Doanh nghiệp
Bách hóa Xanh: Từ vị trí át chủ bài đến đánh mất niềm tin của người tiêu dùng
Duy Bắc - 29/09/2022 08:09
Thương hiệu Bách hóa Xanh trở thành thương hiệu có giá trị tăng trưởng mạnh nhất năm 2022, nhưng với lùm xùm gần đây đã đánh mất niềm tin của người tiêu dùng.
Cửa hàng Bách hóa Xanh đã giảm sút uy tín khi thực phẩm bày bán không đúng nguồn gốc xuất xứ. Ảnh: Lê Toàn

Giá trị thương hiệu tăng nhanh

Mới đây, Công ty định giá thương hiệu Brand Finance cho biết, chuỗi Bách hóa Xanh có tốc độ tăng trưởng giá trị thương hiệu nhanh nhất trong năm qua. Cụ thể, giá trị thương hiệu tăng 178% lên 279 triệu USD (khoảng 6.600 tỷ đồng), xếp trên cả tốc độ tăng giá trị thương hiệu của Novaland (tăng 132%), Kokomi (tăng 121%), Bảo Việt (tăng 116%), MBBank (tăng 113%)…

Được biết, trong đánh giá thương hiệu, một nhân tố được nhiều tổ chức đánh giá quan tâm và chiếm trọng số là cảm nhận của khách hàng, đối tác đối với thương hiệu. Việc thương hiệu Bách hóa Xanh tăng trưởng lớn nhất Việt Nam đồng nghĩa với việc được nhiều đối tác, khách hàng đánh giá cao.

Bách hóa Xanh ra đời năm 2015. Theo ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Thế giới Di động “Mô hình này được Ban lãnh đạo của Tập đoàn học tập theo 1 mô hình ở Indonesia, trong hành trình tìm kiếm thứ thay thế cho mảng công nghệ để tiếp tục đà tăng trưởng 2 con số của doanh nghiệp”.

Nhiều năm qua, Thế giới Di động liên tục phát đi thông điệp phát triển chuỗi Bách hóa Xanh gắn với uy tín và chất lượng. Cụ thể, bên cạnh việc tập trung mở rộng hệ thống, Thế giới Di động cũng chú trọng đến chất lượng sản phẩm tại chuỗi cửa hàng Bách hóa Xanh. 100% hàng tươi sống (rau, trái cây, thịt, cá…) đang bán tại hệ thống đều được kiểm tra nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng, có chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm và được kiểm tra chặt chẽ trước khi nhập và đưa đến tay người tiêu dùng. Các sản phẩm đều được nhập từ những nhà cung cấp uy tín.

Mặc dù đẩy mạnh mở rộng cửa hàng và tăng độ phủ ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, nhưng giai đoạn từ 2015 đến 2020, chưa năm nào Công ty đạt điểm hòa vốn EBITDA (lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao). Tuy nhiên, Thế giới Di động không báo cáo con số cụ thể về mức lỗ này. 

Tận dụng mùa dịch

Năm 2021, chuỗi Bách hóa Xanh là một trong số ít doanh nghiệp được mở cửa và kinh doanh trong mùa dịch. Đơn vị này báo cáo doanh thu đạt 28.216 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ, đóng góp tới 23% tổng doanh thu của Thế giới Di động. Trong đó, 45% doanh thu đến từ hàng tươi sống, hàng mát và hàng đông lạnh; 38% tổng doanh thu đến từ thực phẩm và đồ uống khác; 17% đến từ hóa mỹ phẩm và sản phẩm khác.

Lần đầu tiên EBITDA toàn công ty là số dương (công ty không công bố số cụ thể). Trong đó, 90% số cửa hàng hiện hữu có lời EBITDA toàn công ty.

Mặc dù đạt được kết quả kinh doanh khả quan, nhưng trong năm 2021, chuỗi Bách hóa Xanh cũng có nhiều tai tiếng. Trong đó, việc hàng loạt siêu thị Bách hóa Xanh tại TP.HCM đã tăng giá mùa dịch, không niêm yết giá, bán hàng quá hạn và đặc biệt, đã có một số cửa hàng bị xử lý trong thời điểm dịch ở các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Có thể thấy, triết lý kinh doanh của ông chủ Bách hóa Xanh lấy mục tiêu lợi nhuận là trên hết.

Lao dốc

Bước sang năm 2022, khi không còn hưởng lợi trực tiếp từ đại dịch, người tiêu dùng có nhiều lựa chọn thay thế và đặc biệt, hoạt động kinh doanh ở các chợ truyền thống đã khôi phục lại hoàn toàn, chuỗi cung ứng không còn gián đoạn, hoạt động kinh doanh của chuỗi Bách hóa Xanh ngay lập tức bộc lộ dấu hiệu lao dốc.

Theo Chứng khoán BVSC, chuỗi Bách hóa Xanh vừa trải qua quá trình tái cấu trúc khi thay đổi layout và đóng hàng loạt cửa hàng trong 6 tháng đầu năm 2022. Ước tính, chuỗi Bách hóa Xanh ghi nhận lỗ khá lớn, khoảng 1.130 tỷ đồng, làm giảm lợi nhuận ròng của Thế giới Di động trong 6 tháng đầu năm 2022.

Được biết, cuối năm 2021, chuỗi Bách hóa Xanh có 2.106 cửa hàng, nhưng đến ngày 22/9/2022 chỉ còn 1.740 cửa hàng (dữ liệu trên website bachhoaxanh.com), giảm 366 cửa hàng so với đầu năm, tương đương 17,4% số cửa hàng. Nếu nhìn rộng ra từ năm 2015 (thời điểm thành lập) đến năm 2021, chuỗi Bách hóa Xanh liên tục tăng số lượng cửa hàng. Nhưng bất ngờ trong năm 2022, số lượng cửa hàng lại có dấu hiệu giảm mạnh.

Có thể thấy, lợi nhuận giảm, liên tục thu hẹp số lượng cửa hàng so với thời điểm đỉnh dịch, cho thấy khó khăn của chuỗi Bách hóa Xanh sau 1 năm hưởng lợi khi người tiêu dùng không có lựa chọn thay thế.

Thêm nữa, mặc dù lợi nhuận đang suy giảm, nhưng chuỗi Bách hóa Xanh lại một lần nữa dậy sóng dư luận khi bị phát hiện bán rau Trung Quốc “đội lốt” VietGap.

Chuỗi cửa hàng này cho biết, đã thu hồi và ngừng bán toàn bộ mặt hàng của Đông A sau khi nhà cung cấp này bị cho là nhập nấm Trung Quốc về gắn mác VietGap. Bách hóa Xanh thừa nhận, ký hợp đồng với Đông A từ ngày 8/6, nhưng chỉ gồm mặt hàng nấm, chiếm tỷ trọng 3% tổng sản lượng mặt hàng này của chuỗi, song không có giải thích thỏa đáng đối với người tiêu dùng.

Được biết, thông điệp khi thành lập chuỗi Bách hóa Xanh là 100% hàng tươi sống (rau, trái cây, thịt, cá…) bán tại hệ thống đều được kiểm tra nguồn gốc, đảm bảo chất lượng, có chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm và được kiểm tra chặt chẽ trước khi nhập và đưa đến tay người tiêu dùng, các sản phẩm đều được nhập từ những nhà cung cấp uy tín.

Tuy nhiên, thực tế quá trình vận hành và kinh doanh của chuỗi Bách hóa Xanh lại liên tục đi ngược lại với thông điệp họ đưa ra.

Tin liên quan
Tin khác