Chuyển động thị trường
Bất động sản “rơi tự do” gây nhiều hệ lụy
- 09/05/2013 11:46
TIN LIÊN QUAN

Dư luận vẫn nóng bỏng quanh việc nên hay không giải cứu thị trường bất động sản. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Tôi nghĩ rằng phải giải cứu. Nếu không tháo gỡ khó khăn cho bất động sản thì không chỉ “sập tiệm” mấy ông kinh doanh bất động sản mà còn kéo theo nhiều ngành nghề khác từ nguyên vật liệu, xi măng, lao động, dịch vụ… nên chúng ta không thể để thị trường bất động sản “rơi tự do”.

Việc hỗ trợ thị trường bất động sản, giải quyết nợ xấu đã được Chính phủ đề cập tại Nghị quyết 02/NQ – CP ngày 7/1/2013.

Theo tôi, các giải pháp mà Chính phủ đưa ra trong Nghị quyết 02/NQ – CP ngày 7/1/2013 về thị trường bất động sản là đúng hướng. Vấn đề là cần có sự vào cuộc một cách mạnh mẽ của tất các cơ quan chức năng; các ngân hàng thương mại xây dựng được những sản phẩm tín dụng hợp lý để người dân ngoài kia có thể mua nhà được…

TS. Nguyễn Trí Hiếu, Thành viên HĐQT Ngân hàng Đại Dương (OceanBank)

Tồn kho và nợ xấu đang cuốn thị trường bất động sản vào “vũng lầy”. Để thoát ra khỏi “vũng lầy” này, theo ông, phải bắt đầu từ đâu?

Theo con số mà tôi có được, nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản hiện rơi vào khoảng 250 ngàn tỷ đồng. Trong đó 58% là các khoản nợ có tài sản đảm bảo bằng bất động sản. Một số công ty tư vấn cũng cho tôi biết, hàng tồn kho bất động sản hiện chiếm khoảng 140 ngàn tỷ giá trị hàng tồn kho hiện tại. 140 ngàn tỷ sản so với 250 nghìn tỷ nợ xấu có liên quan đến bất động sản có nghĩa là hàng tồn kho chiếm phần lớn số nợ xấu.

Như vậy, rõ ràng phải giải quyết được nợ xấu mới giải quyết được hàng tồn kho, giải phóng được hàng tồn kho thì sẽ giải phóng được thị trường bất động sản. Nếu muốn phục hồi thị trường bất động sản, vấn đề nợ xấu phải được giải quyết và giải quyết một cách cấp bách, từ đó thị trường bất động sản có tính thanh khoản và kinh tế phát triển!

Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước thực hiện hỗ trợ thị trường với gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho thị trường bất động sản nhưng thị trường chuyển biến rất chậm chạp. Vì sao vậy, thưa ông?

Gói tín dụng hiện tại 30.000 tỷ, lãi suất cố định 6% cho 3 năm, thời gian trả nợ là 10 năm, tôi cho rằng vẫn chưa hợp lý, nó chưa đủ để tạo lòng tin cho người mua nhà. Ở Mỹ hiện tại, tín dụng cho mua 1 căn nhà cho thời gian 30 năm lãi suất là 3,37% cố định cho 30 năm. Chúng ta nên kéo lãi các khoản vay này xuống dưới 6% với thời gian cố định lãi suất lên 15 năm, 20 năm, thậm chí là 30 năm.

Có nhiều người đã nói đến vấn đề này nhưng xem ra thực hiện nó ở Việt Nam là bất khả thi khi mà các ngân hàng thương mại không chủ được nguồn vốn dài hạn?

Chúng ta nên học tập từ cuộc khủng hoảng của thị trường bất động sản Mỹ năm 2008. Freddie Mac và Fannie mae sau khi sụp đổ do các khoản vay dưới chuẩn, Chính phủ Mỹ đã đứng ra giải cứu 2 định chế này và biến nó thành cơ quan của Chính phủ. Các ngân hàng thương mại sau khi phê chuẩn những khoản tín dụng bất động sản có thể đóng gói lại rồi bán cho Freddie Mac và Fannie mae. 2 tổ chức này sẽ phát hành trái phiếu, dùng thị trường vốn trên sàn chứng khoán để mua lại các tài sản của các ngân hàng, trả lại cho ngân hàng thương mại dòng vốn lưu động để tiếp tục vòng quay tiền tệ. Tôi kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cho phép thành lập những tổ chức tương tự Freddie Mac và Fannie mae.

Hiện tại, ông đánh giá thế nào về khả năng phục hồi của thị trường bất động sản?

Như tôi đã đề cập ở trên, để thị trường bất động sản hồi phục, phải giải quyết được vấn đề nợ xấu. Các giải pháp mà Chính phủ đưa ra trong Nghị quyết 02/NQ – CP ngày 7/1/2013 là đúng hướng. Nếu những biện pháp của Chính phủ, Quốc hội được các cơ quan chức năng vào cuộc một cách mạnh mẽ; các ngân hàng thương mại xây dựng được những sản phẩm tín dụng hợp lý để người dân ngoài kia có thể mua nhà được…

Nếu tất cả các chuyện đó đồng thời xảy ra vào ngày mai thì thị trường bất động sản có khả năng phục hồi lại đôi chút vào năm 2014. Nếu không, cuộc khủng hoảng có thể kéo dài 3 năm, 5 năm mà đó là điều mà chúng ta không muốn.

Tin liên quan
Tin khác