Việc Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa ký quyết định thành lập Ban soạn thảo Dự thảo Nghị định quy định chế độ thưởng, phạt đối với các chủ thể có liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng dự án giao thông trong Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội và một số công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông - vận tải đang thu hút sự quan tâm lớn của các nhà thầu.
Đây là những nhà thầu hy vọng sẽ được tham gia các dự án hạ tầng giao thông có quy mô hàng trăm ngàn tỷ đồng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách, với vị thế bình đẳng hơn trong thực hiện hợp đồng với các chủ đầu tư Nhà nước.
Trước đó, trong chuyến công tác xuyên Việt, xuyên Tết để kiểm tra và làm việc về tình hình triển khai các công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông - vận tải, đích thân Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng quy định chế độ thưởng, phạt đối với các chủ thể có liên quan đến triển khai đầu tư xây dựng dự án (trong đó có dự án đường cao tốc) theo quy trình rút gọn.
Yêu cầu mà người đứng đầu Chính phủ đặt ra khi xây dựng nghị định đặc biệt này là phải vừa khuyến khích sáng tạo và nâng cao tinh thần trách nhiệm, vừa phòng ngừa các vi phạm trong quá trình xây dựng, vận hành công trình, dự án.
Hiện có ít nhất 5 dự án đường cao tốc, với tổng mức đầu tư gần 200.000 tỷ đồng dự kiến nhận vốn từ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội đang được các cơ quan chức năng gấp rút hoàn tất thủ tục đầu tư. Để đảm bảo mục tiêu đề ra của Chương trình, các dự án này phải cơ bản hoàn thành vào năm 2025 nhằm tạo động lực quan trọng, giúp đất nước phục hồi nhanh hơn sau đại dịch Covid-19.
Như vậy, thách thức đặt ra là rất lớn, bởi các chủ đầu tư chỉ còn khoảng 3 năm để hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ. Điều đó đòi hỏi các chủ thể liên quan, trong đó các đơn vị thi công phải có cách làm vừa quyết liệt, nhưng cũng phải rất sáng tạo, áp dụng biện pháp tổ chức thi công tiên tiến mới mong rút ngắn tiến độ.
Cần phải nói thêm rằng, ngay từ năm 2003, phiên bản đầu tiên của Luật Xây dựng khi được ban hành đã đề cập việc thưởng, phạt hợp đồng đối với gói thầu xây dựng sử dụng vốn nhà nước. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên, chế độ thưởng, phạt được đề cập ở cấp nghị định.
Trên thực tế, trong hầu hết hợp đồng thi công xây dựng dự án đầu tư công hiện nay, điều khoản về thưởng - phạt hợp đồng thường rất mờ nhạt và vẫn còn tình trạng “nhờn” khi thực thi do mối quan hệ nhập nhằng giữa chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn giám sát. Đó là chưa kể, tỷ lệ phạt chậm thực hiện hợp đồng tại các gói thầu sử dụng vốn đầu tư công chỉ giới hạn ở mức 12% giá trị hợp đồng; thưởng vượt tiến độ cũng chỉ ở mức 12% giá trị làm lợi hiện chưa tạo động lực thực sự đối với các nhà thầu.
Trong khi đó, nhiều chủ dự án tư nhân như Vingroup, Sun Group, bên cạnh việc đáp ứng đúng cam kết về bố trí vốn, mặt bằng, thanh toán, đã thực hiện xử phạt vi phạm hợp đồng một cách nghiêm túc, mạnh tay. Tại các dự án của các nhà đầu tư này, nếu nhà thầu chậm tiến độ, chủ đầu tư sẽ không thanh toán những phần việc đã làm và cho nhà thầu khác vào làm thay ngay lập tức. Nhà thầu phải chịu phạt hợp đồng đến mức có thể bị phá sản nếu vi phạm nghiêm trọng về chất lượng và tiến độ.
Chính chế tài mạnh, thực hiện nghiêm khiến nhà thầu, nếu muốn tồn tại, phát triển thì phải thực hiện nghiêm hợp đồng. Nhờ đó, các dự án của chủ đầu tư tư nhân thường bám rất sát kế hoạch đề ra. Ở chiều ngược lại, nếu nhà thầu làm tốt, nhanh gọn, chủ đầu tư có thể áp dụng các mức thưởng, ít nhất là tương xứng với các chi phí bỏ ra để rút ngắn tiến độ.
Kinh nghiệm thực tiễn trong hoạt động xây dựng cho thấy, việc sớm ban hành nghị định về thưởng - phạt hợp đồng thi công xây dựng là rất cấp thiết. Điều này không chỉ cần thiết với các dự án giao thông trong Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, cùng một số công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông - vận tải, mà cần được mở rộng ra toàn bộ dự án đầu tư công trong thời gian tới.
Ngoài việc sớm có một chế tài rõ ràng về thưởng, phạt hợp đồng, yêu cầu đặt ra là các chủ thể tham gia cần có ý thức thực hiện đúng, đủ các cam kết đã ký, qua đó vừa để tạo thế bình đẳng trong việc thực hiện hợp đồng, vừa giữ nghiêm kỷ luật đầu tư. Đây mới chính là yếu tố quan trọng, góp phần cải thiện tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư công từng mắc “bệnh” chậm tiến độ kéo dài nhưng chưa có phương thức điều trị dứt điểm.