Bản Kế hoạch đề ra mục tiêu nâng cao thứ hạng của Việt Nam trong xếp hạng Chỉ số Hiệu quả Logistics (gọi tắt là LPI) do Ngân hàng Thế giới công bố từ nay đến năm 2025 lên 5 - 10 bậc. |
Triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021, Bộ trưởng Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 708/QĐ-BCT phê duyệt Kế hoạch cải thiện chỉ số Hiệu quả Logistics của Việt Nam.
Bản Kế hoạch đề ra mục tiêu nâng cao thứ hạng của Việt Nam trong xếp hạng Chỉ số Hiệu quả Logistics (gọi tắt là LPI) do Ngân hàng Thế giới công bố từ nay đến năm 2025 lên 5 - 10 bậc.
Năm 2018, Việt Nam đứng thứ 39 trên thế giới về xếp hạng LPI, đóng góp tích cực vào cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh trong cung ứng dịch vụ logistics của Việt Nam, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo,... góp phần thực hiện thắng lời Nghị quyết của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội.
Cụ thể, theo công bố mới của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đang xếp ở vị trí 39 với điểm số LPI (Logistics performance index - chỉ số năng lực quốc gia về logistics) được cải thiện đáng kể: 3.27, xếp thứ 3 trong khối ASEAN (sau Singapore vị trí 7 và Thái Lan vị trí 32) bảng xếp hạng hoạt động logistics 2018, được đánh giá là có hiệu suất dịch vụ logistics tốt hơn hẳn các thị trường có mức thu nhập tương đương.
Bộ Công thương đánh giá năm 2018 ngành logistics có mức độ tăng khoảng 12-14%. Số lượng các doanh nghiệp vận tải và logistics hiện nay là 3.000 doanh nghiệp, bao gồm cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa, đường hàng không...
Sự phát triển của ngành vận tải và logistics đồng thời sẽ tạo điều kiện để Việt Nam nhanh chóng trở thành một trung tâm sản xuất mới trong khu vực có khả năng cạnh tranh với Trung Quốc.
Các doanh nghiệp trong ngành cũng thể hiện niềm tin tăng trưởng khi có đến hơn 73% doanh nghiệp tham gia khảo sát của Vietnam Report cho rằng, toàn ngành vận tải và logistics Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng trên hai con số, gần 27% dự đoán đạt mức dưới 10% trong năm 2019, và không doanh nghiệp nào dự báo "không thay đổi" hay "xấu hơn năm 2018".
Bởi vậy, trong Kế hoạch của Bộ Công thương đã đề ra 49 nhiệm vụ cụ thể gắn với vai trò của các Bộ, ngành, địa phương, được chia thành các nhóm nhiệm vụ liên quan chặt chẽ với 6 chỉ số thành phần trong LPI, bao gồm:
Nhóm nhiệm vụ về nâng cấp hạ tầng; Nhóm nhiệm vụ về cải thiện khả năng giao hàng; Nhóm nhiệm vụ về nâng cao năng lực và chất lượng cung cấp dịch vụ logistics; Nhóm nhiệm vụ về ứng dụng công nghệ, tối ưu khả năng truy xuất; Nhóm nhiệm vụ về rút ngắn thời gian và giảm chi phí; Nhóm nhiệm vụ về nâng cao hiệu quả thông quan và Nhóm nhiệm vụ bổ trợ.
Cục Xuất nhập khẩu là cơ quan đầu mối của Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương triển khai, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kế hoạch cải thiện chỉ số Hiệu quả Logistics của Việt Nam.