Tập đoàn Bitexco tham gia vào Dự án dầu khí Lô 12W
Công ty Bitexco Energy ký Hợp đồng mua bán với Công ty Ophir Jaguar 2 để mua lại toàn bộ cổ phần Công ty Ophir Vietnam Block 12W B.V. (“Ophir Vietnam”).
Công ty Bitexco Energy ký Hợp đồng mua bán với Công ty Ophir Jaguar 2 |
Công ty Bitexco Energy, Công ty con của Tập đoàn Bitexco đã ký Hợp đồng mua bán với Công ty Ophir Jaguar 2, Công ty con của Công ty Medco Energi để mua lại toàn bộ cổ phần Công ty Ophir Vietnam Block 12W B.V. (Ophir Vietnam) có trụ sở tại Ha Lan, hiện đang nắm giữ 31,875% tại Hợp đồng Lô 12W, bể Nam Côn Sơn, ngoài khơi Việt Nam.
Thương vụ này dự kiến sẽ hoàn thành vào nửa đầu năm 2023 khi nhận được đầy đủ phê duyệt từ Chính phủ Việt Nam.
WinMart khai trương siêu thị thứ 130
Ngày 22/12/2022, WinCommerce đã khai trương siêu thị WinMart Đức Trọng.
Năm 2022, WinCommerce đã tăng tốc mở rộng quy mô với 10 siêu thị WinMart, 777 cửa hàng WinMart+ |
Đây là siêu thị WinMart thứ 130 trên cả nước và thứ 2 tại tỉnh Lâm Đồng. Trong mảng cửa hàng tiện ích, WinCommerce đang sở hữu hơn 3,300 cửa hàng WinMart+ và WIN.
Song song với việc mở rộng quy mô, nhà bán lẻ này cũng đồng loạt “tung” nhiều chương trình khuyến mại đón sóng tiêu dùng cuối năm.
Năm 2022, WinCommerce đã tăng tốc mở rộng quy mô với 10 siêu thị WinMart, 777 cửa hàng WinMart+ được mở mới. Đồng thời, ra mắt thành công hệ sinh thái WINLife, khai trương hơn 100 cửa hàng WIN, thu hút hơn 600.000 khách hàng tham gia chương trình Hội viên WIN tính đến ngày 20/12/2022.
Trong năm 2023, chuỗi bán lẻ này dự kiến mở mới hơn 1500 điểm bán, đưa quy mô toàn chuỗi chạm mốc 5.000 siêu thị và cửa hàng, có mặt tại 63 tỉnh thành.
Hoà Phát lần đầu xuất khẩu thép dây cuộn sang châu Âu
Lô thép dây cuộn 10.000 tấn sẽ được Hoà Phát lần đầu xuất khẩu sang châu Âu vào tháng 2 năm sau.
Lần đầu tiên sản phẩm thép dài của Hoà Phát được xuất sang EU |
Thông tin từ Tập đoàn Hoà Phát, doanh nghiệp này vừa ký hợp đồng xuất khẩu lô hàng 10.000 tấn thép dây cuộn sang châu Âu. Đây là lần đầu sản phẩm thép dài của Hoà Phát được xuất sang EU, mở ra thị trường mới cho loại sản phẩm này trong bối cảnh tiêu thụ thép trong nước và xuất khẩu đang chững lại.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản xuất và nhu cầu thép năm 2022 chững lại. Nhiều doanh nghiệp đối mặt với khó khăn do chi phí tăng cao, giá thép biến động mạnh và lượng hàng tồn kho lớn.
Số liệu từ hiệp hội này cho thấy, sản xuất thép thành phẩm tháng 11 đạt trên 1,82 triệu tấn, giảm gần 11% so với tháng 10 và gần 37% so cùng kỳ 2021. Tiêu thụ thép các loại đạt hơn 1,94 triệu tấn, giảm 16,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 11 tháng, sản xuất thép thành phẩm đạt 27,12 triệu tấn, giảm 11,3% so với cùng kỳ năm 2021. Bán hàng thép thành phẩm đạt hơn 25 triệu tấn, giảm gần 7% so với năm trước.
Đại diện Hoà Phát cho biết thép dây cuộn xuất sang châu Âu sản xuất theo tiêu chuẩn ASTM Mỹ, carbon thấp. Sản phẩm được dùng để rút dây hoặc làm lưới thép (wiremesh) thông dụng. Dự kiến lô hàng 10.000 tấn sẽ được công ty của tỷ phú Trần Đình Long giao cho đối tác vào tháng 2/2023.
Ngoài hàng thép dài, Hòa Phát còn xuất khẩu thép dẹt (HRC), tôn đi châu Âu. Hiện, tập đoàn này đã có đơn hàng xuất khẩu sang Canana, Campuchia, Hàn Quốc, Thái Lan... giao hàng trong tháng 1 và 2 năm sau.
Vinatex: Lãi hợp nhất 2022 gần 1, 1 ngàn tỷ đồng
Lãnh đạo Vinatex công bố một số thông tin về tình hình kinh doanh 2022 của Tập đoàn.
Doanh thu Công ty mẹ Tập đoàn Dệt may Việt Nam đạt 2.157 tỷ đồng, tăng 132% so với cùng kỳ |
Năm 2022, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 19.535 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ. Lợi nhuận hợp nhất 1.090 tỷ đồng, vượt 15% kế hoạch, nhưng giảm 25% so với năm 2021.
Doanh thu Công ty mẹ đạt 2.157 tỷ đồng, tăng 132% so với cùng kỳ. Lợi nhuận 336 tỷ đồng, tăng 8% cùng kỳ.
Năm 2023, Vinatex đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 20.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.350 tỷ đồng. Đối với Công ty mẹ doanh thu 2,160 tỷ đồng, lợi nhuận 350 tỷ đồng.
Năm 2022, tổng cầu dệt may toàn cầu đạt khoảng 757 tỷ USD, giảm 6% so với năm 2021, cơ cấu đơn hàng nhỏ, giá gia công giảm, giãn thời gian nhận hàng… Trong bối cảnh đó, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam năm 2022 ước đạt khoảng 44.5 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2021.
KIDO rút lui khỏi chuỗi Chuk Chuk
Công ty cổ phần Tập đoàn KIDO vừa chính thức thoái vốn khỏi Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại TTV. TTV chính là đơn vị vận hành của chuỗi Chuk Chuk - dự án ra mắt từ tháng 6 năm 2021.
KIDO từng mong muốn biến Chuk Chuk thành thương hiệu F&B quốc gia |
Đây được xem là một quyết định rất bất ngờ, bởi trước đó KIDO tham gia với góp vốn với tỷ lệ 61% (tổng vốn đầu tư ban đầu 100 tỷ đồng) để nắm quyền chi phối.
Còn KIDO mong muốn biến Chuk Chuk thành thương hiệu F&B quốc gia, bao phủ không chỉ trong nước mà còn phát triển chuỗi nhượng quyền thương hiệu theo chuẩn quốc tế, với mục tiêu có trên 50 cửa hàng Chuk Chuk vào cuối năm 2021 và bắt đầu nhượng quyền vào năm 2022.
TTV kỳ vọng đến năm 2025 Chuk Chuk sẽ có khoảng 1.000 cửa hàng với doanh thu trên 7.800 tỷ đồng.
Thông tin trên website của Chuk Chuk cho thấy thương hiệu này mở rộng đến TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu và Hà Nội.
Đạm Cà Mau ước đạt doanh thu năm 2022 cao nhất trong lịch sử hoạt động
Theo cập nhật mới nhất từ Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC), tổng doanh thu năm 2022 ước đạt hơn 15.000 tỷ đồng – con số cao nhất được ghi nhận kể từ khi hoạt động.
Tổng doanh thu năm 2022 của Phân bón Dầu khí Cà Mau ước đạt hơn 15.000 tỷ đồng |
Sản lượng sản xuất urê quy đổi ước đạt 914,38 nghìn tấn; sản lượng tiêu thụ urê ước đạt 820,57 nghìn tấn. Nhà máy Đạm Cà Mau cán mốc sản lượng 9 triệu tấn ure.
Trước đó, BCTC quý 3 ghi nhận tổng doanh thu lũy kế 9 tháng của DCM đạt 11.887 tỷ đồng, tăng 90% so với cùng kỳ.
Theo đánh giá của Ban lãnh đạo, trong năm qua, Đạm Cà Mau đã chủ động ứng phó với diễn biến của thị trường, biến động giá dầu, thị trường trong nước và thế giới; triển khai và thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất, tiêu thụ, doanh thu, lợi nhuận với sự quyết tâm và nỗ lực không ngừng
Trong một báo cáo mới cập nhật, Chứng khoán MBS cho biết Đạm Cà Mau đã tiến hành xong việc bảo dưỡng nhà máy Urea trong tháng 9 và sản xuất ổn định, đạt công suất vượt mức thiết kế. Theo kế hoạch 2022, sản lượng sản xuất NPK sẽ tăng lên 80 nghìn tấn. MBS ước tính sản lượng tiêu thụ có thể đạt 70 nghìn tấn, tương ứng tăng khoảng 80% so với 2021. Dư địa cho tăng trưởng của sản phẩm NPK còn nhiều do công ty mới đưa vào kinh doanh năm thứ 2 và dư địa công suất vẫn còn lớn.
MBS dự báo doanh thu và lợi nhuận trước thuế quý 4 có thể đạt lần lượt 2.792 tỷ đồng và 522 tỷ đồng, đưa doanh thu và lợi nhuận trước thuế cả năm lên mức 14.258 tỷ đồng và 4.014 tỷ đồng, tương ứng tăng lần lượt 44% và 105% so với thực hiện trong năm 2021.