạm Hoài Nguyên Anh thực hiện mục tiêu hiện tại của mình cho thương hiệu Anh Coffee trong năm 2024 là phát triển thị trường nhượng quyền thương hiệu tại các tỉnh thành trên cả nước với mô hình cà phê di dộng.
"Từ đầu năm tới nay, doanh nghiệp đã có nhiều hợp đồng nhượng quyền và dự kiến sẽ mở rộng chuỗi thương hiệu bất chấp nhiều khó khăn. Qua quá trình khảo sát phát hiện thị trường ngách này còn nhiều tiềm năng. Tuy nhiên bối cảnh nhiều khó khăn về nguyên liệu đầu vào cộng với sức cạnh tranh rất lớn trên thị trường buộc mình phải có lối đi riêng, mới mẽ”, Nguyên Anh cho biết.
Theo chủ thương hiệu này, mô hình “cà phê di động”, bán cà phê trên các xe tải, xe container vốn cũng được nhiều thương hiệu áp dụng nhưng phần lớn chưa thành không vì chưa tập trung chính vào chất lượng cà phê mà lại dàn trải các dòng sản phẩm ăn uống khác.
Vì vậy việc tự thiết kế, lắp ráp các dòng xe để phù hợp với thị hiếu người dùng trong sử dụng thay vì chỉ mua lại là cách mà chủ thương hiệu này sáng tạo. Đáng nói, theo Nguyên Anh lợi thế của cà phê “di động” là các chủ đầu tư nếu muốn có thể di chuyển điểm bán.
“Mô hình này giúp linh hoạt điểm bán vì nếu địa điểm ban đầu chúng ta chọn không phù hợp hoặc có sự biến động về lượng khách do yếu tố nào đó thì có thể di chuyển sang điểm khác”, CEO Anh coffee nói.
Đặc biệt, thương hiệu này còn có sự đảm bảo với đối tác về câu chuyện thu mua lại đến 80% (chưa trừ chi phí khấu hao) nếu kinh doanh không hiệu quả.
Cà phê tại Anh Coffee được thu hoạch và xử lý theo mô hình khép kín, kiểm soát nghiêm ngặt trong quá trình sản xuất. |
Hiểu được mỗi người sẽ có một “gu” uống cà phê riêng. Nguyên Anh quyết định sáng tạo ra những hương vị cà phê mới lạ để phù hợp hơn với nhiều người dùng. Hiện nay, công ty có đến 50 mã hàng làm ra từ các dòng cà phê.
Điểm nhấn quan trọng mà Cà phê Anh mang đến là “làn gió mới” về chất lượng cà phê cũng như sự sáng tạo những dòng cà phê hòa tan kết hợp với các loại nguyên liệu, như: cà phê hòa tan tinh chất sen dành cho phụ nữ, cà phê tinh chất matcha dành cho giới trẻ, cà phê tinh chất nhâm sâm dành cho lứa tuổi trung niên... Mặt khác, cũng làm ra từ nguyên liệu chủ đạo là cà phê, nhưng công ty có công thức phối trộn riêng giữa các hạt cà phê để cho ra các hương vị khác nhau, như: cà phê vị chuẩn vị hậu ngọt, cà phê vị đắng đậm hương thơm nồng nàn, cà phê vị mặn mà hương thơm dịu ngọt...
“Vì vậy, khi nhượng quyền thương hiệu, Anh Coffee cũng sẽ nắm bắt tâm lý từng khu vực trên cả nước để có công thức pha chế, hương vị cho phù hợp”, chủ thương hiệu này khẳng định.
Không chỉ nắm bắt gu khách hàng qua chất lượng sản phẩm, Phạm Hoài Nguyên Anh còn biết cách gây thu hút, hứng thú cho khách hàng bởi sự chỉn chu diện mạo, tươi mới mỗi khi xuất hiện.
Bởi với Nguyên Anh thì cà phê là loại thức uống tạo sự phấn khởi, giải tỏa stress cho người thưởng thức nên bản thân phải luôn tươi mới. Ai nhìn vào mình cũng cảm nhận, lan toả được năng lượng tích cực, thần thái lạc quan, dù trong hoàn cảnh nào, như hoa nở trong giông bão.
Lắng nghe "gu thượng đế"...
Cách đây 3 năm, Phạm Hoài Nguyên Anh được Trung ương Hội doanh nhân trẻ Việt Nam, Trung ương Hội LHTN Việt Nam (Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) khen tặng vì thành tích khởi nghiệp xuất sắc. Điểm nổi bật để nhận danh hiệu là việc doanh nhân này đã xây dựng thương hiệu vững mạnh dựa trên dữ liệu về sở thích, hành vi tiêu dùng, cá nhân hóa đặc điểm hương vị cà phê theo từng phân khúc, khách hàng để kinh doanh hiệu quả.
“Mỗi khách hàng đều có gu thẩm mỹ, sở thích riêng. Nếu ta thấu hiểu và tôn trọng sự khác biệt ấy sẽ phục vụ được khách hàng tốt hơn. Đổi lại, họ sẽ càng yêu mến, ủng hộ ta lâu dài”, Giám đốc Cà phê Anh tâm sự.
Và, để thấu hiểu thượng đế của mình, vị doanh nhân trẻ quyết định lăn lộn ra thị trường, lắng nghe gu thưởng thức của từng tệp khách hàng, thậm chí, mở cửa nhà máy cho du khách trải nghiệm cà phê miễn phí “3 không”: Không bắt buộc mua hàng; không phải trả phí nước uống, du khách được uống cà phê thoả thích; không thu vé tham quan. Trước khi pha cà phê, ông chủ thương hiệu này thường hỏi khách hàng 3 điều (hương, vị, cách dùng) và lưu lại thói quen thưởng thức sau khi phục vụ một ly cà phê ngon cho khách. Nhờ đó, đến nay, Cà phê Anh không chỉ có 50 mã hàng mà còn có 7 dòng sản phẩm theo sở thích từng tệp khách hàng.
"Kinh nghiệm trên được mình rút ra trong ngày đầu đưa sản phẩm ra thị trường. Mình cũng làm mẫu đẹp, trưng bày đẹp, pha chế cũng ngon nhưng sao doanh số lại thấp? Đi chào hàng, đối tác hỏi sản phẩm có gì khác biệt trong rừng thương hiệu? Có khách bảo thích uống cà phê như thế này, chứ không phải theo công thức chung… Đó là những câu hỏi khiến mình thức tỉnh”, doanh nhân 9X cho hay.
...để chen chân vào thị trường
CEO Phạm Hoài Nguyên Anh cho biết, cái khó đầu tiên đối với một startup khi quyết định chen chân vào phân khúc nhượng quyền thương hiệu đang nhiều cạnh trạnh như hiện nay là thương hiệu còn nhỏ, chưa nhiều người biết đến. Trong khi các ông lớn khác đã có sẵn thị phần.
Kho xưởng của Cà phê Anh đặt tại KCN Tân An, TP. Buôn Mê Thuột. |
Đồng thời, giá cà phê nguyên liệu liên tục tăng kỷ lục khiến người dân, thương lái thu mua không bán ra hoặc bán ra nhỏ giọt cộng thêm không thể tăng giá với người dùng khiến doanh nghiệp phải có cách tính toán, cân đối cho hợp lý.
“Mô hình cà phê ki ốt giúp hạn chế chi phí mặt bằng bởi tính tiện lợi, nhỏ gọn cộng thêm kinh nghiệm thu mua sẵn có nhiều năm, cập nhật tình hình giá cả thị trường và sẽ thu mua trước khoảng tầm 1 tháng để trữ sẽ giúp doanh nghiệp giải quyết bài toán chi phí thậm chí có thể chấp nhận câu chuyện giảm lợi nhuận bước đầu và điều chỉnh cho phù hợp”, Nguyên Anh kể về cách vượt qua thử thách giai đoạn đầu.
Đồng thời, với mục tiêu nâng tầm cà phê Việt, bên cạnh trở thành thương hiệu cà phê chế biến ướt, cà phê hữu cơ từ thiên nhiên và với mục đích chú trọng đến giá trị sức khỏe người tiêu dùng có tiếng trên thị trường.
Nói về định hướng sắp tới của Anh Coffee, Phạm Hoài Nguyên Anh cho biết, mình đã có định hướng tầm nhìn trong năm 2025 đó là nhượng quyền thương hiệu ra nước ngoài, thiết lập các chuỗi quán nhượng quyền đầu tiên tại Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc và Campuchia… đồng thời tiếp tục phát huy những thành công đã đạt được để mang tới khách hàng những lợi ích hấp dẫn, dài lâu.
Để thực hiện mục tiêu đề ra, Nguyên Anh cho biết hiện doanh nghiệp cũng đang đầu tư nhà máy chế biến khoảng 1.000m2 với mức đầu tư 5 tỷ đồng tại Khu công nghiệp Tân An tỉnh Dak La nhằm tăng công suất từ 1 cont/tháng lên 10 cont/tháng và còn nhiều dự định đầu tư mở rộng trong thời gian tới.
Đồng thời, cha đẻ thương hiệu Anh coffee cũng đề xuất mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ phía các cơ quan chức năng nhất là các chính sách ưu đãi về vốn vay để doanh nghiệp có thêm nguồn lực trong đầu tư, mở rộng kinh doanh.