Chiều 24/6, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế đã công bố và tập huấn triển khai Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh đái tháo đường type 1 ở trẻ em và thanh thiếu niên.
Trước tình hình gia tăng trẻ em mắc đái tháo đường type 1, Bộ Y tế vừa ban hành hướng dẫn riêng về chẩn đoán, điều trị bệnh đái tháo đường type 1 với trẻ em và thanh niên thiếu niên. |
Hướng dẫn chuyên môn bệnh đái tháo đường cho trẻ em và thanh thiếu niên lần đầu tiên được biên soạn tại Việt Nam.
Hướng dẫn được xây dựng công phu, cập nhật, dựa trên các tài liệu trong nước và quốc tế, tập trung vào thực hành lâm sàng chẩn đoán và điều trị bệnh đái tháo đường type 1, rất hữu ích cho các thầy thuốc đa khoa, chuyên khoa trong hành nghề khám, chữa bệnh hàng ngày.
Theo TS.Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, đái tháo đường type 1 chiếm 90% bệnh đái tháo đường ở trẻ em.
Ở Việt Nam, hiện chưa có dữ liệu đầy đủ về dịch tễ của đái tháo đường type 1 ở trẻ em. Dữ liệu từ các bệnh viện tuyến cuối về trẻ em cho thấy có khoảng gần 2.000 trẻ được chẩn đoán đái tháo đường type 1 và có xu hướng gia tăng trong cả nước từ 7 năm gần đây.
Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường ở trẻ tập trung chủ yếu vào thực hành lâm sàng chẩn đoán và điều trị đái tháo đường type 1 với mục tiêu phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị kịp thời, kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường type 1.
Đồng thời điều này cũng giảm bớt gánh nặng bệnh tật cho trẻ em và gia đình đang sống cùng bệnh đái tháo đường type 1, giúp trẻ có một cuộc sống mạnh khỏe lâu dài.
Hướng dẫn điều trị đái tháo đường type 1 đánh dấu sự hợp tác của 2 Hội chuyên môn tập hợp các chuyên gia về nội tiết và nhi khoa có kinh nghiệm lâm sàng, giảng dạy, là Hội Nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam và Hội Nhi khoa Việt Nam.
Đái tháo đường type 1 hay còn gọi là đái tháo đường phụ thuộc insulin, chủ yếu hay gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên, do tuyến tụy không còn khả năng sản xuất đủ insulin. Bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường type 1 cần được điều trị bằng insulin thì mới có cơ hội sống.
Những dấu hiệu khi trẻ mắc đái tháo đường như tiểu nhiều, sụt cân không rõ nguyên nhân, thiếu năng lượng hay luôn luôn cảm thấy mệt mỏi, khát nhiều.
PGS.Trần Minh Điển, Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, đái tháo đường type 1 có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào, từ trẻ sơ sinh cho đến độ tuổi lớn hơn. Nếu không được phát hiện, điều trị sớm, tình trạng bệnh có thể tiến triển nặng, nhiễm toan, đe dọa tính mạng.
Khi đã phát hiện bệnh, các bác sĩ sẽ đưa ra kế hoạch điều trị. Giai đoạn đầu trẻ sẽ được điều trị tại các bệnh viện, tính toán liều insulin cho trẻ. Khi đã điều trị ổn định, trẻ có thể được điều trị, theo dõi tại nhà. Ngoài điều trị insulin thì chế độ dinh dưỡng, vận động cũng rất quan trọng trong việc điều trị đái tháo đường type 1 ở trẻ.
Theo Chủ tịch Hội nhi khoa Việt Nam, trong năm 2024, Hội hướng tới hỗ trợ hàng nghìn người dưới 25 tuổi đang chung sống cùng đái tháo đường type 1.
"Tôi kêu gọi các bệnh viện trên cả nước đang quản lý bệnh nhân đái tháo đường type 1 hãy chủ động liên hệ chương trình CDiC để bệnh nhân được nhận hỗ trợ, nhân viên y tế được tham gia vào các khóa đào tạo", PGS.Điển cho hay.
Đái tháo đường type 1 (hay còn gọi là tiểu đường tuýp 1) là tình trạng bệnh lý xảy ra khi tuyến tụy không sản xuất được hoặc sản xuất rất ít insulin dẫn đến thiếu hụt insulin nội sinh nghiêm trọng.
Bệnh thường được chẩn đoán ở trẻ em và người trẻ tuổi. Bệnh có thể khởi phát từ vài tháng tuổi, độ tuổi hay gặp nhất là 10-14 tuổi. Tỷ lệ nam/nữ là tương đương nhau. Đái tháo đường type 1 chiếm khoảng 5-10% trong số người mắc bệnh đái tháo đường.
Nguyên nhân gây ra đái tháo đường tuýp 1 thì đến 95% trường hợp do cơ chế tự miễn và 5% không rõ nguyên nhân. Do hệ miễn dịch tấn công nhầm và phá hủy các tế bào có nhiệm vụ sản xuất insulin ở tuyến tụy.
Một vài yếu tố nguy cơ như nhiễm virus Coxsackie, Rubella, Cytomegalo... hoặc chế độ ăn tiếp xúc sớm với sữa bò cũng có liên quan tới việc khởi phát bệnh.
Một số kháng thể kháng tế bào beta của tụy cũng có thể tìm thấy ở phần lớn bệnh nhân đái tháo đường type 1. Bên cạnh đó, trước đây nhiều người nhầm lẫn rằng đái tháo đường type 1 là một bệnh lý di truyền, điều này không đúng. Đái tháo đường type 1 không được xếp vào nhóm bệnh rối loạn di truyền.
Tuy nhiên, một người có khả năng mắc bệnh đái tháo đường tuýp 1 cao hơn nếu có người thân trực hệ chẳng hạn như cha mẹ hoặc anh chị em mắc bệnh này.
Do vậy khi thấy xuất hiện các triệu chứng như: Khát nước, uống nhiều, tiểu nhiều, gầy sút cân, mệt mỏi, mờ mắt, đái dầm mới ở trẻ chưa bị trước đây.
Đặc biệt, khi xuất hiện kèm theo một số triệu chứng cảnh báo nguy hiểm của đái tháo đường type 1 như đau bụng, nôn, rối loạn ý thức, thở nhanh sâu, hơi thở có mùi trái cây chín (táo chín…) thì người bệnh phải được đưa ngay tới cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán xác định và điều trị một cách kịp thời.
Hiện tại để điều trị đái tháo đường type 1, việc sử dụng insulin vẫn là bắt buộc. Sử dụng insulin sớm còn giúp bảo tồn chức năng tế bào beta còn sót lại. Kiểm soát đường huyết tốt góp phần giảm các nguy cơ về biến chứng trong lâu dài.
Ngoài ra, người bệnh cũng phải điều chỉnh chế độ ăn và sinh hoạt cho phù hợp cho từng cá thể. Đối với người có chế độ hoạt động thể lực vừa phải nên duy trì khoảng 30-35 kalo/kg/ngày.
Người bệnh cũng cần cân đối giữa các tỷ lệ Carbonhydrat, protid, lipid giúp kiểm soát đường huyết nhưng cũng đảm bảo về sinh hoạt làm việc cho người bệnh.
Đặc biệt ở trẻ em, ngoài kiểm soát đường huyết ra còn phải bảo đảm mục tiêu về tăng trưởng và phát triển bình thường của trẻ.
Người bệnh đái tháo đường type 1 nên theo dõi đường huyết tối thiểu 4 lần/ngày để có thể điều chỉnh liều lượng insulin dựa theo đường máu tại nhà.
Hiện nay, có rất nhiều người dân nhầm tưởng rằng đái tháo đường có thể chữa khỏi và tin vào nhiều nội dung quảng cáo không chính xác từ các trang mạng xã hội. Tuy vậy, các bác sĩ đều khẳng định, đến thời điểm hiện tại, chưa có biện pháp dự phòng đặc hiệu cho bệnh đái tháo đường.