Dự án Mũi Đèn Đỏ được phối cảnh hoành tráng, nhưng thực tế đang hoang phế. Dự án này được dùng làm tài sản đảm bảo cho hơn 130 khoản vay, tổng cộng hơn 584.000 tỷ đồng, trong khi giá trị thực chỉ khoảng 22.000 tỷ đồng. |
Bài 2: Mật lệnh “Madam” và liên minh “ma quỷ” nâng khống tài sản
Quyền lực của Trương Mỹ Lan lớn tới mức, nhân viên SCB chỉ cần nghe nói “hồ sơ của Madam” là hiểu phải làm thế nào. Nhận “chỉ thị” từ “Madam”, lãnh đạo SCB các thời kỳ đã gây dựng liên minh “ma quỷ” giữa SCB và các công ty thẩm định giá, tạo mắt xích quan trọng nhất trong dây chuyền nâng khống giá trị tài sản thế chấp của các công ty thuộc Vạn Thịnh Phát.
Chỉ đạo xây dựng liên minh
Nguyên tắc cho vay của ngân hàng là bên vay phải thế chấp tài sản và chỉ được vay tối đa 70% giá trị định giá. Bởi vậy, các công ty thẩm định giá và bộ phận tái thẩm định của ngân hàng là mắt xích quan trọng nhất trong quy trình.
Hiểu rõ điều này, sau khi “ban ghế”, “ban thưởng”, Trương Mỹ Lan đã “chỉ thị” riêng cho Tổng giám đốc và Phó tổng giám đốc SCB tìm kiếm, xây dựng liên minh với các công ty thẩm định giá.
Trong trường hợp gặp khó khăn về tiền để trả cho các khoản vay trước, “bà trùm” sẽ mượn tài sản, dự án của bạn bè, hoặc dự án, tài sản của mình để đưa vào SCB làm tài sản đảm bảo. Các tài sản này thường không đủ giá trị để đảm bảo cho số tiền vay, thì các lãnh đạo SCB phải chủ động phân công thuộc cấp thuê thẩm định giá nâng khống lên.
Lập tức, các lãnh đạo SCB trực tiếp, hoặc giao cho “tay chân” thân tín, như Lê Văn Chánh (Trưởng phòng Định giá và quản lý tài sản đảm bảo, SCB), Lê Anh Phương (Giám đốc chi nhánh SCB Sài Gòn), Bùi Ngọc Sơn (nhân viên Phòng Tái thẩm định, SCB) trực tiếp hoặc qua trung gian liên hệ với các công ty thẩm định giá gửi thông tin về tài sản, trị giá tài sản đảm bảo cần định giá theo yêu cầu của SCB.
Bùi Ngọc Sơn còn được Trần Thị Mỹ Dung, Phó tổng giám đốc SCB “lệnh” là phải đảm bảo giá trị để cho vay được theo yêu cầu của “Madam”. Tức là, tài sản đảm bảo chỉ là thủ tục hợp thức, nên ngoài việc nâng khống giá trị, thì cần có ngay chứng thư thẩm định giá để giải ngân ngay, còn việc hoàn thiện thủ tục thì… làm sau (quy trình ngược). Ngoài ra, Sơn cũng được làm đầu mối nhận kết quả thẩm định giá, thanh toán phí thẩm định giá.
Tóm lại, toàn bộ hồ sơ vay, thế chấp, định giá… đều do SCB làm, còn các công ty thẩm định giá chỉ việc ký và nhận thù lao. Người môi giới cho SCB và các công ty thẩm định giá cũng sẽ được thưởng.
“Bà trùm” còn giao nhiệm vụ cho Nguyễn Phương Anh (Phó tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula - công ty đứng tên chủ sở hữu Dự án Mũi Đèn Đỏ của Trương Mỹ Lan) là đầu mối phối hợp cùng các nhân vật “thân tín” tại SCB, khi có chứng thư thì lập các phương án vay vốn và gửi nhân viên SCB xây dựng các bộ hồ sơ khống, rồi chuyển về cho lãnh đạo SCB ký hợp thức và chuyển lại Phòng Tái thẩm định của SCB hoàn thiện thủ tục giải ngân.
Những cú bắt tay ngàn tỷ
Nhận “lệnh”, Lê Văn Chánh lập tức liên hệ và nhận được cái “gật đầu” của Lê Kiều Trang, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thẩm định giá E XIM (Công ty
E XIM, thành lập năm 2008). Không chỉ giữ chức Phó tổng giám đốc, Trang còn là thẩm định viên trực tiếp tiến hành thẩm định giá.
Cả hai thống nhất phương án, đối với các tài sản có cơ sở để điều chỉnh nâng giá lên theo đề nghị của Chánh, thì Trang điều chỉnh và tiến hành phát hành chứng thư; còn nếu không có cơ sở, Trang sẽ từ chối. Chi phí thẩm định được chuyển khoản, hoặc giao tiền cho thủ quỹ của Công ty E XIM.
Nhưng đa số các trường hợp, Trang đều điều chỉnh giá trị tài sản theo yêu cầu của Chánh. Trang đã ký 17 chứng thư hợp thức việc định giá tài sản bảo đảm cho 11 khoản vay khống để Trương Mỹ Lan rút tiền từ SCB, gây thiệt hại cho SCB hơn 1.500 tỷ đồng.
Không chỉ cấp dưới đi “săn”, đích thân Phó tổng giám đốc SCB Nguyễn Phương Hồng cũng tìm tới Trần Văn Nhị, Phó giám đốc Công ty TNHH Hãng kiểm toán ATC (Công ty ATC) nhờ tìm kiếm các công ty thẩm định giá cho SCB.
Nhị liên hệ và được Trần Thị Kim Ngân (Phó giám đốc Công ty cổ phần Thẩm định giá Thiên Phú (Công ty Thiên Phú, thành lập năm 2016) đồng ý hợp tác. Sau đó, Nhị nhận hồ sơ tài sản thẩm định giá, yêu cầu về giá trị, thời gian phát hành chứng thư từ SCB đã soạn sẵn, rồi gửi cho Ngân chỉ việc ký.
Ngân đã ký đại diện pháp luật để Công ty Thiên Phú phát hành 2 chứng thư hợp thức việc định giá tài sản bảo đảm cho 65 khoản vay khống để Trương Mỹ Lan rút tiền từ SCB, gây thiệt hại cho SCB hơn 127.000 tỷ đồng. Nhờ môi giới thẩm định giá tài sản cho SCB, Nhị được thưởng từ 1 đến 2 tỷ đồng tiền hoa hồng.
Nhưng, lãnh đạo và nhân viên SCB cũng không vất vả tìm kiếm nhiều, bởi các công ty thẩm định giá hay tin đã “đua nhau” tới “xin việc”.
Giữa năm 2020, Hồ Bình Minh (Phó giám đốc phụ trách kinh doanh Công ty Thẩm định giá MHD - Công ty MHD) cùng Trần Khánh Du (Giám đốc Công ty MHD) tìm đến SCB gặp Bùi Ngọc Sơn xin và được đồng ý thẩm định giá tài sản cho SCB.
Sau cú bắt tay, Hồ Bình Minh ký 1 chứng thư hợp thức việc định giá tài sản đảm bảo cho 3 khoản vay khống, gây thiệt hại cho SCB 15.523,7 tỷ đồng.
Hồ Bình Minh còn tìm tới Lê Huy Khánh (Phó giám đốc Công ty TNHH Thẩm định giá Tầm Nhìn Mới - Công ty Tầm Nhìn Mới) “mai mối” và cũng được đồng ý thẩm định giá tài sản cho SCB. Cả hai thống nhất cách thức, Hồ Bình Minh là người trao đổi, thống nhất với SCB, rồi gửi chứng thư thẩm định nâng khống giá trị tài sản qua Zalo hoặc Telegaram cho nhân viên Công ty Tầm Nhìn Mới do Khánh chỉ định. Sau khi các báo cáo chứng thư được hoàn thiện, sẽ in ra trên giấy A4 đã có sẵn chữ ký của Khánh, hoặc chữ ký giả chữ ký của các thẩm định viên, rồi gửi lại cho Hồ Bình Minh để chuyển cho SCB.
Dù Công ty Tầm Nhìn Mới chỉ bắt đầu hoạt động từ tháng 3/2022, nhưng theo đề nghị của Minh, Khánh đã ký phát hành các chứng thư, báo cáo thẩm định giá lùi thời gian về năm 2020, 2021 để hợp thức hồ sơ. Tổng cộng, Lê Huy Khánh đã ký phát hành 2 chứng thư thẩm định nâng khống giá trị tài sản, gây thiệt hại cho SCB 14.570 tỷ đồng.
Với “công sức” như vậy, Khánh được Minh thanh toán khoảng 100 - 200 triệu đồng. Còn Minh thì được Bùi Ngọc Sơn chi 7 - 8 tỷ đồng vì đã “liên kết” được với Công ty MHD và Công ty Tầm Nhìn Mới để hai công ty này phát hành chứng thư gửi cho SCB.
Một lời phản ứng, “công thần” cũng bay việc
Mai Văn Sáu Nhở làm việc tại SCB từ năm 2010, cũng là nhân sự khá “đắc lực” trong “dây chuyền” thẩm định giá. Từ ngày 10/9/2019 đến ngày 23/11/2020, với vai trò Giám đốc Phòng Tái thẩm định SCB, ông Nhở đã ký 225 tờ trình tái thẩm định đồng ý cho 143 khách hàng là các cá nhân, pháp nhân thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát vay 227 khoản vay tại SCB, có dư nợ không trả được tới hơn 146.000 tỷ đồng.
Thế nhưng, vào tháng 12/2020, ông Nhở cũng phải “sốc” khi nhận yêu cầu phải giải ngân khoản vay liên quan tài sản đảm bảo là Dự án Mũi Đèn Đỏ. Tài sản này còn dư nợ khoảng hơn 30.000 tỷ đồng, nhưng lại được định giá nâng lên gần 150.000 tỷ đồng để giải ngân ra hơn 100.000 tỷ đồng.
Thấy “đầy rủi ro”, ông Nhở vừa “phản ứng nhẹ” thì lập tức bị Trương Khánh Hoàng (quyền Tổng giám đốc SCB và Trần Thị Mỹ Dung, Phó tổng giám đốc SCB) cho nghỉ việc cùng 6 người khác.
Tại SCB, Ban Kiểm soát có chức năng rất lớn, có quyền kiểm tra toàn bộ hoạt động của ngân hàng. Nhưng, như lời nói đầy “cay đắng” của một nguyên Trưởng ban Kiểm soát SCB, thì thực tế, hoạt động của ban này đối với các hoạt động nói chung và hoạt động cấp tín dụng của SCB nói riêng luôn bị cản trở, không được các đơn vị liên quan tại Ngân hàng phối hợp.
Thế nên, dù Ban Kiểm soát có lên kế hoạch, thậm chí có kiểm tra, thì cũng chỉ là hình thức.
(Còn tiếp)