Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tại phiên thảo luận. |
Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân phải đi vào chiều sâu, nói lên tiếng nói của cử tri và nhân dân.
Sáng 11/10, trong phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia ý kiến về dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ sáu của Quốc hội, khai mạc ngày 23/10 tới.
Theo thông lệ, đây sẽ là báo cáo được trình bày ngay trong phiên khai mạc kỳ họp, được phát thanh, truyền hình trực tiếp.
Bởi vậy, không chỉ về nội dung, mà cả về cách thể hiện, theo một số ý kiến tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng.
Dự thảo báo cáo tóm tắt gồm 5 trang (đầy đủ 14 trang) đề cập từ một số vấn đề chung đến một số lĩnh vực cụ thể, một số nội dung khác và 5 kiến nghị của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Phần vấn đề chung đề cập cảm nhận của cử tri kết quả và ý nghĩa rất quan trọng của Hội nghị Trung ương tám, khóa XIII, hoạt động của Quốc hội, Chính phủ.
Phần một số lĩnh vực cụ thể nêu cả đánh giá và băn khoăn, lo lắng của cử tri về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; về lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề; lĩnh vực y tế. chăm sóc sức khỏe nhân dân; công tác đối ngoại; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và lãng phí; lĩnh vực an ninh, trật tự.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, qua tiếp xúc cử tri và qua theo dõi dư luận, tình trạng bắt cóc trẻ em để đòi tiền chuộc diễn ra gần đây gây bức xúc trong cử tri và gây lo lắng trong nhân dân. Bà Nga đề nghị đưa kiến nghị này vào báo cáo và đề nghị các cơ quan chức năng sớm điều tra và xử lý thật nghiêm để phòng ngừa.
Ngoài ra, tình trạng lừa đảo trên mạng xã hội diễn ra khá phổ biến và cũng đã kéo dài từ nhiều năm nay. Đề nghị có giải pháp để ngăn chặn, lừa đảo thông qua mạng xã hội, bà Nga phát biểu.
Đồng ý với Chủ nhiệm Lê Thị Nga, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, báo cáo vẫn theo kết cấu truyền thống, cần xem xét những yếu tố mới để có tính hấp dẫn hơn. “Nhất là những vấn đề nhân dân quan tâm, đọc ở đây thì thấy cũng đúng, nhưng người dân nghe thì người ta bảo cái này là các bác nghĩ chứ không phải chúng em nghĩ. Chúng em nghĩ khác”, ông Cường góp ý.
Vì thế, theo Tổng thư ký Quốc hội, “cần phải rất cân nhắc để nói đúng tiếng nói của người dân và người ta thấy những tâm tư, tình cảm, mong muốn của họ là đời sống, việc làm, kể cả những vấn đề liên quan đến nông nghiệp, còn nhiều chuyện”.
Cho biết qua tiếp xúc, cử tri nêu những vấn đề hàng giả, hàng kém chất lượng liên quan đến phân bón, thuốc trừ sâu, ông Cường cho rằng báo cáo nên có “một số điểm quét” nói về tâm trạng, mong muốn, suy nghĩ của người dân, vấn đề khó khăn trong sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp gặp phải, vấn đề việc làm, đời sống.
“Bởi vì, đấy là báo cáo sẽ được truyền hình trực tiếp, người dân sẽ theo dõi và người dân thấy nói đúng ý của họ”, ông Cường phát biểu.
Theo Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân phải đi vào chiều sâu, nói lên tiếng nói của cử tri và nhân dân.
“Cách viết của báo cáo này cũng phải khác báo cáo của Đảng, của Nhà nước, nếu viết không khéo, cách hành văn cũng như báo cáo của Đảng, Nhà nước thì không phải là đặc thù là tiếng nói của cử tri và nhân dân”, ông Mẫn lưu ý.
Lấy ví dụ nội dung ở phần đánh giá chung, ông Mẫn nhận xét “các đồng chí lấy hầu như phần phát biểu bế mạc của Tổng Bí thư phát biểu tại Hội nghị Trung ương 8 vừa qua”. Phần này nên thể hiện gọn hơn, trọng tâm hơn, gần gũi với người dân hơn, ông Mẫn góp ý.
Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng, báo cáo nên đề cập trọng tâm, trọng điểm thành các nhóm vấn đề người dân quan tâm nhiều như về thu nhập, về việc làm, vay vốn, giá cả hàng hóa thiết yếu… Hay như tình hình cháy, nổ diễn biến phức tạp tháng 8/2023 vừa qua cũng là vấn đề được nhân dân quan tâm nhiều.
Tám tháng năm 2023 xảy ra 2.031 vụ cháy nổ, tăng tới 38%, làm chết 83 người, tăng 48%, ông Mẫn nêu con số đáng chú ý. Cạnh đó là tình hình tội phạm ma túy tăng cả về số vụ, số lượng, 10 tháng lực lượng công an các cấp đã phát hiện 24.272 vụ, tăng 8,42% so với cùng kỳ, ông Mẫn nói tiếp.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nêu 2 vấn đề khi đi tiếp xúc cử tri thấy cử tri nói nhiều, nhưng trong phần tổng hợp chưa thấy nêu rõ.
Thứ nhất, về học phí phổ thông quy định chung cho khu vực thành thị mức học phí tối thiểu là 300.000 đồng/tháng. “Đối với cư dân ở đô thị của nhiều tỉnh thì đấy là một mức cao, vấn đề dân sinh này liên quan đến đời sống của dân nên họ nói nhiều lắm”, ông Vinh phản ánh.
Thứ hai là giáo viên mầm non đi làm phải sớm hơn, về phải muộn hơn nhưng lương, thu nhập đang rất thấp và nếu không thay đổi kịp thời thì rất khó giữ chân họ, chưa kể khá đông giáo viên mầm non hiện nay đang ở chế độ hợp đồng.
“Vấn đề giáo viên mầm non chúng tôi đi tiếp xúc cử tri là họ nói nhiều lắm, cho nên cũng mong Mặt trận tổng hợp và góp thêm tiếng nói để các cơ quan chức năng tiếp tục quan tâm giải quyết vấn đề này”, ông Vinh phát biểu.