Bộ Công thương vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc nghiên cứu xây dựng cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn.
Theo đó, việc mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn thuộc nhóm sản xuất được chia thành 2 trường hợp.
Gồm, mua bán điện thông qua đường dây riêng do tư nhân đầu tư và mua bán điện thông qua lưới điện quốc gia.
Với trường hợp một, đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn khi mua bán điện không bị giới hạn về các điều kiện như công suất, sản lượng, cấp điện áp đấu nối, mục đích sử dụng điện…
Mô hình đầu tư lắp đặt điện mặt trời áp mái để bán trực tiếp cho các khách hàng sản xuất đang được thực hiện ở nhiều nơi |
Tuy nhiên, đơn vị phát điện phải có trách nhiệm thực hiện việc đầu tư xây dựng dự án điện phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực; có Giấy phép hoạt động Điện lực theo quy định hiện hành; thực hiện các quy định về mua bán điện, giá điện theo Luật Điện lực và quy định về giá bán điện do Bộ Công thương ban hành.
Bộ Công thương cho rằng, mô hình này đã đủ cơ sở pháp lý để triển khai và đã được một số đơn vị triển khai trên thực tiễn nên thời gian tới sẽ khuyến khích nhằm phát triển dự án điện tự sản tự tiêu hướng tới phát triển xanh theo cam kết của Việt Nam.
Điều này cũng phù hợp với định hướng đa dạng hóa hình thức đầu tư với các dự án điện theo Quyết định 500/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch điện VIII.
Đối với trường hợp mua bán điện thông qua hệ thống lưới điện quốc gia giữa đơn vị phát điện và khách hàng thì vẫn cần có sự hiện diện của các chủ thể khác thuộc ngành điện gồm các Tổng công ty Phát điện, đơn vị bán lẻ điện thuộc Tổng công ty phân phối theo khu vực, Công ty Mua bán điện và Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia.
Cạnh đó, đơn vị phát điện phải sở hữu nhà máy điện gió, điện mặt trời đấu nối vào hệ thống điện quốc gia và có công suất từ 10 MW trở lên. Khách hàng sử dụng điện lớn được định nghĩa là các tổ chức, cá nhân đang mua điện phục vụ mục đích sản xuất từ cấp điện áp 22 kV trở lên.
Với trường hợp này, trong giai đoạn khi Luật Giá và các văn bản hướng dẫn các loại giá và phí quan chưa có hiệu lực, đơn vị bán lẻ điện thực hiện phân phối, cung cấp điện cho khách hàng để đáp ứng toàn bộ nhu cầu sử dụng điện cho hoạt động sản xuất của khách hàng theo giá bán lẻ điện quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.
Trong giai đoạn kể từ thời điểm Luật Giá và các văn bản hướng dẫn các loại giá và phí liên quan có hiệu lực, đơn vị bán lẻ điện và khách hàng mua điện theo giá điện phản ánh đúng và đầy đủ theo các khoản phí trên thị trường điện giao ngay cộng với các loại giá dịch vụ (giá truyền tải điện, giá phân phối điện, giá điều độ vận hành hệ thống điện và giá điều hành giao dịch thị trường điện lực, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện...).
Giá bán lẻ điện cho khách hàng sử dụng điện lớn được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 1062/QĐ-BCT ngày 4/5/2023 (giá bán lẻ điện bình quân 1.920,3732 đồng/kWh) và các hướng dẫn tại một loạt Thông tư của Bộ này.
Do tính cấp thiết cần có cơ chế, Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng Nghị định theo trình tự, thủ tục rút gọn theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.