Ban lãnh đạo Công ty cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam (HoSE: BAF) đưa ra ba nguyên nhân chính kéo tỷ suất lợi nhuận quý cuối năm 2021 tăng vọt bao gồm chọn đúng thời điểm mua nguyên liệu để có giá tối ưu, duy trì độ ổn định năng suất đàn lợn và giá bán thịt hồi phục.
Cụ thể, lợi nhuận gộp quý IV/2021 của doanh nghiệp này đạt hơn 140 tỷ đồng, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm liền kề trước đó (tương ứng biên lợi nhuận gộp ở mức 10,4%).
Đồng thời, trong năm ngoái, việc giảm tỷ trọng mảng thương mại các mặt hàng nông sản sang tập trung nuôi lợn theo mô hình khép kín đã giúp công ty cải thiện tỷ suất lợi nhuận nhờ giảm giảm giá thành cùng định phí thông qua duy trì ổn định đàn nuôi.
Do đó, dù doanh thu thuần quý cuối năm ngoái giảm gần 70% so với cùng kỳ năm 2020 nhưng BAF Việt Nam đã kéo giá vốn giảm xấp xỉ 73% cùng kỳ và giá vốn cả năm giảm 22% so với năm 2020.
Kết quả, công ty này lãi ròng 76,5 tỷ đồng trong quý IV/2021 và luỹ kế cả năm đạt 321,7 tỷ đồng; tăng lần lượt 370% và 602% so với cùng kỳ năm 2020.
Cơ cấu doanh thu cùng giá vốn các mảng sản xuất, kinh doanh của BAF Việt Nam năm ngoái và năm 2020 (Đvt: VNĐ). |
Tính đến cuối năm 2021, tổng tài sản của BAF Việt Nam tăng nhẹ lên hơn 5.450 tỷ đồng, với gần 80% là tài sản ngắn hạn.
Tiền và các khoản tương đương tiền tăng vọt lên gần 291 tỷ đồng từ mức 68 tỷ đồng hồi đầu năm bao gồm khoản tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn gấp hơn 4 lần với 260,5 tỷ đồng.
Ngoài ra, doanh nghiệp này ghi nhận thêm khoản đầu tư chứng khoán 65 tỷ đồng, thể hiện giá trị 2,6 triệu cổ phần tại Công ty cổ phần Cảng Quảng Ninh (UPCoM: CQN).
Tài sản dài hạn đến cuối kỳ vượt mốc 1.100 tỷ đồng, tương ứng tăng gần 98% so với đầu năm với khoản tăng mạnh nhất là tài sản cố định (gấp 2.5 lần) lên hơn 541 tỷ đồng.
Nhờ giảm khoản phải trả người bán ngắn hạn (hơn 760 tỷ đồng) nên tổng nợ phải trả của doanh nghiệp này đến cuối năm ngoái giảm 14,5%, chỉ còn khoảng 4.000 tỷ đồng.
Song, cả khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn cũng như dài hạn của BAF Việt Nam đều tăng so với đầu kỳ, với khoản tăng mạnh nhất là vay ngân hàng dài hạn lên gần 147 tỷ đồng (chiếm 90% vay và nợ thuê tài chính tính đến cuối năm).
Trong đó, khoản vay dài hạn lớn nhất được ghi nhận tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong- chi nhánh TP.HCM (gần 93,7 tỷ đồng).
Kết quả kinh doanh BAF Việt Nam giai đoạn 2019 -2021 (Đvt: tỷ đồng). |
BAF Việt Nam hiện có 12 công ty đều hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, một công ty liên kết được hợp nhất theo phương pháp vốn chủ với tỷ lệ sở hữu 43,2% là Công ty cổ phần Siba Food Việt Nam (chuyên kinh doanh bán lẻ) và một công ty liên doanh không được phản ánh trong Báo cáo với tỷ lệ sở hữu 21,47% là Myanmar BAF Joint Venture Company Limited.
Công ty liên doanh vừa nêu là khoản góp vốn liên doanh với Myanmar BAF Feed Farm Food Co., Ltd và Viet Agro Pte Ltd, hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, không được hợp nhất vào Báo cáo vì còn đang trong giai đoạn đầu tư.
Theo giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, BAF Việt Nam đầu tư ra nước ngoài hơn 2,2 triệu USD (với hơn 466.810 USD tiền mặt, gần 180.000 USD bằng giá trị máy móc/thiết bị và 1,6 triệu USD bằng hàng hoá).
Đến nay, doanh nghiệp này đã đầu tư gần 1,5 triệu USD; tương đương 34,6 tỷ đồng.
Diễn biến giá cổ phiếu BAF từ đầu tháng 12/2021 đến phiên cuối tháng 1/2022. |
Về cơ cấu cổ đông, ngay phiên đầu năm nay, Sibaholdings mua gần 16 triệu cổ phiếu của BAF Việt Nam và nâng tỷ lệ sở hữu từ 0 lên 20,5% vốn.
Cá nhân ông Nguyễn Văn Phú, Tổng giám đốc Sibaholdings nắm 0,08% vốn BAF Việt Nam còn ông Trương Đức Nam, kế toán trưởng Sibaholdings nắm 0,03% vốn.
Như vậy, tổng số lượng cổ phiếu Sibaholdings và người có liên quan đang nắm tại BAF Việt Nam là hơn 16 triệu cổ phiếu, tương đương 20,61% vốn điều lệ.
Về Sibaholdings, công ty được thành lập từ tháng 10/2021 và có trụ sở chính tại toà nhà Diamond Flower (Hà Nội) với ngành, nghề kinh doanh chính là tư vấn tài chính, kế toán, pháp luật.
Người đại diện công ty này là ông Trương Sỹ Bá. Đây cũng chính là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tân Long Group - doanh nghiệp sở hữu thương hiệu gạo, hạt điều A An,…