Điểm tham quan cánh đồng muối tại huyện ven biển Đông Hải (Bạc Liêu). Ảnh: Phan Thanh Cường |
Tăng cường quảng bá, xúc tiến, kích cầu du lịch
Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu, dịp lễ Quốc khánh 2/9 vừa qua, Bạc Liêu đón 70.000 lượt khách du lịch, tăng 5% so với dịp này năm 2022. Trong đó, có 1.125 lượt khách quốc tế; khách lưu trú đạt 17.200 lượt người; công suất phòng trung bình tại các cơ sở lưu trú du lịch đạt trên 70%. Ngoài ra, tổng thu từ các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch của tỉnh trong kỳ nghỉ này đạt khoảng 56 tỷ đồng, trong đó, doanh thu của nhà hàng - khách sạn đạt khoảng 22 tỷ đồng.
Cụ thể, các khu, điểm tham quan du lịch tập trung đông khách tham quan là Khu Quán âm Phật đài (trên 2.500 khách/ngày), Nhà thờ Tắc Sậy (trên 2.000 khách/ngày), Vườn nhãn (khoảng 2.000 khách/ngày), Quảng trường Hùng Vương (khoảng 2.000 khách/ngày), Nhà Công tử Bạc Liêu (trên 1.500 khách/ngày)… Đó là cơ hội để ngành du lịch cùng các địa phương kích cầu du lịch, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường…
Theo đánh giá của ngành du lịch tỉnh Bạc Liêu, trong những ngày nghỉ Lễ Quốc khánh vừa qua, mặc dù bị ảnh hưởng bởi mưa nhiều, nhưng dịp nghỉ lễ năm nay trùng với mùa Lễ Vu Lan, nên lượng khách, đặc biệt là khách nội địa, khách hành hương không giảm. Thêm vào đó, Sở đã ban hành văn bản chỉ đạo, quán triệt tới các doanh nghiệp, chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh đảm bảo an ninh, an toàn trong tổ chức các hoạt động du lịch dịp nghỉ lễ Quốc khánh, cũng như chủ động làm mới, xây dựng sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn, triển khai nhiều chương trình khuyến mại, gói dịch vụ đi kèm…, nhằm thu hút và tăng chi tiêu, thời gian lưu trú của du khách…
Đặc biệt, thời gian qua, ngành du lịch Bạc Liêu đã tích cực tham gia các sự kiện hội chợ, lễ hội về du lịch để giới thiệu, đăng cai tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch cấp khu vực, đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch như hội thảo, hội nghị chuyên đề về du lịch; hội chợ thương mại - du lịch các tỉnh, thành trong cả nước; các lễ hội, hội thi về du lịch; các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch cấp tỉnh, cấp khu vực và quốc gia, để khai thác và phát huy giá trị các công trình văn hóa, thể thao trên địa bàn Thành phố, qua đó quảng bá hình ảnh Bạc Liêu đến với du khách trong và ngoài nước.
Điểm sáng
Là huyện ven biển của tỉnh Bạc Liêu, Đông Hải có bờ biển dài 23 km, có 2 cửa sông lớn là cửa sông Gành Hào và cửa sông Cái Cùng đổ biển Đông. Huyện có 2.140 ha rừng phòng hộ ven biển và 3 nhà máy điện gió cùng cánh đồng muối trên 2.000 ha đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Bên cạnh đó, huyện còn có kè chống sạt lở ven sông và cửa biển Gành Hào bao quanh Khu đô thị Gành Hào, hứa hẹn là điểm du lịch sinh thái rất tiềm năng.
Không chỉ thế, Đông Hải còn có 3 di tích giàu ý nghĩa về lịch sử và văn hóa, gồm Di tích Nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Bạc Liêu ở ấp Rạch Rắn (xã Long Điền), được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là di tích cấp quốc gia; Di tích Đền thờ Bác Hồ ở ấp Cây Giang A (xã Long Điền) và Di tích Đình Nguyễn Trung Trực (xã An Trạch A) được UBND tỉnh công nhận là di tích cấp tỉnh.
Đồng thời, Hội chợ cũng là cơ hội để tỉnh giao lưu, trao đổi thông tin và tìm kiếm cơ hội hợp tác với các cơ quan, doanh nghiệp du lịch, các đơn vị lữ hành trong nước và quốc tế; thu hút các nhà đầu tư và khách du lịch trong và ngoài nước đến với Bạc Liêu.
Đặc biệt, Đông Hải còn được biết đến với nhiều lễ hội thu hút du khách về đây tham quan như Lễ hội Nghinh Ông truyền thống của ngư dân trong vùng, được tổ chức vào 10/3 (Âm lịch); có nhà trưng bày các loài thủy sản và bộ da cá Ông dài 10 m, đạt kỷ lục Guinness Việt Nam, đang trưng bày phục vụ du khách tại Lăng Ông Nam Hải (thị trấn Gành Hào)…
Để phát triển du lịch, thời gian qua, huyện đã quan tâm đầu tư, khuyến khích doanh nghiệp nâng cấp, mở rộng các cơ sở du lịch hiện có và triển khai mới các dự án về du lịch, nhất là các dự án về lưu trú, lữ hành, thương mại, vận tải; phát triển thêm nhiều sản phẩm du lịch cấp vùng về du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, hình thành các tuyến du lịch mới hấp dẫn và khuyến khích phát triển, nâng cấp các cơ sở dịch vụ du lịch chất lượng cao phục vụ du khách gắn với tăng cường bảo vệ môi trường. Bạc Liêu đang khẩn trương điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất để triển khai thực hiện Đề án Hạ tầng nghề muối, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho bà con diêm dân gắn với phát triển du lịch...
Trong khi đó, với quyết tâm xây dựng TP. Bạc Liêu trở thành trung tâm du lịch của tỉnh và khu vực ĐBSCL theo định hướng của tỉnh, du lịch TP. Bạc Liêu đang tích cực mời gọi đầu tư các dự án du lịch sinh thái như du lịch sinh thái gắn với tham quan điện gió; du lịch sinh thái Vườn chim Bạc Liêu; khu cầu dẫn và dịch vụ trên biển; xây dựng khu Giồng Nhãn trở thành khu du lịch cộng đồng trọng điểm của Thành phố gắn với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), với nhiều dịch vụ phong phú.
Đồng thời, TP. Bạc Liêu mời gọi đầu tư vào những khu vực có lợi thế về vườn cây ăn trái, đi đôi với hướng dẫn, hỗ trợ, phát động nhân dân cải tạo vườn tạp, trồng các loại cây ăn trái, cải tạo mặt nước ao hồ thẩm mỹ để thả nuôi các loại thủy sản và động vật có giá trị để phát triển các khu du lịch vườn, du lịch đồng quê…, tạo tiền đề phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch nông nghiệp.
Bên cạnh thu hút đầu tư, TP. Bạc Liêu sẽ tập trung vào việc nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, đa dạng hóa, hoàn thiện và nâng cao chất lượng phục vụ trong hệ thống khách sạn, cơ sở lưu trú, nhà hàng, dịch vụ vui chơi giải trí, mua sắm, chăm sóc sức khỏe… Phấn đấu năm 2023, TP. Bạc Liêu đón khoảng 3,5 triệu lượt khách, tăng 48,3% so với năm 2022, trong đó, có khoảng 1,3 triệu lượt khách sử dụng dịch vụ lưu trú, tăng 44,4% so với năm 2022. Doanh thu du lịch - dịch vụ phấn đấu đạt 3.600 tỷ đồng, tăng 56,5% so với năm 2022.
Định hướng phát triển sản phẩm du lịch tiêu biểu
Từ các giá trị về lịch sử, văn hóa, Bạc Liêu định hướng hình thành những sản phẩm du lịch đặc sắc, tạo nét riêng cho du lịch của tỉnh để tăng sức hấp dẫn du khách trong thời gian tới.
Thứ nhất, phát triển du lịch văn hóa gắn với khai thác giá trị của Bản Dạ cổ hoài lang của nhạc sĩ Cao Văn Lầu và Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ. Mục tiêu là tạo thành các sản phẩm trải nghiệm có sức hấp dẫn lớn đối với du khách trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa gắn liền với lịch sử ra đời Bản Dạ Cổ hoài lang, tìm hiểu về quá trình hình thành và phát triển của Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ - Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận. Tập trung khai thác có hiệu quả Khu Lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu - sản phẩm du lịch đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao đầu tiên của ĐBSCL.
Thứ hai, du lịch gắn với thương hiệu Công tử Bạc Liêu, với mục tiêu tạo thành các sản phẩm đặc thù hấp dẫn khách du lịch trên cơ sở khai thác các giá trị lịch sử gắn liền với nhân vật Công tử Bạc Liêu qua các giai thoại hấp dẫn.
Thứ ba, du lịch văn hóa tâm linh, với mục tiêu khai thác các giá trị văn hóa tâm linh để hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch có tính độc đáo và hấp dẫn, đặc biệt là tại các cơ sở tôn giáo có sức ảnh hưởng và tạo thành thương hiệu trong khu vực và cả nước như Quán âm Phật Đài, Nhà thờ Tắc Sậy, chùa Hưng Thiện, chùa Xiêm Cán, Thiền viện Trúc Lâm…, đồng thời tạo thành chuỗi liên kết sản phẩm du lịch với các khu, điểm du lịch khác của tỉnh và ĐBSCL.
Thứ tư, du lịch tham quan Quảng trường Hùng Vương và các công trình văn hóa, nghệ thuật xung quanh Quảng trường, với mục tiêu khai thác nét khác biệt đặc trưng của Quảng trường Hùng Vương và các công trình nghệ thuật, văn hóa xung quanh, đặc biệt là khai thác có hiệu quả Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật và Nhà hát Cao Văn Lầu.
Thứ năm, du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, các di sản văn hóa, nghệ thuật, các lễ hội truyền thống, văn hóa ẩm thực độc đáo của cộng đồng dân tộc Kinh, Khmer, Hoa. Trong đó, mục tiêu quan trọng là tập trung bảo tồn, phát huy và khai thác phát triển du lịch tại di tích lịch sử như Di tích cấp quốc gia đặc biệt Khu Căn cứ Cái Chanh, Di tích Kiến trúc Tháp cổ Vĩnh Hưng, Di tích lịch sử Đồng Nọc Nạng…, các lễ hội truyền thống như Dạ cổ hoài lang, Quán Âm Phật đài, Nghinh Ông…
Thứ sáu, tập trung khai thác du lịch thông qua các công trình hiện đại, thân thiện môi trường như khu điện gió trên bờ biển Bạc Liêu với quy mô lớn nhất nước; khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu với định hướng trở thành thủ phủ tôm của cả nước…
Bên cạnh phát triển các sản phẩm đặc sắc, ngành du lịch tỉnh đẩy mạnh chuyển đổi số, tích cực tham gia cùng các đoàn xúc tiến, liên kết các địa phương có ngành du lịch phát triển mạnh, các doanh nghiệp lữ hành lớn. Đồng thời, tổ chức các chuyến khảo sát, tham quan cho các đoàn khách của các tỉnh, các đơn vị lữ hành trong nước, các cơ quan thông tấn, báo chí tại các tuyến, điểm có tiềm năng, để trao đổi kinh nghiệm về quản lý và xúc tiến du lịch, nhất là đề ra các giải pháp đẩy mạnh phát triển, quảng bá, xúc tiến du lịch và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu du khách trong và ngoài nước.