Điểm nóng
Bình Thuận nhận định tình trạng lấn chiếm đất đai "tương đối phức tạp"
Linh Đan - 28/06/2024 17:11
Tình hình lấn, chiếm đất công, đất các dự án; tái lấn, chiếm quỹ đất đã được bồi thường, giải phóng mặt bằng ở Bình Thuận tương đối phức tạp, có tổ chức.
Tình hình lấn, chiếm đất công, đất các dự án; tái lấn, chiếm quỹ đất đã được bồi thường, giải phóng mặt bằng ở Bình Thuận tương đối phức tạp, có tổ chức. Trong ảnh là Thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận vừa báo cáo UBND tỉnh tình hình lấn, chiếm đất đai; kết quả kiểm điểm, xem xét trách nhiệm của các cơ quan liên quan để xảy ra trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố…

Theo đánh giá của cơ quan này, tình hình lấn, chiếm đất công, đất các dự án; tái lấn, chiếm quỹ đất đã được bồi thường, giải phóng mặt bằng tương đối phức tạp, có tổ chức; mặc dù đã có nhiều biện pháp hữu hiệu nhưng tình hình vẫn chưa được khắc phục, ngăn chặn triệt để.

Đất lâm nghiệp do các Ban quản lý rừng phòng hộ, Khu bảo tồn thiên nhiên, Công ty lâm nghiệp và Trung tâm quản lý, sử dụng bị lấn, chiếm với tổng diện tích lớn; đất do UBND cấp xã quản lý còn bị lấn chiếm.

Trên địa bàn một số xã, phường thuộc huyện, thị xã và thành phố tình trạng  lấn, chiếm đất chưa được phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm kịp thời. Phần lớn các đối tượng vi phạm đã chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Tuy  nhiên, vẫn còn một số đối tượng vi phạm có hoàn cảnh kinh tế khó khăn và do ảnh hưởng tình hình hoạt động không hiệu quả, số tiền phạt lớn nên không có điều kiện  chấp hành quyết định xử phạt. Ngoài ra, một số đối tượng chây ì không tự giác chấp  hành quyết định xử phạt. Việc tổ chức thực hiện cưỡng chế thi hành quyết định xử  phạt vi phạm hành chính về đất đai còn chậm.

UBND các xã, phường, thị trấn và các chủ quản lý sử dụng đất (các chủ  rừng, chủ dự án đầu tư được giao đất, cho thuê đất), trong thời gian qua còn biểu hiện thiếu chủ động, chưa thường xuyên kiểm tra, phát hiện để ngăn chặn kịp thời và xác lập hồ sơ để xử lý vi phạm về đất đai theo quy định của pháp luật; còn nhiều trường hợp chưa xử lý, ngăn chặn dừng ngay hành vi phạm mới vi phạm dẫn tới mức độ vi phạm lớn thì mới được xác lập hồ sơ, báo cáo UBND huyện để xử lý, gây  khó khăn cho việc khắc phục hậu quả, làm hạn chế về kết quả của công tác này.

Một số chủ đầu tư khi được giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đã triển khai dự án chậm tiến độ, không quản lý được đất được cho thuê hoặc giao đất để bị lấn, chiếm nhiều  năm liền, không báo cáo với cơ quan quản lý; các chủ dự án không cung cấp được hồ sơ xử lý ban đầu (các dự án trồng rừng: Thủy Hà, Lâm Hải Ninh, Bảo Toàn,  Hưng Phú, Vĩnh Hưng Đồng Nai, Kim Sơn thuộc địa bàn huyện Hàm Thuận Nam).

Khi lập dự án đầu tư không đo đạc, xác lập đầy đủ, chặt chẽ hồ sơ; không tổ chức  bồi thường, hỗ trợ hoặc thỏa thuận để giải phóng hoàn toàn mặt bằng mà vẫn còn  đối tượng khác sử dụng đất trong vùng dự án tạo tiền đề cho lấn chiếm, đòi lại đất cũ  (Vĩnh Hưng Đồng Nai, Hưng Phú, Tà Kóu,… thuộc địa bàn huyện Hàm Thuận Nam).

Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai thuộc thẩm quyền của địa  phương vẫn còn chậm. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các sở, ngành nhất là các cơ quan thực thi  pháp luật với cấp huyện trong việc hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các dự án còn hạn  chế, thiếu thông tin nên kết quả thực hiện chưa đạt yêu cầu.

Việc phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong việc rà soát toàn diện các văn bản pháp luật để đề xuất biện pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc thi hành các bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật thuộc trách nhiệm thi hành của UBND cấp huyện, nhất là các bản án thuộc trách nhiệm thi hành của UBND Thành phố Phan Thiết còn chậm trễ, thiếu chặt chẽ và chưa có sự tập trung cao.

Một số địa phương, đơn vị, mặc dù số bản án đã có hiệu lực pháp luật thuộc trách nhiệm phải thi hành không nhiều nhưng phần lớn đều chưa thi hành xong; trong đó, có những bản án không có khó khăn, vướng mắc nhưng vẫn thi hành chậm trễ.

Tin liên quan
Tin khác