Chuyển động thị trường
Bất động sản nghỉ dưỡng “thoát hiểm”
Việt Dũng - 04/09/2022 08:22
Du lịch phục hồi đang khiến phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng thoát hiểm, nhưng để hấp dẫn nhà đầu tư thứ cấp, khung pháp lý và chất lượng quản lý là vấn đề cần đặc biệt quan tâm.

Căn hộ cho thuê kín khách

Năm 2019, chị Nguyễn Hải Anh (40 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) đầu tư 3 tỷ đồng để mua một căn hộ dịch vụ sát biển tại Nha Trang, sau đó đầu tư thêm 600 triệu đồng tiền nội thất để kinh doanh cho thuê. Tuy nhiên, mới chỉ cho thuê ngắn hạn trên Airbnb được gần 1 năm, thì đại dịch Covid-19 ập đến. Căn hộ liên tục trống phòng trong nhiều tuần liền, trong khi chi phí thuê người dọn dẹp và lãi ngân hàng vẫn phải trả đều hàng tháng khiến chị như ngồi trên đống lửa.

Chị Hải Anh kể, lúc này, nhiều người khuyên chị đổi sang cho thuê dài hạn, nhưng chị tính toán thấy phí thuê nếu đặt mức quá cao thì khó tìm khách, nếu định giá trung bình thì không đủ bù chi phí, chưa kể còn rủi ro khiến căn hộ nhanh xuống cấp.

Cuối cùng chị chọn cách “gồng” qua thời gian dịch bệnh đến hiện nay, du lịch đã mở cửa trở lại và thời gian trống của căn hộ cũng ít đi. “Cũng phải hơn 1 năm rồi, căn hộ của mình mới có nhiều khách đặt đến vậy. Hiện tại căn hộ của mình đã kín lịch đến cuối tháng 9, các ngày cuối tuần tháng sau cũng có khách đặt hết”, chị Hải Anh kể.

Sự tăng trưởng vượt kỳ vọng của du lịch đang mở ra cơ hội cho nhiều ngành liên quan, cụ thể là hàng không, bất động sản nghỉ dưỡng. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, riêng trong tháng 7/2022, có 352.600 lượt khách quốc tế đến Việt Nam tăng 49% so với tháng 6/2022. Luỹ kế 7 tháng đầu năm, có 954.600 lượt khách quốc tế đến Việt Nam, gấp 10 lần so với cùng kỳ năm trước.

Hấp dẫn nhà đầu tư bằng khung pháp lý và chất lượng quản lý

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Nam Sơn, Chủ tịch Tập đoàn đầu tư Tanzanite International - đơn vị vận hành Dự án Hamptons Plaza (diện tích hơn 5 ha, Hồ Tràm) cũng bày tỏ sự lạc quan hiện nay. Dù vậy, Tanzanite International nhận thấy thách thức hiện tại của các địa điểm du lịch Việt nói chung trong vài năm trở lại đây là không có nhiều tiện ích vui chơi, giải trí. “Hầu như không có nhà hàng 4 - 5 sao ngoài các khu nghỉ dưỡng, không nơi mua sắm, ít địa điểm giải trí, đặc biệt không có dịch vụ giải trí về đêm nhộn nhịp”, ông nói.

Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương cũng đánh giá rằng, sự phục hồi của ngành du lịch là điều kiện cần để ngành bất động sản nghỉ dưỡng lấy lại đà phát triển. Tuy vậy thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, đặc biệt là phân khúc ngôi nhà thứ hai đang ghi nhận các dấu hiệu chững lại.

Bên cạnh đó, khung pháp lý và chất lượng quản lý của dự án cũng là các yếu tố tác động đến quyết định đầu tư.

Hiện nay thị trường đang mong đợi các cơ chế hướng dẫn về mặt pháp lý đối với bất động sản nghỉ dưỡng, đặc biệt là về quyền sở hữu. Việc thông qua các chính sách liên quan sẽ giúp hỗ trợ tính thanh khoản và độ tin cậy cho những sản phẩm này.

Về khía cạnh quản lý, một số dự án ngôi nhà thứ hai đã đi vào hoạt động, nhưng hiệu quả chưa cao. Điều này đã thúc đẩy người mua có những đòi hỏi cao hơn về chất lượng dự án cũng như đơn vị quản lý để đảm bảo sản phẩm có thể tạo được dòng tiền hiệu quả cho nhà đầu tư.

“Cá nhân tôi đánh giá các sản phẩm ngôi nhà thứ hai vẫn có nhiều tiềm năng tăng trưởng nếu được hoạch định tốt. Xu hướng sẽ là ngày càng chú trọng về chất lượng hơn là số lượng, trong đó những sản phẩm tốt với tiềm năng tăng giá vẫn luôn được các nhà đầu tư ưa chuộng”, ông Mauro Gasparotti chia sẻ.

Khi được hỏi: “Một vướng mắc lớn khiến nhà đầu tư e ngại đối với phân khúc nghỉ dưỡng là pháp lý chưa được định danh rõ ràng. Vậy theo ông/bà, tương lai của phân khúc bất động sản này sẽ như thế nào?”, chuyên gia đến từ Savills cho hay, tuy bối cảnh hiện tại có một số yếu tố không thuận lợi đối với thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, vẫn có những dự án được hoạch định cẩn trọng, bài bản và mang lại cơ hội đầu tư tốt.

Tốc độ tăng trưởng lượt khách là một trong những động lực thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng để đáp ứng nhu cầu lưu trú ngày càng đa dạng của nhiều đối tượng khách hàng. Hơn nữa, người mua hiện nay không chỉ xem các sản phẩm ngôi nhà thứ hai đơn thuần là sản phẩm đầu tư mà còn chú trọng về mục đích sử dụng như một sản phẩm nghỉ dưỡng thực sự. 

“Tất nhiên, đây cũng là loại hình sản phẩm rất khó để hoạch định và phát triển một cách hiệu quả. Đặc biệt đối với các chủ đầu tư lần đầu phát triển loại hình sản phẩm này cần nhiều sự hỗ trợ từ các đơn vị tư vấn, từ đơn vị thiết kế và nhà điều hành khách sạn; cũng như cần có hướng dẫn rõ ràng về mặt pháp lý. Việc kiểm soát chặt chẽ toàn bộ thị trường có lẽ cần nhiều thời gian nghiên cứu và cân nhắc từ các cơ quan có thẩm quyền, tuy nhiên, việc ban hành thêm hướng dẫn cho chủ đầu tư và người sở hữu condotel là điều cần thiết”, ông Mauro Gasparotti nói.

Tin liên quan
Tin khác