Doanh nghiệp
Bí quyết đạt giá trị cộng sinh “1+1=3++” hậu M&A
Anh Hoa - 15/10/2021 13:07
“1+1=3++” trở thành thuật ngữ mới trên thị trường M&A. Nó thể hiện quyết tâm và ý chí đạt giá trị cộng sinh của doanh nghiệp

Hội thảo "M&A thời đại dịch: Lớn mạnh cùng chuỗi giá trị" do Báo Đầu tư phối hợp với NovaGroup tổ chức sáng 15/10 theo hình thức trực tuyến ở 2 đầu cầu Hà Nội và TP.HCM đã tạo sự hứng thú đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Đắt hàng vì "mắc dịch"

Với tư cách là đại diện của Quỹ đầu tư lớn trên thị trường Việt Nam, đã đồng hành cùng rất nhiều doanh nghiệp, trải qua nhiều giai đoạn tăng trưởng và hỗ trợ doanh nghiệp đối mặt với những khó khăn chung và riêng, ông Vũ Hữu Điền, Giám đốc Đầu tư Công ty Dragon Capital Vietnam (DCVFM) khá hào hứng.

Bởi trong vòng 18 tháng qua, ông cùng các cộng sự làm được nhiều thương vụ M&A hơn so với lúc chưa có đại dịch. Đã có hơn 10 thương vụ được trao tay, với tỉ lệ bán cổ phần trên 10% cho đối tác. Nguyên nhân bán đắt hàng vì quỹ đã chào hàng mới mức giá rẻ hơn 15-20% so với trước đây.

“Tinh thần làm chủ doanh nghiệp của giới doanh nhân Việt Nam rất cao, họ thấy đại dịch là cơ hội để mua nhiều mảng kinh doanh tốt. Họ đã quan sát sự vận động của ngành hàng, lĩnh vực đó và tóm lấy cơ hội đầu tư lúc này. Thậm chí có thương vụ chốt online luôn. Xu hướng này sẽ tiếp tục vì tư tưởng mua  - bán của mọi người đã thay đổi”, ông Điền cho biết.

Việc có nhiều thương vụ M&A thời đại dịch không phải là thôn tính với giá rẻ. Các nhà đầu tư và doanh nghiệp đang tiếp sức nguồn lực cho nhau, để tăng sức mạnh hơn.

Đầu năm 2021, doanh nhân Phạm Đình Nguyên đã hé lộ thông tin, Nova Consumer Group, một thành viên của Tập đoàn kinh tế đa ngành nghề NovaGroup, hoạt động trong lĩnh vực Nông nghiệp - Hàng tiêu dùng, mua lại thương hiệu PhinDeli để phát triển mạnh hơn tại Việt Nam.

Dragon Capital  có thể đàm phán mua số lượng cổ phần lớn, chi phối ngay, nhưng cũng thể mua nhỏ, gom tích lũy niều năm thành lớn rồi  bán lại cho các đối tác khác hoặc bán cho chính doanh nghiệp đó.

Trong quá trình M&A, có thương vụ thành công và có những cuộc M&A thất bại khi không cùng chiến lược và buộc phải chia tay.

Theo ông Điền, thành công ở đây cần hiểu rộng lớn hơn một chút là thành công từ người mua, người bán và có ảnh hưởng đến bên ngoài hay không. Việc thành công phải đến từ sự thành thật, minh bạch để hai bên đánh giá được, để hình dung nắm bắt doanh nghiệp, bên cạnh việc phù hợp về mặt văn hoá, điều hành cũng là một vấn đề lớn.

Đội ngũ lãnh đạo cũng là một vấn đề quan trọng trong M&A. Theo kinh nghiệm của quỹ này, cần có quá trình chuyển giao nên thành công của một thương vụ M&A cần tập hợp nhiều yếu tố.

Trong khi đó, ông Lê Khánh Lâm, Chủ tịch RSM Việt Nam cho rằng, hai phần ba thương vụ M&A thành công và chỉ một phần ba thương vụ thất bại. Lý do M&A thành công là do người đi thực hiện M&A đã đánh giá được điểm mạnh, điểm yếu của doanh nghiệp. Ở các thương vụ thất bại, chủ yếu đến từ việc không minh bạch từ đầu, dẫn đến thất bại.

Nếu hoạt động M&A dính đến vấn đề vận hành, văn hóa, chiến lược… sau đó thì khó hơn. Khi các thương vụ M&A muốn thực hiện nhanh thì tập trung nhiều về chất lượng tài sản, tài chính, hài hòa văn hóa hậu M&A, con người… Nhưng nhiều doanh nghiệp Việt có đặc điểm chưa minh bạch sổ sách.

Theo ông Lâm, cần có kế hoạch tổng thể chi tiết, và cách thức đưa điều kiện để thuyết phục đối tác. Trong đó, vấn đề con người là khó giải quyết nhất. Làm sao để các nhân sự cảm nhận được sự đồng thuận. Các rủi ro có thể xảy ra cần nêu trước khi tiến hành thương vụ. Và đưa giải pháp  giúp hậu M&A trôi chảy hơn.

Ông nhỏ gặp hạn muốn cộng sinh vào ông lớn

Ông Nguyễn Thái Phiên, Phó tổng giám đốc NovaGroup chia sẻ, đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), họ có những khó khăn về quy mô, khách hàng, sản phẩm chưa hoàn thiện, đội ngũ con người, hệ thống…

Đặc biệt, trong giai đoạn Covid-19 vừa qua, các doanh nghiệp SME đặt ra nhiều vấn đề, thậm chí có doanh nghiệp cũng muốn thay đổi chiến lược, từ bỏ mảng kinh doanh hiện hữu. Hướng đi cộng sinh với các doanh nghiệp lớn hơn được đặt ra.

Thực ra, các doanh nghiệp lớn ở Việt Nam sau thời gian tích lũy tư bản, thì trách nhiệm xã hội của họ cũng lớn hơn rất nhiều, không phải là câu chuyện từ thiện, mà là tạo ra cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh hơn, đủ sức cạnh tranh.

Các doanh nghiệp lớn không thể tự làm tất cả các ngành, họ chỉ có thể bơm vốn, đưa nhân sự vào để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, nhưng sự cộng sinh từ doanh nghiệp lớn hơn thì bản thân cộng đồng SME có cơ hội phát triển lớn hơn.

Ngược lại, các doanh nghiệp SME muốn phát triển bền vững hơn, tồn tại dài hạn hơn, thì phải cộng sinh với doanh nghiệp lớn.

“1+1=3++” trở thành thuật ngữ mới trên thị trường M&A. Sự cộng sinh này thể hiện quyết tâm và ý chí của doanh nghiệp.

Theo ông Điền, khi lựa chọn doanh nghiệp, quỹ cần có chung tầm nhìn doanh nghiệp.

“Chúng tôi đánh giá cao tầm quản trị doanh nghiệp. Nếu chủ doanh nghiệp có khả năng quản trị tốt là doanh nghiệp mục tiêu để chúng tôi đầu tư đi đường dài với nhau. Tuy nhiên, chúng tôi cũng tính phải có thị trường để chuyển nhượng khoản đầu tư, mà việc niêm yết trên thị trường chứng khoán là một điều quan trọng”, ông Điền cho hay.

Chẳng hạn, tại NVL (Novaland), quá trình tiền IPO cho đến IPO và sau này là quá trình niêm yết, tăng vốn, Dragon Capital Vietnam đều đồng hành cùng doanh nghiệp. Sau 6 năm niêm yết, giá trị cổ phiếu đã tăng tới 200%, mạnh hơn so với mức tăng của chỉ số thị trường chứng khoán.

Tất nhiên, doanh nghiệp khó khăn hay không, chủ doanh nghiệp đều có 2 lựa chọn tự phát triển hoặc mua lại, hợp tác phát triển, nhưng theo ông Điền muốn đi nhanh và bền vững thì M&A là một hướng đi đúng hướng. Thời điểm này không phải là cá lớn nuốt cá bé như nhiều người nghĩ nữa.  

Tin liên quan
Tin khác