Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ Du lịch Bến Thành (Bến Thành Tourist) và Công ty TNHH một thành viên Phát triển nhà Bến Thành (Bến Thành House) là hai công ty con của Tổng công ty Bến Thành (BTG) nằm trong danh sách 29 doanh nghiệp TP.HCM phải hoàn tất cổ phần hóa vào giai đoạn 2014-2015.
Bến Thành Tourist là một trong hai doanh nghiệp chủ lực đang làm ăn rất hiệu quả của BTG. Ảnh: B.H |
Lý giải vì sao lại chọn hai doanh nghiệp trên để thực hiện kế hoạch cổ phần hóa, ông Tề Trí Dũng, Phó tổng giám đốc BTG cho biết, đây là hai doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong chiến lược kinh doanh của BTG.
Hiện tại, việc cổ phần hóa của hai công ty con được thực hiện đúng tiến độ. UBND TP.HCM đã ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa tại Bến Thành Tourist và Bến Thành House và chọn thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp của 2 đơn vị này.
Đồng thời, UBND Thành phố cũng đã quyết định chọn Công ty TNHH một thành viên Chứng khoán Ngân hàng Đông Á là đơn vị tư vấn cổ phần hóa cho Bến Thành House và Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt là đơn vị tư vấn cổ phần hóa cho Bến Thành Tourist.
Về tài sản, UBND Thành phố cũng đã ban hành quyết định về việc giao tài sản cố định cho Bến Thành House để thực hiện cổ phần hóa, còn Bến Thành Tourist đang thực hiện bước xác định giá trị doanh nghiệp.
“Với tiến độ thực hiện cổ phần hóa rất khả quan như giai đoạn vừa qua, dự kiến hai doanh nghiệp này sẽ hoàn tất cổ phần hóa theo đúng cam kết đã ký với UBND Thành phố”, ông Dũng cho biết.
Theo đánh giá của BTG, việc cổ phần hóa 2 doanh nghiệp thành viên sẽ tác động tích cực đến tổng thể kế hoạch kinh doanh và chiến lược phát triển của Tổng công ty. Mục tiêu của cổ phần hóa là huy động các nguồn lực xã hội vào hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Ông Dũng khẳng định, cổ phần hóa góp phần thay đổi bản chất của công tác quản lý. Khi đó, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp được định hướng và được giám sát chặt chẽ bởi cổ đông, trong đó có BTG.
Cổ phần hóa không chỉ thuần túy là bán phần vốn nhà nước, mà điều quan trọng là doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả hơn, từ đó đem lại lợi ích cao hơn cho cổ đông, trong đó có BTG .
“Đây mới là đích nhắm chính của chúng tôi trong công tác cổ phần hóa”, ông Dũng nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi về thuận lợi và khó khăn của BTG trong quá trình cổ phần hóa, ông Dũng cho biết, khó khăn lớn nhất là vấn đề thủ tục hành chính, xử lý tài chính, định giá tài sản, kể cả tài sản vô hình, liên quan đến vấn đề thương hiệu...
“Trước mắt, chúng tôi đã đề xuất UBND Thành phố lựa chọn đơn vị tư vấn có kinh nghiệm, đồng thời tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa UBND Thành phố, Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp, Ban Chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp, Tổng công ty và doanh nghiệp cổ phần hóa, thống nhất giải pháp xử lý nhanh những vướng mắc phát sinh”, ông Dũng cho biết.
Theo ông Dũng, một trong những yếu tố quan trọng để cổ phần hóa thành công là chọn được nhà đầu tư chiến lược. Việc này được BTG thực hiện qua nhiều kênh: tự tìm kiếm từ những đối tác hiện nay của doanh nghiệp; thông qua các tổ chức trung gian như các công ty chứng khoán, các quỹ đầu tư.
“Tiêu chí để chúng tôi lựa chọn cổ đông chiến lược là nhà đầu tư phải có tiềm lực tài chính, thực sự quan tâm đến sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp, có kinh nghiệm, có thị trường trong lĩnh vực hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Dũng nói.
Bộ trưởng Thăng: Tôi không muốn phải kỷ luật cán bộ nào () Trả lời phóng viên Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn về việc cổ phần hóa (CPH) Vietnam Airlines, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải, ông Đinh La Thăng tin chắc rằng, tiến trình chuyển đổi sở hữu Vietnam Airlines sẽ về đích nếu thực hiện như CPH các ngân hàng thương mại nhà nước. Ông cũng bày tỏ, không muốn phải kỷ luật cán bộ nào vì lý do không hoàn thành nhiệm vụ cổ phần hóa. |
Bảo Giang