Công ty cổ phần Bidiphar - một doanh nghiệp tại Bình Định đang chậm thoái vốn nhà nước. |
Nhà đầu tư không hào hứng vì giá cổ phiếu giảm
Thực hiện Quyết định số 908/QĐ-TTg ngày 29/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Bình Định đã có Quyết định số 3386/QĐ-UBND phê duyệt Phương án thoái vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định (Bidiphar, mã cổ phiếu DBD).
Mặc dù Bình Định đã rất khẩn trương tổ chức triển khai, nhưng trong quá trình thực hiện, thị trường lại không thuận lợi. Nguyên nhân, theo báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ (tháng 6/2021) của Bidiphar, đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới việc thoái vốn.
Cụ thể, do ảnh hưởng của Covid-19 nên giá cổ phiếu DBD trên thị trường chứng khoán liên tục giảm và chưa có dấu hiệu gia tăng so với thời điểm đầu năm 2020. Tại thời điểm ngày 1/6/2021, giá cổ phiếu DBD là 45.500 đồng, giảm hơn 6,8% so với giá 48.600 đồng tại thời điểm ngày 4/1/2021 và giảm gần 22% so với giá 55.500 đồng tại thời điểm ngày 2/1/2020. (Trong phiên ngày 4/10/2021, giá cổ phiếu BDB là 48.000 đồng). Chưa kể, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nên việc thoái vốn trong thời điểm này không thuận lợi, có thể gây thất thoát vốn nhà nước.
Ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, tỉnh đã kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho chủ trương tiếp tục thực hiện phương án thoái vốn tại Bidiphar bổ sung cho giai đoạn 2021 - 2025.
Báo cáo của UBND tỉnh Bình Định cho biết, theo Quyết định số 908/QĐ-TTg, Bidiphar phải thực hiện thoái toàn bộ vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp tương ứng với tỷ lệ 13,34% vốn điều lệ đến hết năm 2020, nhưng nay có thể phải hết năm 2024 mới hoàn thành việc thoái vốn.
Doanh thu nhiều doanh nghiệp bấp bênh
Cũng trong giai đoạn 2015 - 2020, theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Bình Định tiến hành chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn tại 10 doanh nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ tại thời điểm tháng 8/2021 có 5 doanh nghiệp gồm: Công ty TNHH Xổ số kiến thiết Bình Định; Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định; Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn; Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn; Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh 2.
Đối với nhóm doanh nghiệp này, hiện tỉnh Bình Định chưa thực hiện xong và đang đề xuất chuyển qua giai đoạn 2021 - 2025 bằng phương án sắp xếp theo hình thức tiếp tục duy trì công ty TNHH một thành viên giai đoạn 2021 - 2025 đối với cả 5 doanh nghiệp nêu trên.
Ngoài ra, đến nay, tại Bình Định có 3 doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ gồm Công ty cổ phần Môi trường Bình Định (BDE.JSC), Công ty cổ phần Công viên cây xanh và Chiếu sáng đô thị Quy Nhơn (QUYPALICO), Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bình Định (BIDI WASSCO).
UBND tỉnh Bình Định đề xuất Nhà nước tiếp tục nắm giữ 51% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Môi trường Bình Định. Lý do, từ năm 2018, 2019 và 2020, tỷ trọng doanh thu từ hoạt động công ích trên tổng doanh thu của Công ty đều trên 50% và bình quân trong 3 năm là 67,65%.
Với Công ty cổ phần Công viên cây xanh và Chiếu sáng đô thị Quy Nhơn, UBND tỉnh Bình Định cũng đề xuất Nhà nước tiếp tục nắm giữa từ 51% vốn điều lệ vì trong 2 năm 2018 và 2019, tỷ trọng doanh thu từ hoạt động công ích trên tổng doanh thu của Công ty đều trên 50% (riêng năm 2020 là 49%). Tỷ trọng doanh thu công ích bình quân trong 3 năm là 56%. “Do đó đề xuất Nhà nước tiếp tục nắm giữ 51% vốn điều lệ tại công ty này trong giai đoạn 2021 - 2025”, UBND tỉnh Bình Định đề xuất.
Còn với Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bình Định (BIDI WASSCO), tại Quyết định số 908/QĐ-TTg, Chính phủ đã đưa vào phụ lục danh sách 54 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cấp nước chưa thực hiện thoái vốn trong năm 2020, trong đó có BIDI WASSCO. Vì vậy, Công ty đang tạm dừng thoái vốn nhà nước trong năm 2020 để rà soát, xây dựng phương án sắp xếp, thoái vốn trong giai đoạn 2021-2025.
Hướng nào để Bình Định có thể thoái vốn nhà nước, chuyển chủ sở hữu doanh nghiệp hiệu quả và đảm bảo tiến độ, theo TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), không thể cứ báo cáo cổ phiếu giảm hay kinh doanh thua lỗ để trì hoãn thoái vốn nhà nước, mà phải buộc doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo cơ chế thị trường, quản trị doanh nghiệp nhà nước phải tuân theo chuẩn mực toàn cầu, bởi chỉ khi đó, thông tin mới được minh bạch và thị trường sẽ đánh giá. Nhà đầu tư cũng dễ dàng bỏ vốn vào doanh nghiệp hơn khi họ có thể hiểu doanh nghiệp.
“Nếu chỉ loay hoay thoái vốn, cổ phần hóa mà không thay đổi 2 yếu tố này thì nguy cơ bán rẻ rất lớn, mà bán đắt thì không ai mua, bởi người ta không tin. Nếu như minh bạch, chứng minh được khả năng trong tương lai lớn, thì bán đắt người ta vẫn mua vì người ta nhìn thấy lợi nhuận. Quá trình thoái vốn được đẩy nhanh hay không, phụ thuộc vào cả 2 yếu tố nói trên, bằng không sẽ cứ tiếp tục chậm”, ông Nguyễn Đình Cung nói.