Sử dụng tài sản bị kê biên, tiền thu hồi nợ để khắc phục hậu quả
Ngày 1/10, phiên xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và các đồng phạm tiếp tục phần xét hỏi của các luật sư đối với các tài sản bị thu giữ của các bị cáo.
Do trước đó, bà Lan muốn xin lại 2 chiếc túi Hermes bạch tạng, nhưng cuối giờ chiều hôm qua lại muốn bán đấu giá 2 chiếc túi này, nên luật sư của bà muốn làm rõ bà muốn xin lại hay bán đấu giá?
Trước yêu cầu này của luật sư, bị cáo Trương Mỹ Lan trình bày, không muốn bán đấu giá nữa và cho rằng, 2 chiếc túi này dù có tiền cũng không mua được.
“Bị cáo có được 2 chiếc túi này là nhờ tên tuổi của Trương Mỹ Lan, Chu Lập Cơ. Đây là 2 túi kỷ niệm, xin Hội đồng xét xử cho xin lại. Bị cáo thấy nếu bán đấu giá sẽ rất lâu, như vậy không bằng bị cáo nói với con cháu đi kiếm tiền ở nước ngoài về chuộc lại. Chứ bây giờ, bị cáo thế này rồi, ai dám mua lại 2 cái túi ấy”, bà Lan nói.
Bị cáo Trương Mỹ Lan, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. |
Liên quan đến việc có người bí ẩn ở Mỹ muốn trả nợ khoản vay 250 triệu USD (chưa gồm lãi) mà bà Lan đã vay của một vài tổ chức tín dụng nước ngoài khi mua tòa nhà Capital ở 29 Liễu Giai (Hà Nội), đồng thời muốn cho bà Lan vay thêm 130 triệu USD để khắc phục cho các bị hại, bị cáo Lan cho rằng, nếu được như vậy thì quá tốt.
“Nếu có người bạn như vậy thì quá tốt, nên bị cáo mới nói luật sư Huyền Trang rằng, người bạn ấy hãy đến gặp bị cáo”, bà Lan trình bày.
Ngoài ra, bị cáo Lan còn nói thêm, bản thân có rất nhiều người bạn như thế này. Trong giai đoạn 1, có một nhóm tỷ phú thế giới muốn xin tiếp nhận Ngân hàng SCB để chịu trách nhiệm hoàn toàn đối với số tiền quy buộc bị cáo chiếm đoạt tài sản. Họ là những người sẵn sàng làm tất cả những dự án bị cáo giới thiệu. Có người hỏi bị cáo cần bao nhiêu tiền để giải quyết cho người dân. Lúc đó, bị cáo rất ngỡ ngàng.
Trước yêu cầu của luật sư Phan Trung Hoài về việc xác nhận và làm rõ các nguồn tiền chính yếu dùng để khắc phục hậu quả vụ án, bà Lan bày tỏ muốn sử dụng tiền ưu tiên khắc phục hậu quả cho người mua trái phiếu. Về nguồn tiền khắc phục, bị cáo đồng ý sử dụng tài sản bị kê biên, phong tỏa trong cả 2 giai đoạn và toàn bộ tiền thu hồi các khoản nợ của các tổ chức, cá nhân đối với bị cáo.
Khoản tiền này được bà Lan ước tính khoảng 21.000 tỷ đồng (trừ 1.500 tỷ đồng đã nộp khắc phục giai đoạn 1). Bị cáo Trương Mỹ Lan cho biết, toàn bộ là tiền mặt mà những người thiếu nợ bà mang đến tòa nộp. Còn về việc phân định ưu tiên sử dụng số tiền này như thế nào do Hội đồng xét xử xác định.
Đề nghị Ngân hàng SCB trả lại dự án 6A Bình Chánh và nhiều tài sản khác
Bị cáo cũng đề nghị Hội đồng xét xử buộc Ngân hàng SCB trả lại dự án 6A Bình Chánh cùng 65 tài sản khác mà SCB đang giữ.
Theo bà Lan, dự án 6A từng là một trong 5 tài sản đảm bảo để tái cơ cấu SCB từ những năm mới hợp nhất. Sau đó, do có nguồn tiền khác nên bà đã trả hết cho SCB, hiện không còn nợ. Tuy nhiên, tới thời điểm này, SCB vẫn đang giữ sổ đỏ của dự án.
Dự án 6A nằm cạnh khu dân cư Trung Sơn (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh). |
Luật sư cho biết hiện dự án 6A được Công ty Hoàng Quân định giá 16.540 tỷ đồng và bà Lan đồng ý với mức giá thẩm định này và muốn dự án này đền bù cho người dân.
“Bị cáo cũng muốn gửi lời đến Ngân hàng SCB, trái phiếu do SCB sử dụng, bị cáo không sử dụng nên muốn SCB trả lại dự án 6A cùng 65 tài sản khác. Bị cáo không dùng để hưởng thụ mà dùng trả cho người dân”, bà Lan nói.
Được biết, Dự án 6A nằm cạnh khu dân cư Trung Sơn (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) - khu vực có giá đất gần bằng các quận trung tâm TP.HCM. Khu dân cư Trung Sơn có các dự án bất động sản nhà ở thu hút giới đầu tư như Citizen Trung Sơn, Him Lam 6A, Hoàng Tháp Trung Sơn.
Hiện dự án 6A Trung Sơn mới chỉ đang là những khu đất trống, nhiều cây cối và ao hồ xung quanh. Khu đất đã được rào lại bằng những tấm tôn lớn cao khoảng 2m, tạo thành một con đường mòn để đi sâu vào khu đất này.
Dự án đã được giải tỏa đền bù 20 năm nay. Tuy nhiên vẫn còn khoảng 1 ha chưa được đền bù, nên trong khu đất vẫn còn người dân sinh sống với những căn nhà tạm bợ, nằm giữa những đám cây và ao nước.
Dự án này được đánh giá là một dự án tiềm năng khi có vị trí nằm trên trục đường Nguyễn Văn Linh (quận 7), gần các trường đại học như RMIT, bệnh viện, các trung tâm thương mại lớn. Từ đây, người dân có thể thuận lợi đi qua các quận trung tâm của thành phố như quận 1, quận 4, quận 5, quận 8.