Hà Nội có gần 10.000 công trình xây dựng không phép, sai phép
Tính đến ngày 30/11, Sở Xây dựng Hà Nội đã phát hiện thành phố có hơn 7.326 công trình xây không phép, hơn 2.294 công trình xây sai phép.
Hà Nội có 385 căn hộ chung cư mini bị đưa vào diện có nguy cơ cháy nổ cao. Ảnh: Ngọc Thành |
Sở Xây dựng cũng đã “điểm mặt, chỉ tên” một số địa phương có tình trạng vi phạm trật tự xây dựng nổi cộm. Cụ thể, huyện Đông Anh có 5.795 công trình không phép; quận Hai Bà Trưng có 855 công trình không phép, 15 công trình sai phép, đang rà soát 756 công trình khác; quận Nam Từ Liêm có 559 công trình xây dựng sai phép, đang rà soát 588 công trình; quận Cầu Giấy có 433 công trình xây dựng sai phép; quận Thanh Xuân có 353 công trình xây dựng sai phép, đang rà soát 3.241 công trình; quận Ba Đình có 268 công trình xây dựng sai phép, 1.681 công trình đang rà soát…
Bên cạnh đó, Sở Xây dựng cũng đề xuất UBND TP. Hà Nội xem xét, chỉ đạo phê bình nghiêm khắc UBND các quận, huyện, bao gồm Hà Đông, Thanh Oai, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Phú Xuyên, Hoài Đức, Long Biên vì đã chậm báo cáo, chưa thực hiện nghiêm chỉ đạo của thành phố theo kế hoạch.
Huyện Mê Linh khởi công 2 dự án nhà ở xã hội
Mới đây, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị đã khởi công dự án nhà ở xã hội CT 05 (Lilya Garden) và CT 06 (Mimosa Garden) tại khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 (HUD Melinh Central).
Phối cảnh dự án. Ảnh: HUD |
Đúng như tên gọi, 2 dự án mới sẽ tọa lạc tại xã Thanh Lâm và Đại Thịnh, huyện Mê Linh (Hà Nội). Khi được hoàn thiện, dự án sẽ cung cấp ra thị trường 280 căn hộ với tổng diện tích sàn 28.186 m2. Theo chia sẻ của chủ đầu tư, các căn hộ tại đây có diện tích dao động trong khoảng 57,5 m2 - 66,5 m2. Thời gian mở bán dự kiến sẽ rơi vào quý II/2024.
Hiện giá bán căn hộ vẫn chưa được tiết lộ. Tuy nhiên, các dự án nhà ở xã hội thường có mức giá dưới 20 triệu đồng/m2.
3 dự án bất động sản được gỡ vướng tại TP.HCM
Trong năm 2023, UBND TP.HCM cho biết tổ công tác của thành phố đã tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho 3 dự án đầu tư trên địa bàn, bao gồm dự án khu phức hợp Sóng Việt, dự án nhà ở xã hội của Công ty cổ phần VTHouse và Công ty cổ phần Tâm Giao, dự án của Công ty TNHH Nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam.
Hiện vẫn còn 12 dự án được các sở, ngành rà soát, thực hiện theo chỉ đạo của UBND TP.HCM, gồm dự án tại số 3A - 3B Tôn Đức Thắng, dự án căn hộ Lê Thành Tân Tạo 2, dự án khu nhà ở thấp tầng Tâm Đại Thành, tổ hợp cao ốc thương mại dịch vụ văn phòng và căn hộ tại đường Ba Tháng Hai...
Với 41 dự án không đáp ứng điều kiện có quyền sử dụng đất ở để được chấp thuận chủ trương đầu tư làm nhà ở thương mại, thành phố đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các nhà đầu tư nghiên cứu thay đổi mục tiêu từ đầu tư nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án nhà ở thương mại.
70% môi giới bất động sản đã bỏ nghề
Theo thống kê từ Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), có đến 70% môi giới bất động sản đã chuyển nghề hoặc rời bỏ ngành trong thời gian gần đây. Trước đó, số lượng môi giới hoạt động trong lĩnh vực này đạt khoảng 300.000 người. Tuy nhiên, hiện con số này chỉ còn khoảng 100.000 người.
Khi "cơn sốt" đất đi qua, nhiều môi giới viên đã không còn mặn mà với nghề. Ảnh: Thanh Vũ |
Ông Trần Văn Bình, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VARS, cho biết trong năm 2023, nhiều doanh nghiệp và môi giới viên “dứt áo” rời ngành do tác động tiêu cực từ thị trường. Ngay cả với những người còn bám trụ với nghề, họ vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức lớn.
Theo đó, sự cạnh tranh khốc liệt cùng với nguồn cung thị trường khan hiếm làm cho giao dịch bất động sản trở nên phức tạp hơn. Những áp lực này đòi hỏi môi giới phải nâng cao kỹ năng của mình, đặc biệt là khi Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản đang từng bước thay đổi cuộc chơi.
Cụ thể, quy định mới đã cho phép người nước ngoài tham gia kinh doanh bất động sản tại Việt Nam, làm tăng thêm tính quốc tế và đa văn hóa của ngành. Nếu các môi giới không nâng cấp, tự làm mới bản thân, họ có thể tiếp tục đối mặt với nguy cơ bị đào thải.
Hải Dương có thêm khu công nghiệp 2.000 tỷ đồng
Mới đây, Công ty cổ phần đầu tư Trung Quý – Bắc Ninh đã khởi công xây dựng khu công nghiệp Phúc Điền mở rộng tại xã Vĩnh Hưng, huyện Bình Giang (Hải Dương). Dự án có quy mô 235,6 ha và tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng.
Với thời gian hoàn thành trong 36 tháng, định hướng hoạt động của khu công nghiệp sẽ thu hút các ngành nghề sản xuất hiện đại, công nghệ cao, công nghiệp sạch như điện, điện tử, logistics…