Ông Lữ Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu (bên phải) kiểm tra và động viên lực lượng phòng chống Covid- 19 trên địa bàn |
Khởi sắc về tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế
UBND tỉnh Bạc Liêu đã ban hành Chương trình Xúc tiến đầu tư năm 2021 cụ thể, thiết thực thích ứng trong tình hình mới, trong đó, Danh mục Các dự án kêu gọi đầu tư năm 2021 tỉnh Bạc Liêu mời đầu tư vào 132 dự án ở nhiều lĩnh vực, với 7 dự án lĩnh vực công nghiệp, 11 dự án lĩnh vực nông nghiệp, 66 dự án ở lĩnh vực thương mại - nhà ở, 15 dự án lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, 23 dự án ở lĩnh vực kết cấu hạ tầng, 6 dự án lĩnh vực y tế - giáo dục và 4 dự án lĩnh vực môi trường.
Điều đáng phấn khởi là, do tình hình thời tiết khá thuận lợi tạo điều kiện cho ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh về nuôi trồng thủy sản phát triển tốt, nhiều mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ mới mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện có 7 công ty và 472 hộ dân thực hiện phát triển mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích 1.126,26 ha, năng suất bình quân 22,36 tấn/ha. Với diện tích nuôi trồng thủy sản hiện là 133.508 ha, ước thu hoạch 116.772 ha với sản lượng 112.884 tấn (trong đó tôm 58.197 tấn, cá và thủy sản khác 54.687 tấn), đạt 37,96% kế hoạch, tăng 8,25% so cùng kỳ.
Để tiếp tục thực hiện Đề án “Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước”, tỉnh đã hoàn thành hạ tầng kỹ thuật “Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu”, tuyển chọn được 9 doanh nghiệp đầu tư vào Khu và đang lập dự toán chuẩn bị đầu tư giai đoạn II. Mặc dù tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng của tỉnh ước đạt 342,49 triệu USD, đạt 38,66% kế hoạch, tăng 9,23% so cùng kỳ, nhưng Bạc Liêu vẫn tiếp tục đề xuất nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác, chế biến, tiêu thụ thủy sản năm 2021 theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Hoạt động thương mại và dịch vụ nội địa dù vẫn còn chịu ảnh hưởng của Covid-19, song ngay từ đầu năm, ngành công thương đã chủ động xây dựng kế hoạch đảm bảo cung - cầu hàng hóa, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và các hộ kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh thu mua, dự trữ hàng hóa; tiếp tục triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; tổ chức mạng lưới phân phối rộng khắp đến các vùng nông thôn đảm bảo chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường đặc biệt là trong dịp lễ, tết. Các siêu thị, doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ trên địa bàn tỉnh đưa ra rất nhiều hình thức khuyến mãi hấp dẫn để thu hút khách hàng với khối lượng hàng hóa đa dạng và phong phú. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ trên thị trường 6 tháng đầu năm ước 29.661,5 tỷ đồng, đạt 42,54% kế hoạch, tăng 15,09% so với cùng kỳ năm 2020.
Điều đáng ghi nhận là để ứng phó với những tác động tiêu cực do ảnh hưởng của Covid-19, các doanh nghiệp đã tái cơ cấu mô hình tăng trưởng, ngành hàng và xây dựng các mô hình kinh doanh theo hướng chủ động ứng phó. Đặc biệt, từng bước thiết lập và xây dựng nên những mô hình thích ứng để “sống chung” với dịch, thể hiện rõ nhất là lĩnh vực chế biến xuất khẩu thủy sản của tỉnh, để vừa duy trì thị trường truyền thống, vừa khai thác thêm thị trường tiềm năng.
Hoạt động đầu tư trong 6 tháng đầu năm nay, Bạc Liêu tập trung chủ yếu vào thi công các công trình chuyển tiếp từ năm trước, hoàn tất các thủ tục nghiệm thu, thanh toán khối lượng hoàn thành của năm 2020. Đồng thời, tập trung xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2021. Ngay từ đầu năm, tỉnh đã sớm thông báo vốn xây dựng cơ bản năm 2021 đến các chủ đầu tư để nhanh tiến độ thực hiện các dự án đang triển khai; thường xuyên kiểm tra thực tế, tổ chức họp định kỳ để kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Tính đến ngày 28/5/2021, giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 được 649,577/3.330,348 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 18,66%, ước 6 tháng đầu năm giải ngân được 812,835/3.330,348 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 24,41%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 6 tháng đầu năm ước 14.605,8 tỷ đồng, đạt 45,96% kế hoạch, tăng 16,02% so với cùng kỳ năm 2020 là những tín hiệu khả quan của tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh diễn biến khó lường.
Nhằm tập trung nguồn lực giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trên địa bàn, giữa tháng 6/2021, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu do ông Lữ Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy và ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đã đến hiện trường kiểm tra tiến độ thi công một số dự án công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn các huyện Hồng Dân, Đông Hải và thị xã Giá Rai. Qua khảo sát thực tế, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo chủ đầu tư phải tập trung giám sát và kiểm tra, đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công; chủ đầu tư và các sở, ban, ngành cần xử lý nghiêm các nhà thầu cố tình thi công chậm trễ, tập trung mọi nguồn lực để các dự án đường Giá Rai - Gành Hào, Giồng Nhãn- Gành Hào, Ninh Quới- Ngan Dừa và cầu Xẻo Vẹt hoàn thành, thông tuyến đúng tiến độ kế hoạch đề ra, tạo thuận lợi trong kết nối giao thông trong và ngoài tỉnh tạo sức bật phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh.
Chủ đầu tư và lãnh đạo các địa phương cần tập trung tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành quy định của pháp luật, phối hợp tổ chức đối thoại với các hộ dân, đưa ra các phương án chi trả, bồi thường đảm bảo hài hòa lợi ích cho người dân theo đúng pháp luật quy định nhằm sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Chủ đầu tư phải đôn đốc nhà thầu khi có mặt bằng sạch tới đâu, nhà thầu khẩn trương thi công đến đó, nếu nhà thầu chậm trễ thì cương quyết xử phạt theo quy định. Chủ đầu tư thường xuyên kiểm tra, đôn đốc nhà thầu thi công để công trình sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng theo đúng kế hoạch.
Cùng với những hoạt động trên, hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bạc Liêu, trên địa bàn tỉnh, nhiều doanh nghiệp, mạnh thường quân đã ủng hộ Quỹ phòng, chống Covid-19. Tính đến thời điểm này, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã tiếp nhận được hơn 45 tỷ đồng ủng hộ, đăng ký ủng hộ.
Quyết tâm chặn đứng Covid-19
Để thực hiện mục tiêu vừa phòng chống Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn theo chỉ đạo của Chính phủ và Chỉ thị 180/CV-TU của Tỉnh ủy Bạc Liêu về việc tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác phòng chống Covid-19 của tỉnh, UBND tỉnh Bạc Liêu đã chủ động triển khai nhanh và đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch. Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu yêu cầu các cấp, các ngành, đặc biệt là ngành y tế và chính quyền cấp cơ sở phải hết sức tập trung quyết liệt, triệt để và đề ra các giải pháp, kịch bản phòng chống Covid-19, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, phải phân công lực lượng ứng trực trên tinh thần sẵn sàng chiến đấu, “chống dịch như chống giặc”.
Đối với tình hình chung của các địa phương, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh đề nghị các địa phương trong thời gian tới phải tập trung làm tốt công tác tuyên truyền để người dân thực hiện thông điệp 5K của Bộ Y tế và khuyến cáo người dân không đi đến vùng có dịch. người dân trở về địa phương từ những vùng có dịch bệnh... Do đó, đề nghị các địa phương phải triển khai ngay công tác khai báo y tế đối với các đối tượng vừa từ ngoài tỉnh trở về. Khi có tình huống phát sinh thì phải quyết liệt, nhanh chóng triển khai công tác truy vết, khoanh vùng, dập dịch bất kể ngày đêm, kiên quyết không để tình hình diễn biến phức tạp, đồmng thời kịp thời báo cáo các cơ quan chức năng phối hợp xử lý ngay khi có dấu hiệu nguy cơ dịch bệnh.
Theo chỉ đạo của tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện trong tỉnh Bạc Liêu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra dịch bệnh trên địa bàn xuất phát từ các lỗi chủ quan, lơ là, thiếu trách nhiệm trong phòng chống dịch….Vận động người dân bình tĩnh và nâng cao ý thức trong công tác phòng chống dịch, nhắc nhở các cơ sở lưu trú, các cơ sở kinh doanh tự đánh giá mức độ an toàn trong công tác phòng chống dịch. Phải thực hiện nghiệm túc quy định 5K của Bộ Y tế. Đối với cán bộ, đảng viên, đi đến vùng có dịch sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định. Các địa phương cần tiến hành xử phạt nghiêm khắc các trường hợp không mang khẩu trang nơi công cộng; thực hiện nghiêm các công điện của Chính phủ, Bộ Y tế, không tập trung đông người… thực hiện nghiêm túc việc khai báo y tế khi đến từ các tỉnh khác. Thủ tướng Chính phủ đã giao trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác phòng chống dịch, nếu nơi nào chủ quan, lơ là để xảy ra dịch trong cộng đồng thì người đứng đầu phải chịu xử lý theo quy định của Đảng, Nhà nước, thậm chí phải chịu trách nhiệm hình sự.
Theo đánh giá của ngành chức năng tỉnh Bạc Liêu, hiện nay, dịch đang diễn biến rất phức tạp, song nhờ chủ động mọi mặt, lập hơn 70 chốt kiểm tra phòng, chống dịch, kích hoạt hệ thống phòng chống dịch từ tỉnh đến cơ sở, sự chỉ đạo vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống, cùng sự đồng thuận của cộng đồng khu dân cư, các khu, cụm công nghiệp… đã làm rất tốt công tác phòng chống dịch, tiếp nhận cách ly an toàn nhiều chuyến bay đưa người từ nước ngoài về, đồng thời không để dịch xảy ra trong cộng đồng, được Trung ương đánh giá rất cao.
Mỗi người một việc làm, một tấm lòng đã góp phần sức mạnh xây dựng thành trì chống giặc. Đợt dịch thứ 4 bùng phát lần này, những đấu pháp chống dịch đã khác, trong đó vắc-xin phòng bệnh là vũ khí giúp cộng đồng có thể “sống chung” lâu dài với dịch. Và cũng một lần nữa, sức dân trở thành nguồn lực quan trọng để chính quyền và người dân cùng đồng lòng thực hiện được đấu pháp này. Góp cho Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 không chỉ là thêm nguồn lực tài chính để mua vắc-xin nhằm hướng tới miễn dịch cộng đồng, mà còn là góp thêm niềm tin, sức mạnh ý chí để Bạc Liêu cùng cả nước vượt qua đại dịch, tạo điều kiện ổn định, phục hồi và tạo đà tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.