Hút vốn đầu tư
Năm 2022, nhân kỷ niệm 30 tái lập tỉnh (1992-2022), Bình Thuận đã khởi công dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1.
Dự án có tổng mức đầu tư 2.300 tỷ đồng, quy mô khoảng 1070 ha, do công ty TNHH đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Sơn Mỹ (IPICO) làm chủ đầu tư.
Nằm trong khu vực kinh tế trọng điểm phía nam của Bình Thuận, tiếp giáp với tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1 của tỉnh Bình Thuận sẽ một KCN lớn của cả nước.
Theo ông Lê Quang Hiếu - Phó Chủ tịch Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Và Kinh doanh Kết cấu Hạ tầng Khu Công Nghiệp Sơn Mỹ (IPICO), với định hướng phát triển theo mô hình Khu công nghiệp thông minh, sinh thái tuần hoàn và thân thiện với môi trường, với cốt lõi là Trung tâm Năng lượng bền vững, KCN Sơn Mỹ I sẽ ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, để giảm phát thải carbon và khí gây hiệu ứng nhà kính.
Ngoài ra, KCN Sơn Mỹ I cũng có vị trí thuận lợi để phát triển hệ thống Cảng biển tổng hợp nhằm phục vụ nhu cầu xuất, nhập hàng hóa và nông sản trong vùng.
Thủ tướng Chính phủ dự lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1. |
Khi hoàn thành, Khu công nghiệp Sơn Mỹ I kết hợp với Cảng biển Sơn Mỹ sẽ có vai trò chiến lược mang tầm quốc tế và sẽ trở thành ngành kinh tế chủ lực mới không những của Bình Thuận mà còn của cả Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam Trung Bộ.
Dễ dàng nhận thấy, tỉnh Bình Thuận đã và đang nhận được sự quan tâm lớn của nhà đầu tư quan tâm đầu tư các KCN. Bởi Bình Thuận đang hướng đến mục tiêu đưa công nghiệp trở thành 1 trong 3 trụ cột, tạo động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế vươn lên bền vững.
Tỉnh Bình Thuận đã có những bước phát triển ấn tượng. |
Các KCN của tỉnh Bình Thuận đã thu hút nguồn vốn đầu tư khá lớn. Thống kê cho thấy, hiện các KCN tỉnh Bình Thuận đã thu hút được 86 dự án đầu tư thứ cấp còn hiệu lực, trong đó có 58 dự án vốn đầu tư trong nước, 28 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư hơn 15.961 tỷ đồng và 231,89 triệu USD, diện tích đất công nghiệp cho thuê là 270,9 ha.
“Chúng tôi đã khảo sát nhiều KCN tại các địa phương khác nhau, nhưng cuối cùng đã chọn KCN Hàm Kiệm 2 Bitas để đầu tư nhà máy sản xuất ốc vít các loại (Nhà máy Sheh Fung Screws Việt Nam) với diện tích 20 ha, vốn đầu tư 50 triệu USD. Tỉnh Bình Thuận hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để triển khai dự án; ngoài ra chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ rất tốt của tỉnh Bình Thuận, nên sẽ sớm đưa nhà máy đi vào sản xuất trong cuối năm 2023”, đại diện lãnh đạo Nhà máy Sheh Fung Screws Việt Nam chia sẻ lý do đầu tư vào Bình Thuận.
Dư địa lớn
Ban Quản lý các KCN tỉnh Bình Thuận được thành lập từ năm 1999, lúc đó chỉ có 1 KCN. Nhưng đến nay, tỉnh Bình Thuận đã có 9 KCN được Chính phủ phê duyệt với diện tích 3.048 ha.
Trong đó, có 6 KCN đã được đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh, 3 khu công nghiệp còn lại đang thực hiện đền bù giải toả, đầu tư hạ tầng chuẩn bị mời gọi các nhà đầu tư thứ cấp.
Theo ông Phùng Hữu Cư - Trưởng Ban quản lý các Khu công nghiệp Bình Thuận, Tỉnh đã thu hút nhiều các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, đặc biệt một số doanh nghiệp khá lớn đã về đầu tư sản xuất kinh doanh tại các KCN tỉnh Bình Thuận.
Nhiều nhà đầu tư quan tâm tìm hiểu đầu tư vào các KCN tỉnh Bình Thuận. |
Hiện nay với lợi thế giá thuê đất, phí hạ tầng, chi phí giá nhân công rẻ; nhất là hạ tầng về giao thông ngày càng hoàn thiện, tiết kiệm chi phí trong quá trình kết nối, sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hoá từ tỉnh đến thành phố Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía nam, Bình Thuận đã từng bước trở thành thỏi nam châm thu hút lượng lớn về nguồn vốn và các dự án đầu tư trong và ngoài nước. Vì thế, các KCN được dự báo sẽ tiếp tục đón dòng vốn đầu tư mới.
Hiện một số doanh nghiệp lớn như Becamex- Vsip, Sonadezi, IPICO, Tập đoàn AES, PV Gas, Power PLC (Anh), Sojitz (Nhật Bản), CTCP tập đoàn Thái Bình Dương Việt Nam (Pacific) đã tìm đến Bình Thuận. Làn sóng đầu tư này sẽ tạo động lực, mở ra cơ hội cho các KCN tỉnh Bình Thuận tiếp tục thu hút đầu tư.
Để hiện thực hoá mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp,tỉnh Bình Thuận đã nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh thu hút các doanh nghiệp, các công ty lớn.
Với phương châm lấy niềm tin, sự hài lòng của doanh nghiệp là mục tiêu cốt lõi, Bình Thuận luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, sẵn sàng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư, tập trung phát triển nguồn nhân lực bảo đảm về số lượng và chất lượng cho các KCN.
Tỉnh Bình Thuận đã có 9 KCN được Chính phủ phê duyệt với diện tích 3.048 ha. |
Song song với đó, Bình Thuận đã đề ra các giải pháp điều chỉnh quy hoạch các KCN phù hợp với qui hoạch tổng thể phát triển nền kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021 – 2030 tầm nhìn đến năm 2050; phù hợp với định hướng phát triển vùng kinh tế duyên hải miền trung và của cả nước.
Trong đó, đến năm 2025 sẽ đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng các KCN Phan Thiết 2, KCN Hàm Kiệm 1, KCN Hàm Kiệm 2, KCN Sông Bình và KCN Tuy Phong; đầu tư trên 70% khối lượng hạ tầng KCN Tân Đức, KCN Sơn Mỹ 1, KCN - Dịch vụ - Đô thị Hàm Tân - La Gi (giai đoạn 1). Qua đó thu hút đầu tư lấp đầy 100% diện tích đất cho thuê ở KCN Phan Thiết 2, 78% diện tích đất cho thuê ở các KCN Hàm Kiệm 1, KCN Hàm Kiệm 2; đạt trên 30% diện tích đất cho thuê ở các KCN Tân Đức, KCN Tuy Phong, KCN Sông Bình, KCN Sơn Mỹ 1, KCN Sơn Mỹ 2.
Đến năm 2030, Bình Thuận sẽ đầu tư hoàn chỉnh đầu tư kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp hiện có; thành lập một số KCN công nghệ cao. Trên cơ sở đó Bình Thuận sẽ có phương án sắp xếp lại ngành nghề một số KCN theo hướng chuyên ngành, định hướng sản phẩm công nghệ cao, ngành nghề không ô nhiễm có chọn lọc, nhằm tạo điều kiện và môi trường đầu tư hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Dự kiến bình quân mỗi năm các KCN Bình Thuận thu hút 20 đến 30 dự án với vốn đầu tư đăng ký khoảng 300 triệu USD; tốc độ tăng trưởng (GRDP) của ngành công nghiệp bình quân đạt 13%/năm, giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị xuất khẩu lần lược chiếm khoảng chiếm 37% tổng sản phẩm nội tỉnh; kim ngạch xuất khẩu sản phẩm công nghiệp đạt trên 800 triệu USD. Bình Thuận cũng tập trung xây dựng các KCN gắn với Khu đô thị theo xu hướng hiện đại, đồng bộ là điểm đến tin cậy của các nhà đầu tư…
Phát huy những tiềm năng, tận dụng tối đa lợi thế từ những tuyến đường huyết mạch mang lại, các KCN tỉnh Bình Thuận còn nhiều dư địa và sẵn sàng để chào đón các nhà đầu tư.
Đồng thời, đổi mới, cải thiện công cụ xúc tiến đầu theo hướng hiện đại, nâng cao hiệu quả công tác thu hút đầu tư thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Khơi thông những ách tắc, những tồn tại trên các lĩnh vực nhằm cải thiện môi trường đầu tư…