- Tin mới về y tế ngày 13/2: Gia tăng số ca trẻ em mắc bệnh đái tháo đường
- Sun Life công bố khảo sát về nhận thức đối với bệnh đái tháo đường
- Tăng cao bệnh đường hô hấp, tim mạch, đột quỵ vì giá rét
- Phòng ngừa bệnh tim mạch, đột quỵ khi trời rét
- Trước 5/12, có kết quả điều tra vụ mất điện tại Tân Sơn Nhất
Những bệnh như tim mạch, tiểu đường ngày càng có xu hướng trẻ hóa. |
Đáng báo động, nhiều căn bệnh trước đây chỉ gặp ở người cao tuổi, thì hiện nay có xu hướng ngày càng trẻ hóa.
Nhiều nguyên nhân chủ quan
Theo thông tin từ Khoa Nội tiết, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, những tháng gần đây, riêng tại Khoa đã tiếp nhận khoảng 10 bệnh nhân từ 7 đến 18 tuổi nhập viện với chẩn đoán đái tháo đường type 1 đều ở mức đường huyết rất cao. Hiện Khoa đang điều trị cho bé gái 8 tuổi mắc đái tháo đường type 1 được chẩn đoán lần đầu.
Bác sỹ Nguyễn Mạnh Tuấn (Khoa Nội tiết) cho biết, trước đây, nhiều người nhầm lẫn rằng đái tháo đường type 1 là một bệnh lý di truyền, điều này không đúng. Đái tháo đường type 1 không được xếp vào nhóm bệnh rối loạn di truyền. Tuy nhiên, một người có khả năng mắc bệnh đái tháo đường tuýp 1 cao hơn nếu có người thân trực hệ, chẳng hạn như cha, mẹ hoặc anh, chị, em mắc bệnh này.
Do vậy, khi thấy trẻ xuất hiện các triệu chứng như khát nước, uống nhiều, tiểu nhiều, gầy sút cân, mệt mỏi, mờ mắt, đái dầm, đặc biệt, khi xuất hiện kèm theo một số triệu chứng cảnh báo nguy hiểm của đái tháo đường type 1 là đau bụng, nôn, rối loạn ý thức, thở nhanh sâu, hơi thở có mùi trái cây chín (như mùi táo chín…), thì phải đưa ngay tới cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán xác định và điều trị một cách kịp thời.
Ngoài tiểu đường, theo các chuyên gia y tế, trong số các bệnh không lây nhiễm có tỷ lệ tử vong cao thì tim mạch dẫn đầu với hơn 40%. Đáng báo động, theo công bố của Viện Tim mạch quốc gia, cứ 4 người trên 25 tuổi có ít nhất 1 người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đang có chiều hướng tăng ở người trẻ tuổi. Trước đây, những người từ 50 tuổi trở lên mới có nguy cơ bị tăng huyết áp, bệnh mạch vành, tai biến mạch máu não… thì nay, bệnh tim mạch đã xuất hiện ở những người 30 - 40 tuổi, thậm chí có những ca bệnh dưới 30 tuổi.
Đáng lưu ý, có đến 44,3% người 25-74 tuổi ở khu vực thành phố bị cholesterol máu cao và có xu hướng tăng dần theo lứa tuổi. Cholesterol máu cao là hậu quả của chế độ dinh dưỡng không hợp lý, của thừa cân béo phì và sẽ dẫn đến hình thành các mảng vữa xơ động mạch, tăng huyết áp - nguyên nhân hàng đầu dẫn đến gia tăng bệnh lý tim mạch, thậm chí để lại hậu quả nặng nề về sức khỏe.
Bác sỹ chuyên khoa II Nguyễn Thế Huy, Trung tâm Tim mạch (Bệnh viện E) cho biết, gần đây có những bệnh nhân chỉ mới 30-35 tuổi nhưng đã vào viện với tình trạng tắc hoàn toàn mạch vành hay còn gọi là nhồi máu cơ tim cấp và có diễn biến nặng. Nguyên nhân chủ yếu của bệnh tim mạch là béo phì, stress, nghiện thuốc lá, rượu bia, thức ăn nhanh, chế độ dinh dưỡng nhiều thịt ít rau, lười vận động...
Giống như tim mạch, đột quỵ ở người trẻ cũng đang gia tăng. Một thống kê chưa đầy đủ của ngành y tế chỉ rõ, đột quỵ ở người trẻ tuổi chiếm khoảng 25% số ca ghi nhận. Bác sỹ Phạm Văn Cường, Khoa Đột quỵ não (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) cho hay, trước đây đột quỵ thường là bệnh lý của người già, nhưng ngày nay, số lượng người trẻ bị đột quỵ chiếm khoảng 20-25% tổng số bệnh nhân đột quỵ phải nhập viện.
Thay đổi lối sống, thói quen sinh hoạt
Ngoài nguyên nhân bệnh lý, các chuyên gia y tế đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ từ lối sống, thói quen sinh hoạt, khiến căn bệnh đột quỵ bị trẻ hóa như hiện nay. Theo đó, nhóm nguyên nhân đột quỵ ở người trẻ do thói quen xấu đang gia tăng, như hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, chế độ ăn quá nhiều dầu mỡ, thường xuyên ăn thức ăn nhanh, ít vận động, thức quá khuya… Những thói quen xấu này khiến cho người trẻ tuổi tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa mỡ máu, béo phì và đến gần hơn với đột quỵ.
Để giảm thiểu nguy cơ đột quỵ ở người trẻ, PGS-TS. Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, với người trẻ cần khám sức khỏe định kỳ để tầm soát các yếu tố nguy cơ, nếu có thì phải điều trị sớm. Với hiện tượng tăng huyết áp, các bệnh lý chuyển hóa, béo phì, nên thay đổi thói quen, sinh hoạt khoa học, bỏ thuốc lá, rượu bia. Với bệnh nhân trong gia đình có người từng bị bất thường về mạch máu, khó đông máu…, thì cần được tư vấn bởi các bác sỹ chuyên khoa để sàng lọc, loại trừ nguy cơ.
Riêng với bệnh đái tháo đường, bác sỹ của Bệnh viện Nội tiết Trung ương khuyến cáo, hiện tại để điều trị đái tháo đường type 1, việc sử dụng insulin vẫn là bắt buộc. Sử dụng insulin sớm còn giúp bảo tồn chức năng tế bào beta còn sót lại. Kiểm soát đường huyết tốt góp phần giảm các nguy cơ về biến chứng trong lâu dài. Ngoài ra, cũng phải điều chỉnh chế độ ăn và sinh hoạt cho phù hợp với từng người.
Đối với người có chế độ hoạt động thể lực vừa phải, nên duy trì khoảng 30-35 kalo/kg/ngày. Cân đối giữa các tỷ lệ carbonhydrat, protid, lipid giúp kiểm soát đường huyết, nhưng cũng đảm bảo về sinh hoạt làm việc cho người bệnh.
Đặc biệt ở trẻ em, ngoài kiểm soát đường huyết ra, còn phải đảm bảo mục tiêu về tăng trưởng và phát triển bình thường của trẻ.
Một lưu ý nữa là hiện trên mạng xã hội có rất nhiều thông tin quảng cáo chữa dứt điểm được các bệnh nan y như tim mạch, tiểu đường… Các bác sỹ khuyến cáo người bệnh phải cảnh giác, bởi đây đều là thông tin không đúng. “Hiện nay có rất nhiều người dân nhầm tưởng rằng đái tháo đường có thể chữa khỏi và tin vào những nội dung quảng cáo không chính xác từ các trang mạng xã hội. Đến thời điểm hiện tại, chưa có biện pháp dự phòng đặc hiệu cho bệnh đái tháo đường type 1", bác sỹ Nguyễn Mạnh Tuấn khẳng định.