Doanh nghiệp
Bia đội giá mạnh vì dán tem
Hải Yến - 15/11/2014 11:02
Người tiêu dùng Việt Nam sẽ phải tiêu tốn thêm hàng ngàn tỷ đồng chi phí nếu quy định dán tem cho sản phẩm bia tại dự thảo Nghị định về quản lý sản xuất, kinh doanh bia do Bộ Công thương soạn thảo, trình Chính phủ được phê duyệt.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Ngất ngưởng thuế với bia
Doanh nghiệp “sốc” trước đề xuất tăng thuế bia
Cấm kinh doanh bia vỉa hè: Tư duy "không quản được thì cấm"?

Sự bất hợp lý và thiếu tính khả thi liên quan đến nhiều vấn đề trong quản lý sản xuất, kinh doanh bia, trong đó, dán tem là câu chuyện được doanh nghiệp (DN) “phản pháo” nhiều hơn cả, bởi hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DN sẽ bị đe dọa, khi phải tiêu tốn hàng ngàn tỷ đồng cho việc dán tem này.

   
  Người tiêu dùng Việt Nam sẽ phải tiêu tốn thêm hàng ngàn tỷ đồng chi phí nếu quy định dán tem cho bia được phê duyệt  

Hội thảo “Góp ý Dự thảo Nghị định quản lý, sản xuất kinh doanh bia” do Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) tổ chức sáng 12/11 tại Hà Nội đã thu hút sự tham gia của nhiều DN lớn và tất cả các ý kiến tại Hội thảo, đều phản đối việc dán tem cho bia và đề nghị không đưa nội dung dán tem vào Dự thảo Nghị định.

Chủ tịch VBA, ông Nguyễn Văn Việt chia sẻ: “DN phản đối kịch liệt quy định dán tem mà Bộ Công thương đưa ra tại dự thảo Nghị định về quản lý sản xuất, kinh doanh bia. Nếu quy định này được thực thi, DN phải bỏ ra thêm hơn 2.000 tỷ đồng mỗi năm để mua tem và xấp xỉ cả ngàn tỷ đồng nữa đầu tư máy móc, thiết bị.

Những chi phí này sẽ đẩy sức ép lên vai DN, tác động làm giảm một nguồn thu không nhỏ cho ngân sách nhà nước và làm giảm tính cạnh tranh của các DN sản xuất bia.

Một đối tượng bị thiệt thòi nữa từ quy định này chính là người tiêu dùng, khi phải mua bia với giá cao, do các DN phải tính toán lại chi phí bán bia dựa trên giá thành sản xuất, dán tem bia, mua sắm máy móc…

“Việc dán tem để quản lý hàng giả, hàng lậu và xuất, nhập khẩu, quản lý thuế hay truy tìm nguồn gốc sản phẩm là không thực tế, bởi dán tem bia chỉ tạo kẽ hở cho tiêu cực phát sinh, mà không đẩy lùi được nạn hàng giả, hàng nhái, thậm chí tạo kẽ hở để một ngành nghề mới phát sinh, đó là nghề in tem giả mà việc kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện dán tem cũng rất khó khăn”, TS. Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) phân tích.

“Tại Việt Nam, các công ty bia lớn như Sabeco, Habeco, Heineken, Carlsberg, Hương Sen… đang nắm tới 90% thị phần và các doanh nghiệp này đều được quản lý tốt nên việc thất thoát, trốn thuế, cũng như việc làm giả và nhập lậu hầu như không có”, ông Tuất cho biết thêm.

Theo tính toán sơ bộ, mỗi chai, lon bia phải tốn thêm hơn 100 đồng/sản phẩm cho việc dán tem, thì khoản chi phí đội thêm với các DN, đặc biệt là DN có sản lượng lớn như Sabeco, Habeco… lại càng lớn. Sabeco tính toán, nếu phải dán tem cho bia mỗi năm, doanh nghiệp sẽ tốn thêm khoảng 800 tỷ đồng.

Ông  Nguyễn Mậu Chi, Tổng giám đốc Công ty TNHH Bia Huế cho hay, nếu quy định dán tem bia được thực thi, mỗi năm, Công ty có đến 600 triệu lon bia cần dán tem. Với con số này, tính ra, Bia Huế phải chi ít nhất 60 tỷ đồng cho việc dán tem và đương nhiên để bù đắp một phần chi phí, giá bia ắt phải tăng.

Công bố của Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp (Bộ Công thương), Việt Nam hiện có 117 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất bia, với tổng sản lượng 3,19 tỷ lít năm 2013, bình quân mức tiêu thụ bia trên đầu người tại Việt Nam xấp xỉ 32 lít.

“Dự kiến, hết năm 2014, sẽ đạt 3,5 tỷ lít và đến 2015 đạt 4 tỷ lít, ngành bia được đánh giá là ngành có quy hoạch tốt, với thực tế thực hiện đạt 90-95% quy hoạch, tính từ thời điểm quy hoạch mới nhất được Bộ Công thương phê duyệt vào năm 2008”, ông Việt nói.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn, ông Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc Công ty Luật S&B cho rằng, nên bỏ quy định DN phải dán tem bia ra khỏi dự thảo Nghị định về quản lý sản xuất, kinh doanh bia, vì đó là quy định không khả thi. “DN kinh doanh bia đã phải thực hiện nghiêm các quy định về dán nhãn hàng hóa để đảm bảo đưa thông tin đầy đủ nhất về sản phẩm, rồi thực hiện quy định về mã số, mã vạch…, nay lại thêm việc dán tem, thì không ổn”.

Ông Hà dẫn chứng, kinh nghiệm từ việc dán tem mũ bảo hiểm hay thuốc lá đều cho thấy, chưa có thống kê nào của cơ quan quản lý nhà nước nào về hiệu quả dán tem. Ai cũng hiểu, dán tem là để thống nhất quản lý từ sản xuất tới phân phối, nhưng thực tế, đã có cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm in luôn tem giả để dán lên mũ.

Việt Nam là "quán quân uống bia" nên phải tăng thuế

Mức tiêu thụ 3 tỷ lít bia trong năm 2013 được Bộ Tài chính nhận định, đã đưa Việt Nam trở thành “quán quân uống bia” ở khu vực ASEAN và thứ ba châu Á, chỉ sau Trung Quốc và Nhật Bản, vì vậy phải tăng thuế tiêu thụ đặc biệt để hạn chế sử dụng.

Tin liên quan
Tin khác