Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà hồi âm ý kiến đại biểu tại phiên giải trình. |
Ngày 25/2, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức phiên giải trình “Về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông và tình hình tổ chức triển khai dạy học trong bối cảnh Covid-19”.
Theo thông tin được Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết tại phiên giải trình, tính đến tháng 5/2021, cả nước có 1.190.443 giáo viên. Trong đó, công lập 1.108.391, ngoài công lập là 82.052; biên chế 1.059.729, hợp đồng trong các trường công lập 48.662.
Tính đến thời điểm hiện nay, ngành giáo dục thừa 5.175 giáo viên tiểu học, 4.688 giáo viên THCS, 315 giáo viên THPT nhưng lại thiếu 94.714 giáo viên, trong đó thiếu 48.718 giáo viên mầm non, 20.210 giáo viên tiểu học, 14.653 giáo viên THCS, 11.133 giáo viên THPT.
Về chính sách của nhà nước, báo cáo của ngành giáo dục nêu khó khăn đầu tiên là thang bảng lương của nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục hiện nay chưa phản ánh đúng theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương II (khóa VIII) và Nghị quyết số 29-NQ/TW, lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng.
Việc áp dụng hệ thống thang bảng lương hiện hành chưa theo vị trí việc làm và tính chất mức độ phức tạp của công việc (chẳng hạn: giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học ở cùng một hạng có chung một bảng lương), trong khi mức lương cơ sở còn thấp so với lương tối thiểu. Do đó, bộ phận giáo viên trẻ có thu nhập thấp hơn lương tối thiểu vùng, trong khi họ phải tham gia đào tạo ít nhất 3 năm. Khoảng cách giữa các bậc lương còn thấp (0,20; 0,31; 0,33...) nên việc tăng lương chưa cải thiện nhiều thu nhập của giáo viên.
Về giải pháp thời gian tới, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nội vụ đề xuất xây dựng chính sách tiền lương mới, trong đó lương của nhà giáo sẽ được trả tương xứng tính chất mức độ phức tạp của công việc và đặc thù nghề nghiệp và không thấp hơn mức lương hiện hưởng, mặc dù trong xây dựng chính sách tiền lương mới, nhà giáo không có bảng lương riêng và phụ cấp thâm niên như hiện nay.
Liên quan đến mức lương thấp của nhà giáo, Cục trưởng Cục nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục Vũ Minh Đức (Bộ Giáo dục và đào tạo) nêu rõ: Đây là vấn đề từ nhiều nhiệm kỳ qua. Bộ giáo dục và đào tạo luôn mong muốn giáo viên phải sống được bằng lương và yên tâm công tác cống hiến cho ngành. Tuy nhiên thực hiện theo Luật viên chức nên xét các mức lương của giáo viên cũng phải theo quy định chung chứ chưa có thang bảng lương riêng với giáo viên. Vì thế, tổng thu nhập so với mức sống nhu cầu thì còn khó khăn.
Đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) bày tỏ băn khoăn về mức lương giáo viên mầm non, phổ thông còn thấp, đặc biệt giáo viên mới đi làm hệ số 2,1, tức chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng. Lương như vậy có thể là động lực để họ yên tâm sống được với nghề? Cử tri ngành giáo dục băn khoăn, khi thay đổi chính sách tiền lương thì giáo viên không còn phụ cấp thâm niên đứng lớp, liệu lương có được nâng lên đảm bảo theo Nghị quyết 29?
Giải trình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, so với mặt bằng lương của viên chức thì ngành giáo dục cao hơn. Nhưng với đặc thù của ngành, giáo dục đào tạo là “quốc sách hàng đầu” còn có bất cập.
Nhưng đây cũng là bất cập đối với tất cả cán bộ công chức viên chức nói chung và chúng ta hiện đang tạm lùi thực hiện chính sách cải cách chính sách tiền lương, bà Trà nói.
Vẫn theo Bộ trưởng nếu tăng lương theo lộ trình cho ngành giáo dục cần bình quân 800 tỷ đồng/năm là vấn đề khó khăn của nền kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19, vì vậy cần chờ chuyển động của nền kinh tế. Còn trong khi chưa thực hiện cải cách tiền lương thì cần xem xét hỗ trợ phụ cấp như các chỉ tiêu năm công tác, và ưu tiên cho giáo viên mầm non.
Bộ Giáo dục và Đào tạo thấy mức lương khởi điểm cho giáo viên mầm non là rất thấp nên Bộ cũng đã có kiến nghị về chính sách tiền lương đối với giáo viên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn nói.
Bên cạnh vấn đề tiền lương, ý kiến của đại biểu tại phiên giải trình là hiện nay biên chế của ngành mới giảm mà chưa tinh, vai trò tham mưu của hai bộ cho Chính phủ chưa quyết liệt nên việc sắp xếp bộ máy đạt kết quả thấp. Đại biều đề nghị phân tích rõ nguyên nhân, đưa ra giải pháp tổng thể, bền vững mang tính căn cơ để giải quyết triệt để tình trạng thừa, thiếu giáo viên.
Hồi âm ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, về giải pháp thì cần xem xét trên nhiều góc độ cả trung ương, bộ ngành và địa phương. Nếu không giải quyết sớm thì thiếu trầm trọng hơn vì mấy năm mới tuyển giáo viên một lần trong khi tuyển ít mà mỗi năm giảm 10% biên chế theo lộ trình. Trong khi dân số tăng và đang mất cân đối giữa các vùng.
Muốn chất lượng giáo dục nâng cao thì tỷ lệ học sinh phải giảm xuống, nhưng hiện nay khi mỗi năm học sinh tăng nửa triệu. Nếu như thế thì các giải pháp khác cũng chỉ là kỹ thuật và tình thế, ông Sơn nói.