Thời sự
Bài học lớn về lắng nghe ý kiến người dân
Hữu Tuấn - 23/05/2015 09:29
Cuối cùng, Thanh tra TP. Hà Nội đã ban hành Kết luận thanh tra về việc cải tạo, thay thế cây xanh trên một số tuyến phố Hà Nội, vấn đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân cả nước gần đây. Nhiều hạn chế, sai sót của các cơ quan chức năng đã được nêu rõ và Thanh tra Hà Nội đã đề nghị kiểm điểm nghiêm túc các đơn vị có liên quan.

Sự việc được khép lại, song nó đã chỉ ra những bài học quý giá trong công tác quản lý đô thị. Bài học lớn nhất cần rút ra, theo ông Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, là bài học về tổ chức các vấn đề nhạy cảm, về việc lắng nghe ý kiến nhân dân.

Lý do khiến nhiều người dân không đồng thuận với việc thay thế cây xanh cũ, trồng cây xanh mới là các đơn vị chức năng như Sở Xây dựng khi xây dựng Đề án Cải tạo, thay thế cây xanh chưa xác định được đây là việc hệ trọng và nhạy cảm, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến cảnh quan, môi trường, mà còn tác động tới tình cảm, đời sống sinh hoạt của người dân.   

 

Vì thế, Sở Xây dựng chưa tranh thủ rộng rãi ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học, cộng đồng dân cư nơi chịu tác động ảnh hưởng. Công tác thông tin, tuyên truyền trước và trong quá trình thực hiện cải tạo, thay thế cây xanh chưa thực hiện tốt, chưa sâu rộng, nên chưa tạo được sự đồng thuận cao của người dân.

Bên cạnh đó, trong quá trình xây dựng Đề án Cải tạo, thay thế cây xanh đô thị hai bên đường Hà Nội giai đoạn năm 2014 - 2015, một số mục chưa nêu rõ tiêu chí để đánh giá, phân định các loại cây cần thay thế, số lượng cây nguy hiểm dễ đổ…, nên khi tổng hợp thành số liệu 4.500 cây là chưa cụ thể theo từng nội dung cải tạo, thay thế, khiến dư luận lo ngại về số lượng cây bị “chặt hạ” quá nhiều. Rất nhiều người dân chỉ biết các con số tóm tắt và cho rằng, đó là việc “chặt hạ”, “loại bỏ” cây xanh hàng loạt, gây bức xúc trong dư luận.

Việc xác định, ước tính chi phí cải tạo, thay thế cây xanh theo cách tính bình quân 10 triệu đồng/cây, bao gồm việc chặt hạ, dịch chuyển, trồng cây thay thế, cây bổ sung, chi phí bó vỉa gốc cây và hoàn trả vỉa hè cho toàn bộ 6.708 cây là không khoa học, chưa phù hợp với từng nội dung thực hiện cho từng loại cây, từng tuyến đường phố. Người dân không hiểu rằng, đây mới chỉ là khảo sát ban đầu và kinh phí khái toán để lập Đề án, còn khi triển khai thực hiện phải thực hiện đầy đủ các quy trình quy định về khảo sát, đánh giá xác định cây cần phải chặt hạ, cải tạo thay thế, trồng bổ sung, dự toán, thanh toán, quyết toán theo quy định.

Hay như việc thực hiện chặt hạ, thay thế, vận chuyển cây chủ yếu thực hiện vào ban đêm để không cản trở, ách tắc giao thông, đảm bảo theo quy định của Thành phố về thời gian hoạt động của ô tô tải trọng lớn từ 21 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau, nhưng Sở Xây dựng và các đơn vị thực hiện đã không chủ động thông tin, tuyên truyền, nên dư luận hiểu sai rằng, đó là làm vụng trộm, lén lút.

Rõ ràng, một việc lớn, ảnh hưởng đến tâm tư tình cảm, đến môi trường sống trực tiếp của người dân Thủ đô Hà Nội, nhưng công tác thông tin tuyên truyền chưa được thực hiện đầy đủ, làm cho dư luận hiểu lầm, gây bức xúc trong dân chúng.

Bên cạnh bài học lớn về lắng nghe ý kiến của nhân dân trước khi thực hiện những quyết sách lớn có ảnh hưởng đến đời sống, tình cảm của người dân, còn là bài học về xử lý khủng hoảng sau sự kiện.

Ngay sau khi dư luận bức xúc và nghi vấn, các cơ quan chức năng của Hà Nội rất chậm trễ trong việc tổ chức tuyên truyền sâu rộng để người dân hiểu và ủng hộ chủ trương cải tạo, thay thế cây xanh của Thành phố. Lợi dụng lúc dư luận, người dân chưa hiểu rõ vấn đề, một số đối tượng quá khích đã tổ chức gây rối, ảnh hưởng tới trật tự xã hội.

Những bài học về việc cải tạo, thay thế cây xanh ở Hà Nội vừa qua không chỉ có ý nghĩa riêng với Hà Nội, mà còn với tất cả các địa phương khác trong việc triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống, tình cảm của người dân.

Tin liên quan
Tin khác