Hôm 17/3, hai tờ báo lớn của Mỹ và Anh là New York Times và The Guardian đã đồng loạt đưa tin về việc thông tin của 50 triệu người dùng Facebook đã bị rò rỉ. Theo đó, Facebook bị cáo buộc đã để cho công ty phân tích dữ liệu Cambridge Analytica của Anh truy cập vào các thông tin cá nhân của người dùng. Hai tờ báo cho rằng Cambridge Analytica sử dụng thông tin có được để xây dựng hồ sơ tâm lý người dùng và bạn bè của họ, qua đó xây dựng các đoạn quảng cáo phục vụ lợi ích riêng trong những sự kiện chính trị lớn như cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hay cuộc trưng cầu ý dân về Brexit tại Anh năm 2016.
Phản ứng trước vụ việc này, Liên minh châu Âu (EU) đã lên án hành vi đánh cắp thông tin là vi phạm nghiêm trọng quyền riêng tư của người dân, đồng thời cho biết sẽ tiến hành một cuộc điều tra. Trong khi đó, Quốc hội Mỹ cũng yêu cầu Facebook phải giải trình về vấn đề đảm bảo an toàn thông tin cá nhân người dùng. Cùng ngày, các nhà lập pháp Anh đã đề xuất khám xét văn phòng của công ty Cambridge Analytica.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào để công ty Cambridge Analytica lại có thể sử dụng được dữ liệu từ người dùng Facebook để xây dựng các đoạn quảng cáo hay nội dung phục vụ một số mục đích?.
Facebook đang dính vụ rò rỉ thông tin liên quan đến 50 triệu người dùng. |
Nút Like “định hướng”
Theo đánh giá của các chuyên gia, tính năng Like trên Facebook có thể giúp “nhận xét” được khá nhiều về người dùng. Nghiên cứu công bố năm 2013 cho thấy việc có được dữ liệu về người dùng “like” các mối quan tâm hay những vấn đề khác trong xã hội có thể giúp hệ thống máy tính xây dựng cơ sở dữ liệu về xu hướng tính dục hay quan điểm chính trị của người dùng.
Ông Chris Wylie - nhà đồng sáng lập của công ty Cambridge Analytica và đã rời công ty năm 2014, tiết lộ công ty này đã dùng các công nghệ để nghiên cứu về thói quen cá nhân và tạo ra một “hệ sinh thái thông tin” nhắm tới người dùng mạng xã hội. Ông nói: “Dựa trên ý tưởng về cái gọi là “sự thống trị thông tin” – một công nghệ được xây dựng để cung cấp các định hướng thông tin rồi sử dụng xung quanh người dùng mạng xã hội. Từ đây, tỷ lệ khả năng người sử dụng mạng được nhắm đến có thế giới quan thay đổi sẽ tăng”. Tuy nhiên, hiện chưa rõ làm thế nào Cambridge Analytica có thể tiếp cận được dữ liệu thông tin của 50 triệu người dùng Facebook.
Trong khi đó, theo nghiên cứu của hãng Pew, với việc có ít nhất 2/3 số người Mỹ có thói quan theo dõi tin tức thông qua mạng xã hội thì việc các công ty phân tích dữ liệu xây dựng những hệ thống lợi dụng thói quan này là điều dễ hiểu.
Tới nay, nhóm vận động chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump đã bác bỏ những cáo buộc liên quan tới vụ bê bối dữ liệu, dù Cambridge Analytica từng là một trong những đơn vị tư vấn trong chiến dịch này. Bên cạnh đó, Cambridge Analytica cũng khẳng định không làm sai bất cứ quy tắc nào và không sử dụng bất cứ dữ liệu nào của người dùng Facebook cho chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ.
Tuy nhiên, Cambridge Analytica từng thừa nhận đã hỗ trợ một khách hàng là Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa kiêm Thống đốc bang Texas – ông Ted Cruz giành chiến thắng tại bang Iowa trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa năm 2016. Theo đó. Cambridge Analytica đã hỗ trợ bằng cách tìm kiếm những cử tri ủng hộ đảng Cộng hòa không hài lòng với các chính sách của chính phủ Mỹ khi đó. Rồi từ đây, bằng các thủ thuật công nghệ, những người này được xem bằng nhiều cách các thông điệp cho thấy ông Ted Cruz cũng không ủng hộ những chính sách đó.
Hiện Facebook vẫn từ chối cho phép các cấp lãnh đạo của công ty trả lời phỏng vấn liên quan tới bê bối dữ liệu và cũng chưa đưa ra bất cứ thông tin chính thức nào, ngoài việc thông báo sẽ mời một đơn vị kiểm toán dữ liệu số độc lập hỗ trợ tham dự cuộc điều tra vụ việc. Tuy nhiên, sự im lặng khó hiểu của mạng xã hội này chỉ khiến cho dư luận bức xúc thêm, nhất là khi giới Tư pháp nhiều nước trước đây đã từng chỉ trích sự can dự ngày càng sâu của Facebook vào môi trường chính trị, cụ thể là kết quả các cuộc bầu cử.